Trường Sa - Đến rồi nhớ mãi!

Trong những ngày tháng 5/2023, chúng tôi có chuyến hải trình cùng Đoàn công tác tỉnh Đồng Tháp đến thăm cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Tận mắt chứng kiến những thay đổi, phát triển của các đảo và những khó khăn, vất vả người lính hải quân hằng ngày... chúng tôi cảm nhận được ý chí kiên cường, lòng quả cảm, sự hy sinh của người lính hải quân và yêu hơn vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phan Văn Thắng (bìa phải) tham quan vườn rau xanh trên Nhà giàn DK1-21 (Ba Kè)

MÀU XANH GIỮA BIỂN KHƠI

Với đặc thù thổ nhưỡng Trường Sa chủ yếu là cát, san hô nên phải mang đất từ đất liền ra đảo để trồng rau xanh. Các anh lính hải quân kể, trước đây, việc trồng rau xanh sợ nhất là mùa biển động, sóng gió tạt nước biển vào khiến rau chết. Ngày nay, nhờ trồng trong nhà lưới nên rau phát triển tốt, khu tăng gia của cán bộ, chiến sĩ phủ màu xanh tươi, đáp ứng được nguồn rau xanh cho các bữa ăn. Thượng úy Nguyễn Công Đạt - trợ lý hậu cần đảo Sinh Tồn Đông dẫn các thành viên trong Đoàn công tác đi tham quan, tìm hiểu công việc trồng rau xanh trên đảo. “Ở đất liền trồng được những loại rau nào thì chúng tôi trồng được các loại đó để cải thiện bữa ăn. Ở đảo gặp hạn chế về đất, nước ngọt nhưng chúng tôi trồng được nhiều loại rau như: cải ngọt, cải xanh, mồng tơi, rau dền, rau muống, rau lang, củ cải giúp đơn vị chủ động được nguồn thực phẩm rau xanh phục vụ bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ” - Thượng úy Đạt phấn khởi kể.

Đối với các đảo chìm, nhà giàn thì việc tăng gia sản xuất càng khó khăn hơn bởi hạn chế về không gian, đất, nước ngọt và nước biển ảnh hưởng đến sự phát triển của rau. Nhà giàn DKI-21 (Ba Kè) có diện tích hẹp nhưng dành một phần tầng thượng để trồng đủ các loại rau xanh nhằm cải thiện bữa ăn của đơn vị. Ông Trần Văn Khôn (61 tuổi) ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò cùng đi với Đoàn công tác tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Tận mắt chứng kiến những vườn rau xanh trồng trên các đảo, nhà giàn, tôi rất khâm phục khi thấy các chiến sĩ trồng rau xanh giỏi như kỹ sư nông nghiệp. Tôi trân quý sự lao động sáng tạo của các chiến sĩ Trường Sa, vượt qua mọi khó khăn để trồng được tất cả các loại rau, hoa màu như trên đất liền”.

Từng giọt nước mưa ít ỏi trên đảo được cán bộ, chiến sĩ tích lũy vào bồn để dành sử dụng, tưới cây

Thời tiết ở Trường Sa vào mùa khô thiếu nước, mùa mưa thì gió lớn và bão nên việc trồng được cây xanh góp phần tạo bóng mát, điều hòa khí hậu trên các đảo không phải việc dễ dàng. Trên các đảo được trang bị bồn, bể ngầm để chứa nước mưa nhưng nguồn nước vẫn rất hạn chế. Trung tá Nguyễn Thiên Hòa - Phó Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, chia sẻ: “Sau những giờ huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải tranh thủ chăm sóc cây xanh. Ở trên đảo, không phải cây xanh nào trồng xuống cát, san hô đều phát triển tốt nên việc chăm sóc cây được đặc biệt quan tâm gắn với nhiệm vụ của từng cán bộ, chiến sĩ”.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn chắt chiu từng lượng đất được gửi từ đất liền ra để trồng cây xanh và dành từng giọt nước mưa ít ỏi để tưới cây. Ở Trường Sa, các đảo đều phủ hệ thống cây xanh nhằm tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tạo bóng mát, điều hòa khí hậu, giúp che chắn gió, bão và góp phần vào khả năng phòng thủ, chiến đấu trên đảo.

Trung úy Phan Khánh Linh - Phó Chỉ huy trưởng Nhà giàn DKI-21 (Ba Kè) tranh thủ thời gian đọc báo

NGƯỜI ĐỒNG THÁP Ở TRƯỜNG SA

Trong chuyến công tác ở Trường Sa, chúng tôi gặp những người con ưu tú của Đất Sen hồng Đồng Tháp đang thầm lặng ở nơi đầu sóng ngọn gió ngày đêm bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng vô cùng xúc động, tự hào về Trung úy Phan Khánh Linh (25 tuổi, quê quán xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò) là Phó Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1-21 (Ba Kè).

Trung úy Linh cùng với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn làm nhiệm vụ trực canh gác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Mặc dù công tác xa nhà nhưng Trung úy Linh luôn kiên định lập trường với tình yêu biển, đảo; sẵn sàng cống hiến, ngày đêm canh giữ biển trời, góp sức trẻ giữ gìn vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên biển. Trung úy Linh xúc động, chia sẻ: “Tôi vô cùng tự hào và vinh dự được Đoàn công tác tỉnh Đồng Tháp ra thăm hỏi, động viên. Tôi xem đây là kỷ niệm đáng nhớ và tiếp thêm động lực để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo sự lan tỏa về hình ảnh công dân Đất Sen hồng trên vùng biển, đảo quê hương”.

Chào cờ buổi sáng trên Nhà giàn DK1

Đảo Trường Sa là điểm đảo cuối cùng Đoàn công tác đến thăm trước khi trở về đất liền, chúng tôi tình cờ gặp người đồng hương là Trung úy Nguyễn Thành Sỉ (26 tuổi) quê quán phường An Lộc, TP Hồng Ngự. Mang trong tim tình yêu quê hương, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, Trung úy Sỉ đã sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào được giao. Trung úy Sỉ chia sẻ: “Tôi vinh dự và tự hào được phân công nhiệm vụ ra đảo Trường Sa để đóng góp sức trẻ vào việc gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi càng vinh dự và tự hào là người con của quê hương Đồng Tháp nhận nhiệm vụ công tác ở Trường Sa. Từ nơi đảo xa, tôi xin nhắn gửi với các bạn trẻ quê hương Đồng Tháp, nếu có điều kiện hãy ra sức tham gia bảo vệ biển, đảo của quê hương”.

Khi được Đoàn công tác tỉnh Đồng Tháp ra thăm, động viên và tặng quà, Trung úy Phan Khánh Linh và Trung úy Nguyễn Thành Sỉ vô cùng xúc động. Trước sự quan tâm, tình cảm của lãnh đạo tỉnh, 2 người con quê hương Đồng Tháp hứa nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và không ngừng học tập, phấn đấu hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc để xứng đáng với niềm tự hào là công dân Đất Sen hồng.

Dù chỉ một lần được đến với Trường Sa thân yêu của Tổ quốc, chúng tôi mãi nhớ da diết và không thể nào quên những khó khăn, vất vả người lính hải quân phải đối mặt và vượt qua để giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam.

Dương Út

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/bien-dao-viet-nam/truong-sa-den-roi-nho-mai--120204.aspx