Trồng cây dược liệu mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào miền núi Bình Định

Từ hoạt động hiệu quả của HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn hay HTX nông nghiệp hữu cơ Agribio đang mở ra hướng sản xuất mới, tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập tốt, có cơ hội thoát nghèo cho đồng bào thiểu số miền núi ở tỉnh Bình Định trong việc trồng, chế biến các loại cây dược liệu, thảo mộc.

Trong tháng 10/2023, tại HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn ở xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định), Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã tập huấn cho các thành viên, đồng bào thiểu số miền núi về kỹ năng tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực xúc tiến thương mại.

Tại đây, các thành viên HTX và đồng bào thiểu số được truyền đạt về thị trường hiện nay, năng lực xúc tiến thương mại, kỹ năng tiếp cận thị trường của HTX.

Biến tiềm năng trồng dược liệu thành thực tế

HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn hiện có 32 hộ dân (trong đó có đồng bào thiểu số Bana) tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thảo mộc, dược liệu để HTX gom mua và chế biến sâu.

Hướng đi của HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan trong việc biến tiềm năng trồng dược liệu thành thực tế.

Hướng đi của HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan trong việc biến tiềm năng trồng dược liệu thành thực tế.

Không chỉ được tập huấn về kỹ năng phát triển thị trường như nêu trên, các hộ tham gia liên kết còn được HTX hỗ trợ về giống, kỹ thuật và đảm bảo sản phẩm tiêu thụ ổn định. Sản phẩm làm ra từ chuỗi liên kết sản xuất này đã được thị trường đón nhận, được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Để đảm bảo đầu vào và đầu ra, HTX này đã kết nối được với 130 DN, cơ sở, HTX, các đơn vị trong và ngoài tỉnh Bình Định.

Hướng đi của HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan trong việc biến tiềm năng trồng dược liệu thành thực tế. Nhất là linh hoạt kết hợp các mô hình sản xuất và chế biến nông sản, sản phẩm OCOP phục vụ du lịch và đưa xã An Toàn trở thành một điểm đến cho du khách khi về An Lão.

HTX này chủ trương phát triển các sản phẩm theo định hướng Đông - Tây y kết hợp, mang đến sự tiện dụng trong cách dùng, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người dùng. Với mục tiêu phát triển đó, đến nay, HTX đã trồng được 4 ha vùng nguyên liệu, chủ yếu là sâm đương quy, thất diệp nhất chi hoa (còn gọi sâm 7 lá), kim ngân hoa…Các loài cây này đang trong quá trình sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo ông Thái Minh Tiến, Giám đốc HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn, với kiến thức, kinh nghiệm và cả những nỗ lực xây dựng được trong sản xuất dược liệu đã có, các thành viên đã chọn vùng cao An Toàn vì nhìn thấy được tiềm năng chưa được đánh thức ở đây, cũng như giúp đỡ bà con ở địa phương ổn định cuộc sống gắn với vùng đất này. HTX đi trước trong việc thuê đất, cải tạo để trồng dược liệu bản địa và di thực các dược liệu quý từ nơi khác về góp phần làm phong phú sản phẩm.

Mở ra hướng sản xuất mới

HTX đang tiếp tục trồng thử nghiệm và nhân giống một số loài cây dược liệu khác, trong đó có cây thường xuân. Đồng thời, HTX liên kết với một số nhà máy trong nước để chiết xuất một số sản phẩm nguyên liệu thảo dược. Về lâu dài, thay vì chỉ sơ chế dược liệu, HTX sẽ phát triển thành mô hình sản xuất khép kín, góp phần tăng lợi nhuận, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Bà con dân tộc thiểu số Bana ở huyện miền núi An Lão cùng HTX tham gia tập huấn trồng cây dược liệu.

Bà con dân tộc thiểu số Bana ở huyện miền núi An Lão cùng HTX tham gia tập huấn trồng cây dược liệu.

Theo đánh giá từ giới chuyên gia, xã vùng cao An Toàn là “thủ phủ” cây dược liệu của tỉnh Bình Định với nhiều loại cây thuốc quý như: Chè dây, ba kích tím, hà thủ ô đỏ, đảng sâm...Nơi đây có một số loài cây dược liệu đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Nếu khai thác tiềm năng, lợi thế về đặc điểm đất đai và thời tiết, khí hậu của địa phương thì cây dược liệu sẽ mở ra hướng sản xuất mới, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào.

Không chỉ ở địa phương nêu trên, huyện miền núi An Lão được xem là vùng đất đầy tiềm năng phát triển cây dược liệu. An Lão còn nhiều rừng nguyên sinh nên có điều kiện trồng dược liệu dưới tán rừng, nhất là những loại cây bản địa có chu kỳ thu hoạch kéo dài 2-3 năm.

