Triệt để với bạo lực học đường

Hãy để 'lễ' thực sự đi trước, 'văn' tức khắc nhờ đó mà tỏa sáng!...

Hôm 6-12, vụ lộn xộn giữa học trò và giáo viên ở tỉnh Tuyên Quang đi vào cuộc họp báo của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thừa nhận mức độ vụ việc nghiêm trọng, "không thể chấp nhận được".

Ông đánh giá trách nhiệm thuộc về nhiều bên, từ giáo viên, nhà trường, học sinh tới phụ huynh và trước mắt cần biện pháp để xử lý nghiêm.

Còn ở TP HCM ngày 9-12, lãnh đạo một trường ở quận 5, TP HCM xác nhận xảy ra tình huống học sinh lớp 8 bị giáo viên môn công nghệ đánh chấn thương.

Hai chuyện buồn liên quan mối tương tác trong môi trường giáo dục trên gây sốc nhưng không lạ bởi nó nối dài những hành vi thiếu chuẩn mà báo chí lâu nay đưa tin. Giáo viên xô đẩy nhau ra khỏi lớp, học sinh đánh nhau, học sinh tấn công giáo viên hoặc ngược lại... là những hạt sạn trong môi trường được yêu cầu phải "rất trong" đã và đang tạo ra sự thách thức đối với những người làm quản lý.

Giải pháp đương nhiên là những biện pháp triệt tiêu nguyên nhân nhưng biện pháp thế nào thì dường như vẫn bị yếu tố "loay hoay" cản trở.

Quy định không thiếu, công tác tuyên truyền, vận động ý thức chung tay giữa gia đình, nhà trường, xã hội cũng nhiều rồi. Việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, phòng, ban giám hiệu... là làm tốt quy định, công tác ấy. Chủ đề năm, chủ đề quý, chủ đề tháng, chủ đề tuần (nếu có) nên nhắm tới và xuyên suốt một mục tiêu cụ thể, sát sườn là vấn đề chuẩn mực trong học đường chứ không nên dàn trải và quá vĩ mô.

Hãy để "lễ" thực sự đi trước, "văn" tức khắc nhờ đó mà tỏa sáng!

Tuấn Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/triet-de-voi-bao-luc-hoc-duong-196231210213512714.htm