Trung Hoa… lẩm cẩm (?) (Kỳ 6)

Sách 'Di kiên chí' chép: Đỗ Mặc, nhân sĩ Hòa Châu, nhiều lần đi thi chẳng đậu, tính tình phóng khoáng không câu nệ tiểu tiết. Nhân đi qua Ô Giang, vào thăm đền Hạng Vương, lúc này Đỗ cũng đã ngà ngà say, vừa thắp hương vừa khấn vái.

Chuyện 26 - Không cần kỹ nữ

1. Vương Côn tính tình nghiêm cẩn, còn Nhan Sư Bá thì giàu có. Bá bày tiệc có cả kỹ nữ chuốc rượu, ca hát, mời Vương Côn tới dự.

Từ rượu cho tới thức ăn đều được kỹ nữ đưa mời tận tình. Mỗi lần kỹ nữ đến bên mình, Vương Côn lại né mình tránh xa. Đợi kỹ nữ đi rồi, Vương Côn lại mới ăn, mới uống.

Loại khách như thế này, Sư Bá không nên mời.

Cuộc rượu như vậy, Vương Côn bất tất phải dự.

2. Thái Quân Mô thời làm Thái thú Phúc Đường cùng uống rượu với Lý Thái Bá, Trần Liệt ở Vọng Hải đình, có kỹ nữ vừa ca hát vừa chuốc rượu. Nhịp phách đầu tiên vừa cất, Trần Liệt hoảng hồn chạy khỏi chiếu rượu, nhảy qua tường mà đi biệt.

3. Lúc còn niên thiếu, Trung Tương Công Dương Bang Nghĩa học ở một trường làng, chân chưa từng bước tới ca lâu, tửu quán. Bạn học tìm cách để Bang Nghĩa phá giới, mới kéo Nghĩa đi uống rượu, nhưng lại nói là đến nhà một người bạn cũ.

Lúc đầu, Bang Nghĩa cũng không nghi ngờ, rượu được mấy lượt, kỹ nữ ăn mặc diêm dúa xuất hiện, Bang Nghĩa đứng dậy bỏ về ngay.

Về đến nhà, Bang Nghĩa cởi quần áo trên người đốt hết rồi khóc nức nở.

Chuyện 27 - Mũ thiên văn

Tân Mãng rất thích những chuyện lạ. Tự cho chế ra một loại mũ mới, gọi là “mũ thiên văn”, lệnh cho các quan trong triều phải đội. Còn Mãng thì ngồi xe thừa càn, cưỡi khôn mã. Bên trái có thanh long, bên phải có bạch hổ. Trước có chu điểu, sau có huyền vũ. Bên phải có đội uy tiết, bên trái có đội uy đầu. Hiệu gọi là Xích Tinh, để làm tăng thêm oai nghiêm của uy mệnh tân triều.

Tư mệnh Khổng Nhân có người vợ là họ hàng với Chúc Thư, nên cũng bị giết cùng với họ này. Vì vậy, Khổng Nhân yết kiến Vương Mãng xin được không đội mũ thiên văn. Mãng sai quan Thượng thư khép Khổng Nhân vào tội: Tự tiện bỏ mũ thiên văn, tội bất kính lớn.

Chuyện 28 - Tắm bằng rượu

Thạch Dụ nấu được mấy nồi rượu, đổ tất cả vào một cái bồn lớn, nhảy vào kỳ cọ thoải mái. Xong nói với con em trong nhà:

- Ta bình sinh chỉ uống rượu, ân hận là tóc lông ngoài da chưa hề được thưởng thức mùi vị rượu ra sao, ngày hôm nay làm cái việc này để không còn sợ mang tiếng bên trọng bên khinh gì nữa!

