Trở lại Đại Bường

Tôi tìm đến làng Đại Bường ở thượng nguồn dòng sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam vào một buổi chiều.

Bến nước Đại Bường. Ảnh: Thanh Tùng.

Nắng vàng nhạt chia đôi bãi sông, tô đậm thêm cù lao Đại Bường xanh ngắt bên kia bến đò Trung Phước. Hai Đới - người đàn ông xởi lởi mà tôi mới quen tại bến đò bảo rằng nhà anh ở Đại Bường và hẹn tối nay sẽ mời tôi sang chơi.

- Thế còn bây giờ? Tôi hỏi Hai Đới.

- Nhậu! Hai Đới vừa cười vừa buông một câu gọn lỏn rồi trở xuống bến đò xách lên hai trái sầu riêng.

- Ở đâu ra vậy? Tôi ngạc nhiên.

- Bên nớ đem sang chớ mô! Hai Đới trỏ tay sang bên kia sông rồi nói tiếp:

- Chừng ni đủ để mấy anh em mình lai rai tới tối chờ trăng lên.

- Nhậu bằng sầu riêng sao?

- Phải, rồi anh sẽ thấy, bây chừ tôi nói trước không có “linh”.

Theo gợi ý của tôi, Hai Đới và mấy người bạn kéo nhau xuống bến sông, ngồi xếp bằng chông chênh trên mui thuyền. Lúc bấy giờ tôi mới biết mâm nhậu toàn là chức sắc của làng Đại Bường. Trà dư tửu hậu, sau mấy tuần trà, thấy tôi đưa mắt tìm hai trái sầu riêng, Hai Đới cười bảo:

- Yên chí đi, đang “làm thịt” dưới nớ, đem lên bây chừ!

Hai Đới vừa nói xong thì thấy chủ thuyền khệ nệ bưng lên một hũ sành đựng đầy thứ nước sóng sánh màu trắng đục, lần lượt rót ra những chiếc chén (bát) ăn cơm đưa mời từng người. Năm Hòa - người đàn ông thấp đậm tuổi “ngoại ngũ tuần” hể hả nâng chén mời tôi: - Uống đi, rượu sầu riêng đấy.

Tôi uống trọn chén rượu đầy. Lạ thật, cái gắt nồng cố hữu của rượu không còn nữa mà thay vào đó là mùi thơm dìu dịu của sầu riêng.

Dư vị đậm đà, hương thơm dịu ngọt cộng với men rượu nồng nàn tạo cảm giác ngất ngây. Chưa bao giờ tôi được uống thứ rượu ngon đến thế. Tôi hỏi và biết rằng bí quyết làm ruợu sầu riêng không quá công phu. Khách đến Đại Bường muốn uống rượu sầu riêng chỉ cần 10-15 phút sau là gia chủ sẵn sàng hầu tiếp. Rượu để pha với sầu riêng phải là thứ rượu gạo nguyên chất. Còn sầu riêng, phải là trái mới rụng từ trên cây, còn tươi nhựa...

***

Trăng 16 rớt xuống những khoảnh vườn mơn man mùi trái cây và đẫm ướt sương đêm. Tôi mắc võng nằm trước hiên ngôi nhà gỗ một gian hai chái mộc mạc của ông Nguyễn Quốc Tín - bậc cao niên trưởng thượng của làng Đại Bường đếm từng giọt trăng và mơ màng chờ sầu riêng rụng.

Qua ông Tín, tôi biết được nhiều chuyện về làng quê này. Cách đây vài trăm năm, 14 dân đinh từ các làng quê ngoài Bắc vào đây khai đất lập làng Đại Bường. Đại Bường lúc ấy thuộc “Thanh Bình ấp - Thăng Hoa phủ - Duy Xuyên huyện”.

14 dân đinh bổ những nhát cuốc đầu tiên khai khẩn doi đất màu mỡ lưng tựa núi, mặt quay ra sông, cùng nhau lập nên hội “Lương Bằng” gọi là “Lương Bằng tộc”. Những thứ trái cây có mặt ở Đại Bường đều mang ý nghĩa của câu chuyện “Đào viên kết nghĩa”. 14 dân đinh, 13 dòng họ, tương thân tương ái cùng nhau tạo dựng nên một làng quê trù phú hết đời này đến đời khác.

Khi mới mở đất, các bậc tiền nhân đặt tên cho doi đất uốn lượn theo thế núi, quay mặt ra dòng Thu Bồn hiền hòa này là Đại Bình. Lâu dần, Đại Bình được gọi trại ra thành Đại Bường.

Hàng trăm năm qua “vật đổi sao dời” cả vùng đất dưới chân núi Cà Tang của huyện Nông Sơn (Quảng Nam) từng hứng chịu cảnh chiến tranh, ly loạn. Nhưng, chỉ cách có một con sông thôi mà Đại Bường vẫn bình yên. Cây cối đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái.

Cổng mới dẫn vào làng du lịch Đại Bình.

Có tiếng sầu riêng rụng ngoài vườn. Một trái, hai trái, rồi ba trái... Tôi nhỏm dậy. Mùi sầu riêng ngất ngây. Ở trong nhà, ông Tín còn thao thức trên bộ ván gỗ. Lâu lâu lại nghe ông nói vọng ra: “Trái ni 1 ký... trái ni 3 ký... ồ, trái ni to hung, tới 5 ký chứ chẳng chơi...”.

