Triều Tiên không thể sụp đổ

Trước thềm chuyển giao quyền lực ở Bình Nhưỡng từ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il sang người con trai Kim Jong-un, xuất hiện nhiều kịch bản dự đoán sự sụp đổ của Triều Tiên.

Từ khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhiều học giả cũng như nhiều viện nghiên cứu đưa ra nhiều kịch bản dự đoán về số phận của Triều Tiên.

Kịch bản gần đây nhất, khá bất ngờ đến từ Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế (IMEMO) của Nga, vốn có quan hệ gần gũi với Bình Nhưỡng. Trước đó, các kịch bản về sự sụp đổ của Triều Tiên đa phần đến từ phương Tây hoặc các đối thủ của nước này.

Điểm chung của hầu hết các kịch bản này là giả định việc chuyển ngôi lãnh đạo tối cao sẽ gây ra những thay đổi cơ bản trong chính sách của Triều Tiên.

Kịch bản mà IMEMO đưa ra cũng không phải là ngoại lệ khi nhấn mạnh quá trình chuyển giao quyền lực sẽ là gốc rễ hình thành những bất ổn, rối loạn nội bộ dẫn đến sự sụp đổ của cả chế độ Chủ tịch Kim.

Xuất hiện nhiều kịch bản về sự sụp đổ của Triều Tiên. Ảnh minh họa: EPA.

Tuy nhiên, theo Asia Times, giới phân tích cần nhận ra một thực tế là chuyển giao quyền lực sẽ không bao giờ làm thay đổi con đường mà Triều Tiên đã và đang đi.

Ngoài ra, Nicholas Eberstadt, cha đẻ của giả định Triều Tiên sẽ sụp đổ, đưa ra ba lý do rất cụ thể giải thích tại sao giới phân tích có nhiều khả năng đang mắc sai lầm.

Đầu tiên, Triều Tiên là quốc gia khá khá kín đáo, biệt lập và còn nhiều bí ẩn đối với thế giới bên ngoài. Do đó, chưa chắc giới quan sát nước ngoài có khả năng hiểu rõ và chính xác về tình hình của Triều Tiên.

Thứ 2, Bình Nhưỡng nhiều lần chứng tỏ khả năng vượt qua khó khăn kinh tế tài tình. Thứ 3, thay đổi lãnh đạo tối cao không có nghĩa là họ thay đổi lập trường về chủ quyền. Đối với người dân nơi đây, chủ quyền là bất khả xâm phạm, giúp tầng lớp lãnh đạo đoàn kết người Triều Tiên lại với nhau và ngăn ngừa những bất ổn nội bộ.

Một thực tế là, kể từ sau sự tan rã của Liên Xô và Đông Âu, Bình Nhưỡng bị cắt đứt các nguồn viện trợ thiết yếu, dẫn đến hậu quả là nạn thiếu lương thực liên miên, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh, thành vấn nạn quốc gia.

Các cuộc “khủng hoảng dinh dưỡng” đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của người dân cũng như chất lượng dân số và rất dễ khiến Bình Nhưỡng bị tổn thương.

Trong thời điểm khó khăn đó, năm 1994, Chủ tịch Kim Il-sung lại qua đời và người kế nhiệm ông chính là Chủ tịch Kim Jong-il ngày nay.

Tuy nhiên, thời ấy ông Kim Jong-il không được đánh giá cao cho lắm. Nhiều người lo ngại ông thiếu uy tín và kinh nghiệm lãnh đạo quốc gia trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức.

Thế nhưng gần hai thập kỷ trôi qua, Chủ tịch Kim lẫn Triều Tiên vẫn “vững như bàn thạch” và vẫn giữ thái độ “trước sau như một” với Mỹ lẫn Hàn Quốc ở ngay cả những thời điểm khó khăn nhất. Đó là bằng chứng cho thấy việc thay đổi lãnh đạo tối cao chưa phải là điều kiện đủ khiến Bình Nhưỡng thay đổi lập trường về chủ quyền.

Khác với Đông Đức hay các chế độ tương tự đã sụp đổ, Triều Tiên tồn tại tới ngày nay còn bởi họ có một nguyên tắc khác về chủ quyền, chi phối tất cả các chính sách của Bình Nhưỡng.

Trong 60 năm qua, chính sách kinh tế của Bình Nhưỡng luôn trung thành với tiêu chí không bao giờ gia nhập bất cứ tổ chức kinh tế nào nếu nhận thấy việc làm này có khả năng gây nguy hại cho chế độ chính trị, tác động tới chính sách nội địa bất chấp các lợi ích kinh tế.

Để bảo vệ nguyên tắc này, Triều Tiên từng không ngại làm phật lòng “anh cả” Liên Xô khi từ chối những lời tư vấn, góp ý thiện chí liên quan đến vấn đề kinh tế. Thậm chí, Bình Nhưỡng còn kiên quyết không chịu gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) được bảo trợ bởi Liên Xô mà tự đi theo một con đường riêng.

Ngày nay, quan hệ giữa Bình Nhưỡng với đối tác thương mại lớn nhất của họ là Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, người Triều Tiên chỉ hợp tác, ưu ái và “hết lòng” với đối tác không lợi dụng hợp tác kinh tế để can thiệp vào chính sách nội địa của họ.

Bắc Kinh đáp ứng được đòi hỏi này khi kiên quyết phản đối việc can thiệp vào công việc nội bộ của Bình Nhưỡng; cũng như chính sách hạt nhân mà Chủ tịch Kim theo đuổi.

Ngoài việc coi trọng ổn định chính trị, Triều Tiên không ngừng tìm kiếm đối tác kinh tế. Việc thắt chặt quan hệ với Nga là minh chứng cho chiến lược khôn khéo này của Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng đang trải qua bước chuyển mạnh mẽ trong việc áp dụng công nghệ thông tin. Vốn luôn được xem là một quốc gia biệt lập, Bình Nhưỡng làm ngỡ ngàng cả thế giới khi một nghiên cứu gần đây tiết lộ:

“Triều Tiên đang duy trì khả năng đào tạo nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở công nghiệp, công nghệ khá phát triển và có các nguồn lực tài chính đủ để theo đuổi cuộc cách mạng kỹ thuật số”, Alexandre Mansourov, tác giả báo cáo "Triều Tiên trên đỉnh của sự chuyển đổi kỹ thuật số" của viện Nautilus nhấn mạnh.

Dù hiện chỉ có một triệu người Triều Tiên sử dụng điện thoại đi động song theo nhiều dự đoán, thời gian tới số thuê bao sẽ tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, việc Chính phủ đang chú trọng đầu tư vào công tác đào tạo các nghành công nghệ số hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá mới cho Triều Tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Rõ ràng, dù vẫn giữ lại lập trường bất biến về chủ quyền, Bình Nhưỡng cũng đang đi những bước đi khôn ngoan nhằm thích ứng với một thế giới hiện đại.

Đó là cơ sở để nhiều người tin rằng, Bình Nhưỡng khó lòng sụp đổ chỉ bởi một cuộc chuyển giao quyền lực. Và những kịch bản về sự sụp đổ của Triều Tiên đến từ giới phân tích phương Tây, hay thậm chí báo cáo của IMEMO rõ ràng đang khiến nhiều người có cái nhìn lệch lạc về sự tồn vong của quốc gia này trong tương lai.

Nga 'lãi to' nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất?

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/thegioi/Trieu-Tien-khong-the-sup-do/201111/178405.datviet