Chuyện 29 - Đền Hạng Vương

Sách “Di kiên chí” chép: Đỗ Mặc, nhân sĩ Hòa Châu, nhiều lần đi thi chẳng đậu, tính tình phóng khoáng không câu nệ tiểu tiết. Nhân đi qua Ô Giang, vào thăm đền Hạng Vương, lúc này Đỗ cũng đã ngà ngà say, vừa thắp hương vừa khấn vái. Xong xuôi, ôm lấy cổ tượng Hạng Vương mà khóc rống:

- Tướng mạo oai vĩ như Đại vương, anh hùng như Đại vương mà không có được thiên hạ. Văn chương như Đỗ Mặc này mà không có được một chức quan!

Nói xong, lại khóc rất thảm thiết. Nước mắt tuôn như suối. Người coi đền sợ đắc tội với Hạng Vương, vội dìu Đỗ Mặc ra ngoài hiên.

Khi thắp nến xem lại tượng Hạng Vương, thì thấy tượng cũng nước mắt đầm đìa.

Tâm trạng phẫn uất của Hạng Vương, lại gặp được tiếng khóc thống thiết của Đỗ Mặc, chẳng khác gì phải hát lại khúc ca “Bạt sơn” xưa, sao mà không rơi lệ cho được?

Thạch Giới làm bài ca “Tam hào thi”. Cái hào hùng thứ nhất là lời phẫn uất của Đỗ, cái hào hùng thứ hai là lời ca của Thạch Mạn Khanh và cái hào hùng thứ ba là văn chương của Âu Dương Vĩnh Thúc.

Chuyện 30 - Những chuyện về Nghê Vân Lâm

1. Nghê Vân Lâm còn có tên là Toản, tự là Nguyên trấn, tính sạch sẽ. Trong phòng lúc nào cũng có hai tiểu đồng, thay nhau lau chùi, quét tước bụi bặm không được ngơi tay.

Trước nhà có một cây ngô đồng, lúc nào cũng được tưới đến nỗi cây ngô đồng úng nước. Mỗi lần giữ bạn ngủ đêm trong thư phòng, chỉ sợ bạn làm bẩn cho nên trằn trọc lắng nghe động tĩnh.

Sáng ra, bắt tiểu đồng tìm cho được những thứ đờm, nước tiểu của khách. Không thấy, tiểu đồng bị đánh. Tiểu đồng sợ bị đòn, phải lo sẵn đờm giả để trình. Vân Lâm bịt mũi, nhắm mắt, bắt đem đi cách nhà ba dặm mà đổ.

2. Có lần Vân Lâm ngủ đêm ở nhà họ Trâu. Thầy đồ họ Trâu có một người con rể tên là Kim Tuyên Bá, hôm ấy tình cờ cũng đến thăm bố vợ. Vân Lâm trước đã nghe Tuyên Bá là một người nho nhã, ra chào, thì thấy con người có tiếng nho nhã này mặt mày gân guốc, thô kệch. Vân Lâm nổi giận, tát ngay vào mặt anh ta. Tuyên Bá vừa xấu hổ vừa phải bấm bụng chịu đựng, không chào bố vợ đã bỏ ra về. Vân Lâm giải thích cho chủ nhà:

- Tuyên Bá mặt mũi đáng ghét, ăn nói nhạt nhẽo. Tôi đã đánh đuổi đi rồi!

3. Em ruột Trương Sĩ Thành là Trương Sĩ Tín, nghe nói Vân Lâm giỏi vẽ, mới sai người đem lụa tốt, bút mực loại sang và đồ lễ rất hậu đến xin Vân Lâm vẽ cho. Vân Lâm chửi:

- Nghê Toản này không làm thợ vẽ cho nhà quyền quý!

Nói rồi giằng tấm lụa xé rách, vứt đi.

Trương Sĩ Tín căm lắm.

4. Một hôm, Trương Sĩ Tín cùng với một vài văn nhân đi chơi Thái Hồ. Nghe tiếng ca hát ở thuyền nhỏ phía trước, cả bọn cho rằng: “Thuyền kia nhất định là của một tài tử nào đó”, bèn cho thuyền ghé lại gần, nhận ra Vân Lâm trên thuyền nhỏ. Sĩ Tín nổi giận, lao tới đánh Vân Lâm. Mọi người vội giữ lại, nhưng Vân Lâm cũng đã bị mấy roi mà vẫn không nói một lời.