Tôi nhẹ nhàng rời nhà ông Tín, rón rén đi qua các ngõ xóm. Đâu đó tiếng trẻ oa oa, tiếng nôi đưa kèo kẹt, tiếng à ơi mênh mang... Rồi, tiếng lá cành xào xạc, tiếng chó sủa xa xa, tiếng côn trùng nỉ non khắp các bờ ruộng... Tất cả hòa quyện tạo nên bản giao hưởng êm đềm.

Dưới bãi sông, ánh trăng vẫn còn lai láng. Dòng Thu Bồn như tắm trong trăng và ngập tràn hương sầu riêng...

***

Hơn 30 năm giã biệt những đêm trăng thơm ngát mùi sầu riêng, mùa thu năm nay, tôi mới có dịp về lại với Đại Bường. Bến sông vắng bóng con đò. Người dân thị trấn Trung Phước nói với tôi, từ khi có cầu Nông Sơn, không ai xuống bến gọi đò ơi nữa. Cổng làng Đại Bường cũng dời lên phía thượng nguồn, nơi có ống khói nhà máy nhiệt điện Nông Sơn. Ngọn khói đen phả lên bầu trời. Phía cổng làng mới có dòng chữ “Làng du lịch Đại Bình”.

Bước qua cổng làng, tôi được người phụ nữ luống tuổi tên là Nguyễn Thị Hai mời mua trái trụ long - thứ trái cây giống trái bưởi nhưng vỏ phơn phớt lông măng, vị đậm đà hơn. Trụ long với sầu riêng mất mùa cả chục năm nay, sầu riêng bản địa cũng vậy, không ra trái rồi héo lụi dần. Làng Đại Bường trồng giống sầu riêng ghép thay thế nhưng giống sầu riêng này cũng sớm còi cọc, mất mùa. Vườn nhà bà Hai chỉ còn duy nhất một cây sầu riêng bản địa có tuổi đời hơn chục năm. Các vườn nhà khác cũng vậy, sầu riêng bản địa chỉ còn thưa thớt.

Cũng như tôi, Trưởng làng Đại Bường Nguyễn Thanh Tuyền nghĩ nhiều về cái ống khói nhà máy nhiệt điện Nông Sơn ở đầu nguồn nước, nguồn gió. Có những lúc, cây lá ở Đại Bường bám đầy bụi khói, bụi than.

Gần 20 năm trước, sau thảm họa chìm đò khiến 18 học sinh làng mỏ Nông Sơn thiệt mạng, một cây cầu được xây dựng nhờ sự quyên góp của các tổ chức, đoàn thể và người hảo tâm. Cầu vừa xây xong cũng là lúc đầu con đường dẫn vào làng mọc lên nhà máy nhiệt điện có cái ống khói cao ngất ngưởng như chiếc vòi rồng.

Ngôi làng từng nổi tiếng với cây trái khắp mọi miền, từ sầu riêng, chôm chôm, măng cụt của phương Nam đến nhãn lồng, hồng, mận, đào, lê xứ Bắc, nay chỉ còn những khoảng vườn lưa thưa cây cối. Ống khói nhiệt điện và hai trận bão năm 2006, năm 2009 đã làm mất đi sự trù phú của ngôi làng.

Nỗi nhớ sầu riêng theo tôi suốt con đường bê tông dài hơn 5 km từ cổng mới đến khu trang trại du lịch của Trưởng làng Nguyễn Thanh Tuyền. Khu vườn có rặng chè tàu, bờ tường vi và lối đi phủ rêu xanh mướt của bậc đại cao niên trưởng thượng Nguyễn Quốc Tín mấy mươi năm trước, nay mọc đầy thứ cỏ dại xuyến chi. Ngôi nhà gỗ một gian hai chái mà tôi từng mắc võng đu đưa đếm sầu riêng rụng những đêm trăng sáng cũng nhuộm màu hoang phế.

Có gì đó như là sự sắp đặt, dăm năm trước, khi đi qua con đường nhỏ ở phường Khuê Trung, Đà Nẵng, tôi gặp đám tang ông Nguyễn Quốc Tín. Đám tang giản dị ấm áp theo nghi thức tín ngưỡng Cao Đài tại ngôi nhà của người con ông Tín. Bái vọng, tiễn đưa ông Nguyễn Quốc Tín, tôi miên man nghĩ về ngôi làng đẹp, trù phú đến nao lòng ở thượng nguồn dòng sông Thu Bồn được du khách quen gọi bằng cái tên dân dã là Đại Bường.

Nay Đại Bường đã thành làng du lịch Đại Bình, có nhà nghỉ, có homestay, lối đi bằng bê tông chạy dọc ngôi làng và các nhánh đường xương cá được trang trí bắt mắt chào đón du khách nhưng trong cảm giác của tôi, Đại Bường thiếu đi một cái gì đó rất đỗi thân thương, gợi niềm thương nhớ về hồn cốt của một làng quê. Vòm tre cổng làng trông xuống bến sông vắng tiếng lộc cộc lao xao. Bờ rào bằng chè tàu với những khóm tường vi được thay bằng cọc bê tông và lưới thép B40. Sân gạch, ngõ rêu được bê tông hóa.

Tiếng sầu riêng rụng đêm trăng với mùi thơm ngan ngát khắp các khoảnh vườn chỉ còn đâu đó trong quá vãng. Nhớ khôn nguôi những đêm Đại Bường nằm nghe sầu riêng rụng…

DƯƠNG THANH TÙNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tro-lai-dai-buong-5742691.html