Trở về miền ký ức qua mô hình tiểu cảnh của chàng trai 9X

Với tình yêu quê hương, đất nước, chàng trai Trương Văn Bộ (sinh năm 1998), cựu sinh viên ngành Kỹ thuật cơ khí K58, Trường Đại học Thủy lợi đã say mê 'thu nhỏ' lại các kiến trúc xưa cũ của Việt Nam qua mô hình tiểu cảnh.

Đam mê từ thuở nhỏ

Tôi tìm đến nhà Trương Văn Bộ tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (Hà Nội) vào một chiều cuối tuần như đã hẹn trước. Bước vào khoảng sân nhà của Bộ tôi không khỏi xúc động nhớ về ký ức tuổi thơ khi nhìn thấy các mô hình tiểu cảnh. Hình ảnh một thời thơ ấu nấu cơm bằng bếp củi, ngửi mùi thơm của khói rơm, một thời chăn trâu cắt cỏ cứ hiện ra trong tâm trí tôi. Tôi thấy mình như đang lạc về miền ký ức.

 Tác phẩm đầu tay của Trương Văn Bộ.

Tác phẩm đầu tay của Trương Văn Bộ.

Dưới bóng cây mát mẻ trong sân nhà, Bộ cho biết ban đầu làm mô hình thu nhỏ chỉ là một thú vui của đứa trẻ khi lên 7 tuổi. Ngày đó xung quanh nhà Bộ có nhiều nhà đang xây dựng, cạnh nhà anh còn có một lò nung gạch. Với sự tò mò của một đứa trẻ, anh học cách tự chế tạo, nung gạch thu nhỏ tại nhà và xây dựng như những người thợ xây. Cũng trong năm đó, mặc dù chưa được đến Chùa Một Cột bao giờ nhưng xem tivi Bộ đã luôn ghi nhớ hình ảnh, kiến trúc độc đáo của chùa và bắt đầu mày mò để tạo ra tác phẩm đầu tay.

Để có được tác phẩm đầu tay này, anh phải làm đi làm lại nhiều lần vì bị gia đình ngăn cấm. Bộ vừa cười vừa nói: “Khi ấy mình đang trong lứa tuổi học sinh, bố mẹ thấy mình suốt ngày lấm lem xi măng, đất cát nghĩ rằng mình chơi đùa vô bổ không chịu học hành nên đã đánh đòn và vứt hết những gì mình đang làm”. Để có tiền mua nguyên vật liệu Bộ đã tiết kiệm tiền tiêu vặt mỗi khi bà nội cho. Sợ sự ngăn cản của bố mẹ, mỗi lần làm tác phẩm tiểu cảnh Bộ đều tranh thủ lúc bố mẹ vắng nhà hay thậm chí ngủ dậy thật sớm, khi bố mẹ dậy, Bộ lại nhanh nhanh chóng chóng cất những thứ mình vừa làm được vào góc vườn để không bị phát hiện.

 Bộ tỉ mỉ làm từng chiếc ngói nhà đến gạch lát nền.

Bộ tỉ mỉ làm từng chiếc ngói nhà đến gạch lát nền.

Trương Văn Bộ chia sẻ: “Khi có ý tưởng, mình sử dụng giấy vở học sinh cuộn tròn rồi đổ xi măng lỏng. Đổ được một phần tư, mình cắm các dây thép uốn thẳng để định hình. Sau khi phần xi măng lỏng bắt đầu cố định sẽ đổ hết toàn bộ thể tích của cuộn giấy, đợi khô rồi tách giấy ra để làm cột, kèo. Phần mái và tường được tạo ra từ khuôn bìa carton, đan thêm các lát cây nhỏ để liên kết”.

Sau này, khi lớn hơn Bộ phát hiện mình có một niềm yêu thích với các công trình cổ xưa như: Đình, chùa, ngôi nhà cổ… Lúc đó, anh đã luôn có ý tưởng trong đầu thu nhỏ các công trình ấy vào khu vườn nhà mình để thỏa mãn niềm đam mê.

 Mô hình tiểu cảnh của Văn Bộ sinh động như thật.

Mô hình tiểu cảnh của Văn Bộ sinh động như thật.

Hoài bão giữ gìn di sản văn hóa

Trong một lần Bộ chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về tác phẩm Chùa Một Cột đã được một người bạn trong miền Nam đặt làm và mua với giá 500.000 đồng. Bộ tâm sự: “Ngày ấy là một chàng sinh viên năm nhất, tự kiếm ra tiền mình vui lắm, hơn hết tác phẩm của mình được mọi người quan tâm”.