Về sau, có người hỏi chuyện:

- Bác bị người ta làm nhục như thế, sao không lên tiếng?

Vân Lâm đáp:

- Nói dẫu một lời thì cũng trở thành tầm thường như bọn chúng thôi.

Có người còn kể hơi khác một chút: Nhân chuyện gặp gỡ ở Thái Hồ, Nghê Nguyên Trấn bị bắt giam, mỗi lần lính gác đưa cơm vào, Vân Lâm bắt tay nâgn thức ăn cao ngang mày. Lính ngọc hỏi nguyên do, Vân Nghê không đáp. Có người mách:

- Sợ khi nói các người bắn nước bọt vào thức ăn.

Ngục tốt tức giận, trói Vân Nghê cạnh ngay chỗ tiểu tiện. Sau đó có người chạy cho, được tha. Nhưng rồi tính tình càng khó chịu hơn. Có người còn nói, theo lệnh Thái Tổ, lính ngục nhốt Vân Lâm vào chuồng xí.

Vân Lâm nghiện trà. Dùng một cái bình riêng, đựng thứ trà ngon gọi là “Thanh tuyền bạch thạch”. Nếu không phải khách quý thì không đãi.

Người hiếu kỳ, xin gặp Vân Lâm cả tháng mới được Vân Lâm bằng lòng vì thấy khách nhiệt tình. Chủ khách chuyện trò rất nhã nhặn. Vân Lâm thích chí, lệnh người nhà pha trà ngon ra đãi. Khách đang lúc khát, uống một hơi cạn sạch. Nghê đặt chén của mình xuống bàn bỏ vào nhà, không chịu ra nữa. Khách vật nài Nghê đáp:

- Uống Thanh tuyền bạch thạch là phải uống từ từ để thưởng thức hương vị. Cách uống một hơi như vậy, quyết không phải là người nho nhã.

Nghê có một lầu gác đặt tên là gác “Thanh Bí”. Người ngoài không mấy khi được lên. Lại có một con ngựa trắng, ngoài Nghê ra không ai được cưỡi.

Gặp lúc mẹ bị bệnh, phải mời Cát Tiên Ông xem mạch cắt thuốc. Trời mưa, Cát Tiên đòi đem ngựa trắng tới đón, tới nơi, người ngựa bùn đất đầy, Cát Tiên đòi được lên gác Thanh Bí. Nghê không thể nào từ chối. Cát Tiên cứ đi, guốc dính đầy bùn mà trèo lên gác, lục lọi một hồi, khạc nhổ bừa.

Sau đó Nghê phá gác. Có người nói, nghe nói Nghê có tiên cốt, Cát Tiên phá đám cho thích chí. Cũng có người bảo, Cát Tiên có ý tốt, mong Vân Nghê hòa hợp được với cộng đồng.

5. Nghê Vân Lâm rất ít chú ý tới nữ sắc. Có lần mời một kỹ nữ nổi tiếng Kim Lăng tới nhà ngủ qua đêm. Nhưng Vân Lâm ngờ rằng không sạch, bảo tắm rửa. Lên giường sờ mái tóc kỹ nữ họ Triệu, rồi bắt tắm rửa lại. Trời sáng bạch mà giấc mộng ái ân vẫn không thành.

Cùng thời với Nghê Vân Lâm có Dương Liêm Phu rất hiếu sắc. Mỗi lần có tiệc tùng, thấy kỹ nữ nào chân nhỏ, lập tức tháo hài của cô ta làm chén để mời rượu. Gọi là chén sen vàng.

Một lần cùng ngồi uống với Nghê Vân Lâm, Dương Liêm Phu cũng tháo hài thay chén như vậy, Nghê tức giận lật bàn đứng dậy. Dương cũng biến sắc mặt. Tiệc tan. Từ đó, cả hai không nhìn mặt nhau.

(Còn tiếp)

Theo "Cổ kim tiểu sử của Phùng Mộng Long"

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trung-hoa-lam-cam-ky-6-277266.html