'Trợ lực' thoát nghèo cho bà con miền núi

Nhằm làm tốt sứ mệnh và mục tiêu 'vì sự phát triển cộng đồng', đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa đã phát huy lợi thế, mở rộng địa bàn về các thôn, xã nhằm đưa nguồn vốn vay đến gần hơn với các đối tượng khách hàng là những hộ nghèo, thu nhập thấp, yếu thế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, bà con vùng sâu, vùng xa...

Cán bộ tín dụng PGD Thạch Thành hướng dẫn khách hàng làm hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc thu, phát vốn.

Hiện nay, Tổ chức TCVM Thanh Hóa hoạt động với 4 chi nhánh và 11 phòng giao dịch tại 264 xã, 19 huyện, thị xã, thành phố, với tổng dư nợ đạt 487,5 tỷ đồng, tổng số khách hàng vay vốn là 20.236 người. Đối tượng khách hàng của TCVM là những người yếu thế, phụ nữ nghèo, thu nhập thấp, doanh nghiệp vi mô..., trong đó có 87% khách hàng là phụ nữ, 13% là người dân tộc thiểu số. Với cách thức vận hành, quản lý linh hoạt, thiết thực, minh bạch, phương pháp tiếp cận “gần gũi, thân thiện, hiệu quả”, nguồn vốn vay của TCVM Thanh Hóa giúp họ có thêm động lực, điểm tựa, tự tin dám nghĩ, dám làm, từng bước vươn lên cải thiện cuộc sống, xây dựng tương lai.

Phòng giao dịch (PGD) Thạch Thành - Chi nhánh Hoằng Hóa (trực thuộc Tổ chức TCVM Thanh Hóa) đứng chân trên địa bàn huyện miền núi, nhiều thôn, bản cách xa trung tâm huyện, trình độ dân trí của người dân chưa đồng đều, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng còn khó khăn, nhất là các đối tượng yếu thế, thu nhập thấp... Trước những khó khăn, thách thức ấy, PGD Thạch Thành luôn cố gắng cung cấp sản phẩm vốn vay và tiết kiệm theo hướng bền vững và hiệu quả, trao cơ hội, mở cánh cửa tương lai cho hàng nghìn khách hàng là hộ nghèo, thu nhập thấp, yếu thế trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống, từng bước ổn định và phát triển kinh tế.

Nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa bắt đầu được triển khai tại huyện miền núi Ngọc Lặc từ năm 2018, trong đó đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ các hộ thu nhập thấp, đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số. Đây là huyện miền núi có mật độ dân cư thấp, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nên khó khăn trong việc giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện thực hóa mục tiêu ngày càng có nhiều hơn đối tượng khách hàng là các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, yếu thế được tiếp cận nguồn vốn vay TCVM Thanh Hóa, kể từ khi thành lập, PGD Ngọc Lặc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từng bước đạt được kết quả đáng ghi nhận. PGD Ngọc Lặc hiện đang hoạt động trên địa bàn 14 xã, với tổng số khách hàng được tiếp cận vốn vay là 1.640 người, tổng dư nợ hơn 26 tỷ 662 triệu đồng.

“Để có được kết quả này, PGD đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đặc biệt là hội LHPN huyện, các xã tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm vốn vay đến trực tiếp các hộ dân thông qua các buổi họp thôn, họp phụ nữ và tuyên truyền các nhóm nhỏ”, Trưởng PGD Ngọc Lặc Lữ Thị Cam chia sẻ.

Với các loại vốn vay đa dạng như vốn vay kinh doanh, vốn vay vệ sinh môi trường, làm nhà tắm, công trình phụ hợp vệ sinh, vốn vay giáo dục... đã giúp chị em dễ dàng lựa chọn hình thức và mức vay, kỳ hạn vay phù hợp với điều kiện từng gia đình. Các thủ tục như giải ngân, thu phát vốn được thực hiện ngay tại nhà văn hóa thôn. Cán bộ của tổ chức đến tận hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ. Đặc biệt, khách hàng không cần nộp bất kỳ loại chi phí gì để nhận vốn. Cách làm này mang tính đặc thù, phù hợp với đối tượng khách hàng mà TCVM hướng đến.

Bên cạnh đó, khách hàng thường xuyên được tham gia các buổi hội thảo, tập huấn, tư vấn giáo dục tài chính cá nhân, cách thức vay vốn - sử dụng vốn vay và tư vấn tiết kiệm... Từ đó, khách hàng không chỉ được cung cấp “cần câu” mà còn có điều kiện được cập nhật, tiếp thu kiến thức, nâng cao hiểu biết, nhận thức, tự tin bước vào hành trình vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống. Những việc làm ý nghĩa này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giá trị bền vững mà không phải tổ chức tài chính nào cũng có được.

Chị Phạm Thị Phương, 28 tuổi ở huyện Ngọc Lặc là khách hàng đã trải qua 2 chu kỳ vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Vợ chồng chị là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, được tư vấn, chị lần đầu tiên tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa với hạn mức 20 triệu đồng. Với nhiều người, đó không phải là số tiền lớn, nhưng với gia đình chị lúc bấy giờ, số tiền ấy là cả niềm mơ ước. Từ nguồn vốn vay này, chị mua trâu về chăn thả, phát triển kinh tế hộ. Sau hai chu kỳ vay vốn, tiếp tục mua thêm con giống, thu nhập của gia đình chị đã được cải thiện.

Tổ chức TCVM Thanh Hóa bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024 với nhiều thuận lợi và những khó khăn, thử thách đang đón chờ. Luôn kiên định với mục tiêu, làm việc với tất cả nhiệt huyết, sáng tạo, nêu cao tinh thần cống hiến, trách nhiệm, TCVM Thanh Hóa đề ra mục tiêu sẽ mở thêm các mạng lưới, chi nhánh tại tỉnh ngoài, một số phòng giao dịch tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, phấn đấu 5 năm tới sẽ cung cấp dịch vụ cho 70 nghìn khách hàng trên phạm vi toàn tỉnh...

Bài và ảnh: Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tro-luc-thoat-ngheo-cho-ba-con-mien-nui/203609.htm