Trung Quốc đang xây căn cứ quân sự tại cảng Gwadar Pakistan

Xin giới thiệu bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga Ilia Polonski về những ý đồ của Trung Quốc khi xây dựng căn cứ tại Gwadar, Pakistan.

Bài đăng trên “Bình luận quân sự” Nga ngày 3/6/2020, các ảnh trong bài là của tác giả, chúng tôi có bổ sung thêm bản đồ tỉnh Balochistan của Pakistan để tiện hình dung .

Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng căn cứ hải quân được lên kế hoạch từ lâu của mình tại cảng Gwadar của Pakistan.

Căn cứ quân sự có tầm quan trọng chiến lược này sẽ giữ một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh tại Nam Á.

Trong khi Trung Quốc từ trước đến nay vẫn luôn miệng khẳng định rằng sẽ không có bất kỳ một căn cứ quân sự nào (của Trung Quốc) tại cảng Gwadar, mà sẽ chỉ có một cơ sở hạ tầng phát triển cao được xây dựng trong khuôn khổ Dự án "Một vành đai - một con đường" của Bắc Kinh mà thôi.

Các mục tiêu chính của việc xây dựng căn cứ quân sự Trung Quốc tại Gwadar

Quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan được hình thành theo một cách rất đặc biệt vào nửa sau của thế kỷ XX. Pakistan trở thành một đồng minh chính trị - quân sự tự nhiên của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Ấn Độ.

Điều khá thú vị là mặc dù Pakistan được thành lập như một quốc gia Hồi giáo và những người theo dòng Hồi giáo chính thống luôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị của nước này, nhưng vì lợi ích hợp tác với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Pakistan luôn nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề Duy Ngô Nhĩ (người Duy Ngô Nhĩ theo Đạo Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương Trung Quốc), chứ không có những phản ứng gay gắt như (những nước Hồi giao khác) là Thổ Nhĩ Kỳ hay Ả Rập Saudi.

Có nghĩa là Trung Quốc rất quan trọng đối với Pakistan trong vai trò vừa là đối tác chiến lược, vừa là nhà cung cấp vũ khí và vừa là đồng minh tiềm năng trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột vũ trang (giữa Pakistan) với Ấn Độ.

Trung Quốc cần căn cứ (quân sự) ở Gwadar để làm gì ? Chúng ta hãy bắt đầu từ việc cảng Gwadar có một vị trí rất đặc biệt. Nó nằm ở phía Tây Nam tỉnh Balochistan của Pakistan, từ đây có tuyến đường biển thông ra Vịnh Ô-man và từ Vịnh Ô man nối với Vịnh Ba Tư qua Eo biển Hormuz. Cho đến năm 1958, Gwadar vẫn thuộc về Vương quốc Maskat (nay là Ô-man), và sau đó nữa mới được Pakistan mua lại.

Có vẻ như giới lãnh đạo Pakistan đã đưa ra một sự lựa chọn đúng: hiện nay Gwadar là một trong ba cảng lớn nhất của nước này. Chính Trung Quốc đang dự định xây dựng tuyến vận chuyển dầu từ Vịnh Ba Tư về Trung Quốc qua cảng này.

Một khi hành lang giao thông trên được đưa vào khai thác, người Trung Quốc sẽ không còn cần phải vận chuyển dầu và các hàng hóa khác qua các biển Nam Á nữa.

Tuy nhiên, để đảm bảo các lợi ích kinh tế của mình tại Pakistan như đã nói, Trung Quốc không chỉ cần xây dựng một cảng hiện đại ở Gwadar, mà còn phải xây dựng một căn cứ hải quân để có thể bảo vệ cảng này.

