Trungnam Group sắp 'thoát hiểm' ở dự án chống ngập tại TP.HCM

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo tháo gỡ mang tính cấp bách đối với dự án chống ngập do Trungnam Group thực hiện.

Kết quả cuộc họp diễn ra mới đây xoay quanh tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu đã hé mở 'lối thoát' cho dự án vốn bế tắc nhiều năm qua.

Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu các sở ngành một số công việc cụ thể liên quan đến vấn đề điều chỉnh dự án, phương thức thanh toán cho nhà đầu tư BT – tức Trungnam Group, cũng như quy hoạch, chỉ tiêu các khu đất dự kiến thanh toán.

Hầu hết các công việc đều được giao thời hạn hoàn thành từ 7-10 ngày, ngoại trừ thanh toán quỹ đất.

Hy vọng thoát cảnh nằm yên suốt nhiều năm qua đang được nhen lên với dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM với động thái quyết liệt từ lãnh đạo địa phương. Ảnh: TN Group

Hy vọng thoát cảnh nằm yên suốt nhiều năm qua đang được nhen lên với dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM với động thái quyết liệt từ lãnh đạo địa phương. Ảnh: TN Group

Cụ thể, về thanh toán quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp tục đôn đốc các sở ngành, đơn vị liên quan thực hiện đúng chỉ đạo của nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi về lập quy hoạch chi tiết 1/500 các khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư và thuê đơn vị thẩm định giá các khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư.

Liên quan đến các khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư, UBND quận Bình Thạnh thực hiện các thủ tục điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch lô đất số 762 Bình Quới, phường 27 theo đúng quy định. UBND quận 7 cập nhật quy hoạch phân khu 1/2.000 tại lô đất C8A, phường Tân Phú. UBND TP. Thủ Đức tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại lô đất số 232 Đỗ Xuân Hợp.

Giữ vai trò quan trọng trong kiểm soát ngập do triều cường và ứng phó chủ động với biến đổi khí hậu, bảo vệ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. HCM, dự án chống ngập giai đoạn 1 gồm việc xây dựng sáu cống lớn kiểm soát triều tại các vị trí chiến lược cùng với một số đoạn đê bao ven sông Sài Gòn.

Dự án được triển khai theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong đó, TP. HCM sẽ thanh toán cho nhà đầu tư 84% bằng tiền và phần còn lại bằng quỹ đất.

Được khởi công giữa năm 2016, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc trước khi ngưng trệ sau đó hơn hai năm. Và đã hơn tám năm trôi qua kể từ ngày khởi công, dự án vẫn chưa thể hoàn thành do nhiều vướng mắc.

Căn nguyên của tình trạng “đứng yên” suốt nhiều năm qua nằm ở vấn đề thanh toán cho nhà đầu tư BT chưa được giải quyết thấu đáo – trong đó nổi cộm liên quan đến nguồn vốn để thi công.

Sau khi khởi công vào tháng 6/2016, dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng vào năm 2020 và kể từ đó tạm dừng đến nay. Nguyên nhân dự án bị tạm dừng là để chờ UBND TP. HCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết tháo gỡ pháp lý.

Tới tháng 4/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP, trong đó phần nội dung phương thức thanh toán chưa phù hợp trong hợp đồng BT được nêu rõ: “Vấn đề này thuộc trách nhiệm của UBND TP. HCM và các tổ chức, cá nhân có liên quan”.

Dẫu vậy, gần 5 năm trôi qua, UBND TP. HCM vẫn chưa thực hiện điều chỉnh hợp đồng BT để hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ và trong các báo cáo gần đây vẫn đang kiến nghị Chính phủ nội dung đề xuất không phù hợp với Nghị quyết 40/NQ-CP.

Khoảng 1 tháng trước, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư, UBND TP. HCM, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương đề xuất phương án tháo gỡ dự án chống ngập với thời hạn cụ thể.

Chủ đầu tư cho biết kể từ khi khởi công, dự án đã dừng thi công ba lần, tổng cộng thời gian dừng là 66 tháng. Theo đó, Trungnam Group đã giải ngân 8.276 tỷ đồng và cần huy động thêm 1.800 tỷ để hoàn thành công trình.

Theo tính toán của nhà đầu tư, nếu không giải quyết đồng thời các thủ tục thuộc thẩm quyền của TP.HCM và đảm bảo nguồn vốn, dự án có thể mất tới 28 tháng nữa để hoàn thành và chỉ riêng việc thực hiện thủ tục trong 16 tháng tới, không tính thời gian thi công, lãi vay sẽ phát sinh khoảng 845 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách thành phố.

Thái Bình

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/trungnam-group-sap-thoat-hiem-o-du-an-chong-ngap-tai-tphcm-d39181.html