Nếu huyện An Lão phát triển mạnh cây dược liệu với vai trò quan trọng của các HTX sẽ giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những xã vùng cao sẽ có cơ hội xóa đói giảm nghèo, bởi cây dược liệu bao giờ cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại nông sản khác.

Định hướng phát triển cây trồng chủ lực trong thời gian tới của An Lão là tập trung đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng hiện có ở địa phương, nhất là cây dược liệu. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục phát triển, du nhập các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu ở địa phương.

Tin rằng với hướng đi đúng này sẽ góp phần giúp cho huyện An Lão đạt được mục tiêu đề ra là thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025. Huyện phấn đấu đạt tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 giảm bình quân từ 9% trên năm trở lên; đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện còn 18,38%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 14,28%, hộ nghèo 4,1%.

Ngoài huyện miền núi An Lão thì một số địa phương khác trong tỉnh Bình Định cũng cho thấy đầy tiềm năng phát triển cây dược liệu với vai trò to lớn của khu vực kinh tế hợp tác - một mô hình kinh tế có thế mạnh thu hút, tập hợp được đông đảo người dân, nhất là người dân khu vực miền núi, dân tộc thiểu số tham gia. Nhất là cần hình thành hệ thống “chuỗi giá trị” phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Bình Định nhằm góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Mang lại thu nhập tốt

Như ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) có HTX nông nghiệp hữu cơ Agribio chuyên sản xuất và phân phối các loại nấm dược liệu như: Linh chi, hoàng đế, chân dài, mộc nhĩ - đã gặt hái nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Trồng nấm dược liệu mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân ở Bình Định.

HTX có 10 thành viên, trong đó có 6 thành viên trực tiếp sản xuất tại cơ sở, 4 thành viên góp vốn. Nhờ hoạt động có hiệu quả nên thu nhập của các thành viên cũng rất ổn định. Lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ cho biết, đây là một trong những HTX được thành lập theo mô hình kiểu mới và hoạt động khá hiệu quả, mang lại thu nhập tốt cho các thành viên. Đây là hướng phát triển mà huyện Phù Mỹ đang đầu tư, hỗ trợ với mong muốn xây dựng thành công ngành nông nghiệp sạch, an toàn, hiệu quả.

Năm 2022, HTX nông nghiệp hữu cơ Agribio tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh với 3 sản phẩm nấm chủ lực là bào ngư xám, linh chi, hoàng đế và đều được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao.

Nhận thấy nhu cầu về nấm linh chi tăng cao, trong khi ở Bình Định thuận lợi về nguyên liệu, kết hợp với kỹ thuật, công nghệ, HTX Agribio đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, nhà trồng nguyên liệu, máy móc trong thu hoạch và bảo quản (xử lý nhiệt, hấp, sấy tiệt trùng, đóng gói hút chân không…), nâng cao quy mô sản xuất và xem đây là sản phẩm mũi nhọn.

Trồng nấm linh chi ở HTX này có nhiều lợi thế, 3 - 6 tháng sau khi trồng, nấm linh chi đã bắt đầu cho thu hoạch, có thể thu hoạch 2 - 3 lần/đợt trồng. Giá thể trồng nấm sau khi thải loại được sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ.

Ông Trần Quang Tiến, Giám đốc HTX, cho biết mục tiêu của HTX là tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư thêm công nghệ mới để có thể chế biến được nhiều sản phẩm thành phẩm từ nấm dược liệu, nhằm tăng sức tiêu thụ. Chúng tôi mong muốn có được một kênh tiêu thụ mạnh hơn, kết nối được với nhiều thị trường để có thể ổn định đầu ra.

Từ việc đảm bảo đầu ra, HTX tập trung cho việc ổn định vùng nguyên liệu tại địa phương, toàn bộ quá trình sản xuất khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mục tiêu tiếp theo của HTX là nâng hạng để sản phẩm có thể đạt 5 sao của tỉnh và tiến tới mục tiêu xa hơn.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định, sản phẩm nấm của Agribio Mỹ Đức rất giàu tiềm năng, có sự đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Một điểm cộng của các sản phẩm này, đó là lợi ích mà nó tạo ra góp phần gia cố mối liên kết chặt chẽ giữa đơn vị sản xuất với cộng đồng dân cư địa phương, mở hướng phát triển ngành nghề nông thôn.

Có thể thấy, hoạt động hiệu quả từ mô hình trồng nấm dược liệu của HTX nêu trên rất cần được nhân rộng nhằm giúp giảm nghèo cho bà con ở huyện Phù Mỹ với mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện dưới 4%.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/trong-cay-duoc-lieu-mo-ra-co-hoi-thoat-ngheo-cho-dong-bao-mien-nui-binh-dinh-1096062.html