Cùng với căn cứ hải quân ở Djibouti thuộc Đông Phi mới được đưa vào hoạt động cách đây không lâu và đã trở thành căn cứ quân sự công khai đầu tiên của Bắc Kinh ở nước ngoài, căn cứ quân sự tại Gwadar sẽ trở thành một thành tố đảm bảo sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương và căn cứ này cũng sẽ được sử dụng để đảm bảo an ninh cho các tuyến giao thông kết nối Trung Quốc kết nối với các nước Châu Phi và Châu Á.

Căn cứ quân sự Gwadar là gì và Bắc Kinh bảo vệ cảng Gwadar trước ai

Trên thực tế, Trung Quốc đã triển khai xây dựng căn cứ quân sự tại Gwadar Pakistan từ mấy năm trước.

Những ảnh vệ tinh mới chụp gần đây cho thấy, một số tổ hợp công trình đã được xây dựng xong trên lãnh thổ của căn cứ tương lai. Điều đáng quan tâm là Bắc Kinh chưa bao giờ công khai lên tiếng thừa nhận mình đang xây dựng một căn cứ quân sự tại Gwadar.

Tất cả mọi công việc đều được thực hiện dưới danh nghĩa bình phong của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (China Communications Construction Company CCCC Ltd).

Mặc dù vậy, cách đây vài năm, một nhà phân tích quân sự Trung Quốc là Zhou Chenmin đã tiết lộ rằng Trung Quốc cần một căn cứ ở Gwadar để hỗ trợ Hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.

Trên các bức ảnh vệ tinh có thể thấy rõ căn cứ này được trang bị lớp chướng ngại vật chống các phương tiện giao thông, căn cứ được bao bởi một bức tường cao, dọc bức tường có các tháp để bố trí lính gác.

Cũng có thể nhìn thấy các ngôi nhà có thể được sử dụng làm doanh trại cho lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc trong tương lai.

Nhưng cũng nhiều khả năng là Bắc Kinh sẽ không triển khai lính thủy đánh bộ của PLA tại Gwadar, mà sẽ chỉ điều lính đánh thuê của các công ty quân sự tư nhân Trung Quốc đến bảo vệ cảng Gwadar tại Pakistan, - như đã biết, hiện nay có rất nhiều lính đánh thuê Trung Quốc đang thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau để đảm bảo an ninh cho các cơ sở của Trung Quốc ở Đông và Tây Phi, ở Afghanistan và các nước Trung Đông....

Lý do khiến Bắc Kinh phải đặc biệt chú ý tới vấn đề đảm bảo an ninh cho căn cứ quân sự tương lai Gwadar- đó là do vị trí địa lý rất không đơn giản của cảng này.

Như đã nói ở trên, Gwadar nằm ở Tây Nam tỉnh Balochistan của Pakistan, - trong khi tỉnh này lại chính là nơi diễn ra các hoạt động lật đổ của các nhóm vũ trang ủng hộ việc thành lập một nhà nước Balochian độc lập từ nhiều thập kỷ nay.

Vào thời điểm hiện tại, hầu hết các chiến binh Balochian đang tập trung hoạt động tại tỉnh cùng tên Balochistan của nước láng giềng Iran- các hoạt động lật đổ của họ được những kẻ thù vĩnh cửu của Iran là các quốc vương dầu lửa vùng Vịnh Ba Tư tài trợ một cách rất hào phóng .

Còn tại Pakistan, người Balochian nếu có được sự hỗ trợ từ phía CIA, hoàn toàn cũng có thể là coi các căn cứ Trung Quốc là mục tiêu tấn công.

Hơn nữa, đã từng có tiền lệ: ngày 23 tháng 11 năm 2018, các chiến binh Balochistan đã tấn công Lãnh sự quán Trung Quốc tại Pakistan, còn ngày 11 tháng 5 năm 2019, khách sạn “Zaver Pearl-Continental” năm sao của Trung Quốc ở Gwadar cũng đã bị lực lượng này tấn công.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/trung-quoc-dang-xay-can-cu-quan-su-tai-cang-gwadar-pakistan-3404175/