Trừng phạt kinh tế Nga, EU lại đau đớn

Hungary mất 8,5 tỷ USD do trừng phạt Nga, Đức đếm thiệt hại trừng phạt theo từng tháng, Pháp nỗ lực kêu gọi gỡ bỏ nhưng EU vẫn quyết chịu đau.

Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết, nước này đã chịu thiệt hại kể từ khi châu Âu công bố các lệnh trừng phạt Nga, nước này đã "mất" 8,5 tỷ USD.

Trừng phạt Nga gây thiệt hại rất nhiều cho các công ty và nền kinh tế châu Âu nhưng không ai sẵn sàng gỡ bỏ.

Nga là một trong những đối tác thương mại lớn của Hungary. Việc ngừng giao thương với Moscow đã khiến Hungary thiệt hại không nhỏ. Những "cơ hội vàng" cho xuất khẩu sang Nga đã bị mất và giờ đây Hungary đang kêu gọi châu Âu thay đổi thái độ.

"Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của chúng tôi trước khi các lệnh trừng phạt được ban hành. Tất nhiên, sau đó, chúng tôi đã mất rất nhiều các cơ hội xuất khẩu" - ông Szijjarto cho hay.

Ngoại trưởng Szijjarto cũng nhấn mạnh, Hungary chưa bao giờ vi phạm sự đồng thuận của châu Âu trong việc trừng phạt Nga và cũng sẽ không làm như vậy trong tương lai. Chính bởi vậy, các thiệt hại của họ càng nặng nề hơn.

"Mặc dù chúng tôi thúc đẩy đối thoại trung thực, các lệnh trừng phạt đang làm phức tạp đáng kể công việc của chúng tôi từ quan điểm chính trị và kinh tế" - Ngoại trưởng Hungary nhấn mạnh.

Không chỉ Hungary, hồi tháng 6 vừa qua, cựu Tổng thống Croatia Stepan Mesic cho biết, trừng phạt Nga đã gây ra thiệt hại thảm khốc cho kinh tế Croatia.

"Ngay từ ngày đầu tiên, việc Croatia áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế đối với Moscow gây ra thảm họa đối với nền kinh tế của chúng tôi. GDP của đất nước năm 2014 lên tới 57 tỷ USD, và năm 2015 nó đã giảm xuống còn 49 tỷ USD. Không có công ty nào trong Croatia không chịu các lệnh trừng phạt chống Nga” - cựu tổng thống Croatia nói.

Tờ Izvestia thông tin rằng, xuất khẩu Croatia sang Nga trước đây lên tới hơn 400 triệu USD, và bây giờ là khoảng 200 triệu.

Ngay cả Đức cũng từng phải "đếm thiệt hại" vì trừng phạt Nga như vậy. Nga là đối tác thương mại của nhiều quốc gia châu Âu. Do đó, một khi EU trừng phạt và bị Moscow đáp trả, các lệnh trừng phạt đã bị "phản đòn".

Tháng 11/2017, Đảng "Sự lựa chọn cho nước Đức" thừa nhận: các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng đáng kể đối với nền kinh tế Đức và đời sống người dân nước này.Giới doanh nghiệp Đức ước tính có khoảng 42.000 người thất nghiệp, trong khi đó nhiều công ty phá sản.

Tháng 11/2018, các chuyên gia từ Viện Kiel về kinh tế thế giới đã ước tính mỗi tháng nền kinh tế Đức chịu lỗ 727 triệu USD, đây là mức thiệt hại nghiêm trọng với quốc gia châu Âu này. Con số này là 0,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức. Các nhà phân tích nói rằng Berlin chịu gần 40% tổng thiệt hại của phương Tây do tình trạng quan hệ kinh tế và thương mại với Nga xấu đi.

Pháp, Anh cũng phải nếm trải quả đắng vì trừng phạt kinh tế Nga. Cuối năm 2017, báo cáo của Viện Kinh tế Thế giới đã chỉ ra xuất khẩu của Anh sang Nga giảm 7,9%, Pháp giảm 4,1%, trong khi Mỹ chỉ giảm 0,6% thiệt hại về xuất khẩu.

Mới đây, EU lại gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng. Như vậy viễn cảnh này sẽ còn kéo dài.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từng nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Euronews hồi tháng 10/2018: "Ban đầu là 430 tỷ euro, và sau đó kim ngạch đã giảm xuống còn 220-230 tỷ euro. Câu hỏi đặt ra là: Châu Âu đã chịu những mất mát gì sau tất cả? Và câu trả lời là vô cùng rõ ràng: Thiếu việc làm. Sụt giảm lợi nhuận. Mất tự tin".

Thực tế nhiều thành viên châu Âu đã tìm cách để thúc đẩy cải thiện kinh tế Nga trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông Macron từng bị cho là người có xu hướng khác biệt trong khối châu Âu do đã tích cực đánh giá vai trò ngày càng cao của Nga trên trường quốc tế thay vì xu hướng chung ở EU là đề cao tầm quan trọng của người anh cả - Mỹ.

Dù nhận thức rõ ràng những thiệt hại của nền kinh tế EU và các nước thành viên nhưng cho đến nay, giới chức cấp cao ở EU không có những bước đi thực chất nhằm cải thiện quan hệ EU- Nga theo hướng gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-phat-kinh-te-nga-eu-lai-dau-don-3393613/