Trung Quốc và Mỹ vươn lên trong chuyển dịch năng lượng toàn cầu

Trong khi các nước phát triển vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu về năng lượng, Trung Quốc và Mỹ đang có những bước tiến rõ rệt trong việc tăng cường an ninh và tính bền vững của hệ thống năng lượng - theo báo cáo thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Hình minh họa

Hình minh họa

Trong bối cảnh toàn cầu chứng kiến nhu cầu năng lượng tăng cao kỷ lục, căng thẳng địa chính trị leo thang và rủi ro từ biến đổi khí hậu ngày càng lớn, các nền kinh tế phát triển tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng xếp hạng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Tuy vậy, báo cáo Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả 2025 cho thấy Trung Quốc và Mỹ đã có nhiều tiến bộ nổi bật trong năm qua.

Vị thế ổn định nhưng vẫn có thách thức

Các nước Bắc Âu tiếp tục giữ vị trí hàng đầu nhờ có hạ tầng tốt, nguồn năng lượng đa dạng và khung pháp lý ổn định lâu dài. Ba vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch, tiếp theo là Na Uy và Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế, những nước này đang phải đối mặt với các thách thức như quá tải lưới điện, giá năng lượng cao và tiến độ chậm trong triển khai các dự án hạ tầng - những yếu tố có thể làm suy yếu thành quả đã đạt được.

Các nền kinh tế lớn đang bắt kịp nhanh chóng

Trung Quốc hiện xếp thứ 12 trên bảng xếp hạng toàn cầu và đạt mức cao kỷ lục về mức độ sẵn sàng cho chuyển dịch năng lượng. Quốc gia này tăng 2,2% điểm tổng thể nhờ đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo và liên tục cải thiện khung pháp lý. Hiện Trung Quốc là nước có công suất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch.

Trong khi đó, Mỹ ghi nhận bước tiến rõ nét về an ninh năng lượng, nhờ nguồn năng lượng đa dạng và hạ tầng ổn định. Báo cáo cho biết hiệu suất của Mỹ được cải thiện, nhờ giảm mức tiêu hao năng lượng và tạo thêm việc làm trong các lĩnh vực ít phát thải.

Chênh lệch giữa các khu vực và áp lực kinh tế

Báo cáo cũng nêu rõ sự bất cân đối giữa các nền kinh tế mới nổi và các nước phát triển. Dù tổng đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch trong năm 2024 đã vượt 2.000 tỷ USD, các thị trường mới nổi - trừ Trung Quốc - chỉ nhận được chưa tới 15% số vốn này. Khoảng cách đầu tư mỗi năm ước tính lên tới 2.200 tỷ USD.

Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng ở khu vực châu Phi cận Sahara, nơi thiếu hụt hạ tầng và vốn đầu tư đang làm chậm đáng kể quá trình chuyển dịch năng lượng.

Chiến lược cho tương lai năng lượng bền vững

Trước những thách thức nói trên, báo cáo đề xuất 5 ưu tiên chiến lược: Xây dựng chính sách linh hoạt, hiện đại hóa hạ tầng năng lượng, đầu tư vào con người và kỹ năng, đẩy mạnh thương mại hóa công nghệ sạch, và tăng vốn đầu tư cho các nền kinh tế đang phát triển.

Những định hướng này nhằm gắn kết tham vọng toàn cầu với hành động cụ thể, giúp bảo đảm tiến trình chuyển dịch năng lượng hiện tại không chỉ bền vững, mà còn đủ sức chống chọi với các biến động trong tương lai.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/trung-quoc-va-my-vuon-len-trong-chuyen-dich-nang-luong-toan-cau-729667.html