Trông người mà ngẫm đến ta

Muốn phát triển du lịch một cách hiệu quả, việc xem xét mối quan hệ giữa ngành du lịch với các ngành kinh tế phụ trợ để phối hợp nhịp nhàng là cần thiết. Ở nhiều quốc gia, những trung tâm thương mại, khu phố mua sắm, ẩm thực lớn là yếu tố mang lại doanh thu 'khủng' cho ngành 'công nghiệp không khói'.

Khách du lịch tham quan Đại Nội Huế. Ảnh: HOÀNG LÊ

“Huế đã bớt ngủ sớm, nhưng...”

Tháng 8/2023, tôi có dịp được trải nghiệm du lịch ở Malaysia và Singapore. Trong chương trình tour mà đơn vị lữ hành thiết kế, ngoài những điểm đến nổi tiếng thì hướng dẫn viên cũng đưa chúng tôi đến nhiều trung tâm mua sắm ở hai quốc gia. Những trung tâm thương mại, khu phố mua sắm, ẩm thực nơi đây thu hút đông du khách quốc tế và dĩ nhiên đã mang lại một nguồn doanh thu không nhỏ cho ngành du lịch nước bạn. Hoài Nguyên, người đồng hành trong chuyến đi của chúng tôi thật lòng: “Mất tiền mua sắm nhưng vẫn thấy thích, bởi ở đây cũng mang lại những trải nghiệm thú vị cho khách du lịch”.

Hai nước ở Đông Nam Á chỉ là một phần nhỏ khi nói về bức tranh hoạt động mua sắm tác động đến phát triển du lịch. Ở nhiều quốc gia phát triển, du lịch và mua sắm là mối quan hệ hai chiều. Mua sắm kích cầu du lịch và du lịch tạo điều kiện cho mua sắm tăng trưởng. Do đó, bên cạnh hoàn thiện các dịch vụ tại địa phương làm du lịch, chính quyền những điểm đến này còn đầu tư xây dựng nhiều khu mua sắm lớn, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Ở Hàn Quốc, khu phố mua sắm, ẩm thực Myeongdong tại Seoul có thể thu hút đến 1 triệu người đến mua sắm mỗi ngày, đa phần là khách du lịch. Khu phố này được xếp ngang hàng với những khu mua sắm nổi tiếng tại New York, Hồng Kông, Milan hay Paris và trở thành một trong những nơi phải đến cho khách du lịch tại Hàn Quốc. Hay tại Anh, Bicester Village là địa điểm mua sắm xa xỉ hàng đầu thế giới ra đời năm 1995, nhưng luôn thu hút được khách thập phương.

Nhìn người mà ngẫm đến ta, câu chuyện mua sắm và du lịch đâu đó chưa thể “gặp nhau”. Cách đây chừng vài tháng, một vị khách ở miền Nam chia sẻ với tôi rằng: “Ngoài các khu chợ truyền thống của Huế, thì mảnh đất Cố đô đang chỉ có khu thương mại của Vincom, siêu thị Go! hay một vài phố đêm là nơi có thể nhắc đến. Nhưng so với nhiều địa phương bạn, Huế thực sự đang thiếu những trung tâm thương mại, khu phố mua sắm, ẩm thực cho khách du lịch”.

Anh Cao Minh Trí, du khách Hà Nội lại cho rằng: “Huế đã bớt ngủ sớm như trước đây. TP. Huế đang dần cho thấy sự năng động hơn. Nhưng đến Huế ban đêm còn buồn, đặc biệt là những ngày trong tuần. Khách đi du lịch về đêm thích trải nghiệm ở các trung tâm mua sắm đẳng cấp hoặc ít ra là rộng lớn hay trải nghiệm ở các khu chợ ẩm thực tập trung. Có lẽ đây là điều Huế đang thiếu”.

Ở một đánh giá thẳng thắn hơn, du khách Nguyễn Minh Châu ở Bình Dương cho rằng, dễ dàng lý giải tại sao khách yêu Huế nhưng ít lưu trú lâu ở lại Huế. Thậm chí ngày ra Huế chơi, đêm lại vào Đà Nẵng. Huế đang thiếu những trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí có tầm và sôi động - là điều mà hầu hết khách đi du lịch dài ngày đều tìm đến.

Thu hút đầu tư

Ngoài nhu cầu lưu trú, ăn uống, giải trí, nhu cầu tiêu dùng một số hàng hóa thiết yếu hàng ngày và hàng lưu niệm đang trở thành một nhu cầu không thể thiếu được của khách du lịch. Chính vì vậy, các cơ sở kinh doanh thương mại, siêu thị, cửa hàng bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ… đã trở thành những điểm tham quan du lịch đồng thời đáp ứng nhu cầu về mua sắm của khách du lịch.

Thực tế, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện những khu vực phát triển các dịch vụ mua sắm, ẩm thực cho du khách. Tuy nhiên, tại một số điểm du lịch ở nhiều tỉnh, thành chưa chú trọng việc tạo dựng không gian mua sắm tập trung với sự kết nối đa dạng các mặt hàng nên chưa khai thác hết tiềm năng chi tiêu của du khách. Đó rõ ràng là một bài học kinh nghiệm mà những địa phương phát triển du lịch như Thừa Thiên Huế cần quan tâm.

Vấn đề thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, khu mua sắm, dịch vụ giải trí cũng là mong muốn của ngành du lịch. Trong một chia sẻ, đại diện một cán bộ lãnh đạo ngành du lịch tỉnh nhà cho rằng, vấn đề thu hút các nhà đầu tư các trung tâm thương mại đẳng cấp vẫn là trăn trở và là bài toán không dễ, cần nghiên cứu nhiều giải pháp.

Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển du lịch, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đơn vị liên quan cần nỗ lực đẩy nhanh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư và hỗ trợ nhà đầu tư triển khai đầu tư các dự án trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, các trung tâm mua sắm; tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi để hấp dẫn nhà đầu tư.

Dưới góc độ chuyên gia, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Phạm Trung Lương cho rằng, chiến lược và kế hoạch kích cầu du lịch thông qua mua sắm rất quan trọng. Muốn phát triển loại hình du lịch này đòi hỏi cơ quan quản lý cần xem đây là một phần của chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, cũng như chiến lược xuất khẩu hàng Việt tại chỗ thông qua du khách. Cần sớm có một trung tâm mua sắm dành riêng cho du khách quốc tế tại các điểm du lịch hàng đầu. Ngoài ra cần tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam như một điểm đến không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên, văn hóa và con người mà còn là điểm đến du lịch mua sắm.

Song hành cùng việc kêu gọi đầu tư, để tăng giá trị cho hoạt động mua sắm, các đơn vị lữ hành cũng nên xây dựng tour mua sắm chuyên nghiệp cho du khách trải nghiệm, khám phá.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/du-lich/trong-nguoi-ma-ngam-den-ta-135481.html