Thấy con trai nhiều hôm cứ hì hục từ sáng tới tối, lúc nắng, lúc mưa với những công trình đang làm dở, cản mãi cũng chẳng được, bố mẹ Bộ đã âm thầm ủng hộ con trai bằng cách lợp mái tôn trong sân nhà, để mỗi khi trời đổ mưa Bộ không phải vất vả bê đi, bê lại những công trình ấy.

 Niềm vui của Bộ là được mọi người đón nhận tác phẩm mình làm ra.

Niềm vui của Bộ là được mọi người đón nhận tác phẩm mình làm ra.

Kể từ đơn đặt hàng đầu tiên, Bộ càng thêm quyết tâm trau dồi kiến thức về bộ môn này. Vừa đi học đại học, anh vừa tìm hiểu các tư liệu liên quan trên sách, báo về công trình nhà cổ. Không những vậy, để làm được các công trình mang hồn sắc quê hương, anh còn đến tận nơi xây dựng các công trình nhà cổ, hỏi thăm những người hiểu biết về các công trình ấy hay đã từng sống tại thời ấy để thu thập thêm thông tin, tư liệu. Xây dựng các mô hình tiểu cảnh không chỉ giúp cho Trương Văn Bộ thỏa mãn niềm đam mê, kiếm thêm thu nhập mà còn tăng thêm vốn hiểu biết.

Dần dần các sản phẩm do Bộ làm ra được nhiều người biết đến và anh thường xuyên có đơn đặt hàng, vận chuyển đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và luôn được khách hàng đánh giá cao. Tác phẩm của Bộ chủ yếu tái hiện lại những ngôi nhà cũ, từ thời xưa của khách hàng, có thể thông qua hình ảnh hay ký ức mà khách hàng kể lại. Gần đây có một số khách từ nước ngoài cũng liên hệ với Bộ với mong muốn đặt hàng.

Chị Bùi Hải Ninh (Nam Định) rất yêu thích tác phẩm của Văn Bộ được chồng đặt mua tặng. Ảnh nhân vật cung cấp

Chị Bùi Hải Ninh (Nam Định) rất yêu thích tác phẩm của Văn Bộ được chồng đặt mua tặng. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Trần Đức Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi biết đến các mô hình của Bộ qua ứng dụng Tiktok. Nhân ngày 8-3 tôi đã đặt Bộ làm mô hình giống với ngôi nhà tuổi thơ của vợ mình tại vùng quê Nam Định. Qua món quà tôi mong muốn tạo niềm vui cho vợ, muốn cô ấy có thể nhìn thấy những ký ức xưa ngay trong ngôi nhà mới. Sau khi nhận được mô hình của Bộ tôi rất ưng ý, thật đẹp và sinh động”.

Trung bình thời gian để tạo ra một sản phẩm Bộ làm từ 2 tuần cho đến một tháng. Gồm 5 công đoạn chính: Thứ nhất, lên ý tưởng và thiết kế; thứ hai, đi vào thi công, làm móng, dựng vách; thứ ba, hoàn thiện dán ngói, sơn; thứ tư trồng cây và tạo thêm con người, đồ vật; thứ năm chăm sóc cho các cây trong tiểu cảnh phát triển và lên rêu. Hiện tại kích thước mô hình nhỏ nhất Bộ tạo ra là 35cm x 40cm và mô hình lớn nhất là 100cm x 120cm, thường các mô hình Bộ làm sẽ bằng 1:40 hoặc 1:50 kích thước thực tế. Tùy vào độ khó và yêu cầu của khách, mô hình tiểu cảnh có giá thành từ 4 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Ngôi nhà Bắc bộ thời xưa, tái hiện qua đôi bàn tay khéo léo của Bộ.

Ngôi nhà Bắc bộ thời xưa, tái hiện qua đôi bàn tay khéo léo của Bộ.

Chia sẻ dự định trong tương lai về việc sáng tạo tiểu cảnh, Trương Văn Bộ bộc bạch: “Trên con đường làm tiểu cảnh, mình luôn hướng đến khai thác các di sản văn hóa, các kiến trúc cổ xưa của Việt Nam, mình sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu về nó. Bởi di sản văn hóa Việt Nam rất lớn và đồ sộ. Bên cạnh đó mình cũng mong muốn tạo ra một cộng đồng người chơi, người làm tiểu cảnh không những chỉ làm tiểu cảnh đơn thuần mà qua tiểu cảnh mọi người sẽ biết đến văn hóa, lịch sử, kiến trúc của các công trình Việt Nam nhiều hơn”.

Bài, ảnh: DIỆU HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tro-ve-mien-ky-uc-qua-mo-hinh-tieu-canh-cua-chang-trai-9x-726979