Triển vọng kinh tế u ám, Trung Quốc tìm cách trấn an giới đầu tư

Các biện pháp chống dịch gắt gao khiến triển vọng kinh tế của Trung Quốc xấu đi. Giới chức Bắc Kinh tìm cách trấn an, nhưng không đưa ra bất cứ động thái hỗ trợ đáng kể nào.

Theo Bloomberg, số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt tại Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại rằng giới chức Trung Quốc sẽ tiếp tục phong tỏa thủ đô sau Thượng Hải và nhiều thành phố khác. Trong tuần này, chính quyền Bắc Kinh liên tục đưa ra các động thái nhằm trấn an nhà đầu tư.

Hôm 26/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cam kết “sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách tiền tệ thận trọng đối với nền kinh tế, nhất là đối với những ngành công nghiệp và doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch".

Ngân hàng cho biết sẽ thúc đẩy "sự phát triển lành mạnh và ổn định của thị trường tài chính". Cơ quan này nhấn mạnh cần giữ "thanh khoản dồi dào một cách hợp lý".

Triển vọng kinh tế u ám khiến các thị trường Trung Quốc đỏ lửa, PBoC liên tục đưa ra các động thái nhằm trấn an nhà đầu tư. Ảnh: Reuters.

Tìm cách trấn an

Cuối hôm 25/4, trong một động thái chưa từng có, Trung Quốc thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc đối với các tổ chức tài chính, nhằm chặn đà giảm của đồng NDT. Đồng tiền của Trung Quốc giảm giá mạnh bởi dòng vốn kỷ lục chảy ra khỏi đất nước.

PBoC cũng tìm cách trấn an các nhà đầu tư đang lo ngại về cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, cơ quan này tuyên bố sẽ "đẩy mạnh và hoàn thành việc chấn chỉnh những công ty nền tảng càng nhanh càng tốt và tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế nền tảng".

Những tuyên bố của PBoC được đưa ra trong bối cảnh các thị trường tài chính của nước này lao dốc mạnh vì triển vọng kinh tế ảm đạm.

PBoC đã tìm cách hạn chế dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc. Nhưng các phản ứng tiền tệ của nước này không đủ để bù đắp sự suy yếu của nền kinh tế

Bà Seema Shah, chiến lược gia trưởng tại Chief Global Investors

Kể từ tháng 3, nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với nhiều trung tâm kinh tế, từ thành phố Thâm Quyến, tỉnh Cát Lâm đến thành phố Thượng Hải.

Gần 400 triệu người ở 45 thành phố của Trung Quốc đang sống trong tình trạng bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Theo dữ liệu của Nomura Holdings, các thành phố chiếm tới 40% GDP, tương đương 7.200 tỷ USD, của nền kinh tế thứ 2 thế giới.

"PBoC đã tìm cách hạn chế dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc. Nhưng các phản ứng tiền tệ của nước này không đủ để bù đắp sự suy yếu của nền kinh tế", bà Seema Shah - chiến lược gia trưởng tại Chief Global Investors - nhấn mạnh.

"Nếu không có những động thái cụ thể nhằm nới lỏng tiền tệ, hoặc tình hình dịch bệnh được cải thiện, thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ vẫn còn gặp nhiều thách thức", bà cảnh báo.

Hôm 26/4, PBoC cho rằng tâm lý của nhà đầu tư đã tác động tới thị trường trong những ngày qua. Nhưng cơ quan này khẳng định các nền tảng cơ bản của nền kinh tế vẫn còn vững mạnh.

Các nhà kinh tế đã kêu gọi Bắc Kinh nới lỏng gọng kìm đối với lĩnh vực bất động sản và Internet của đất nước. Cùng với đó là đưa ra những gói hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình.

Hạ kỳ vọng tăng trưởng

Chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc đang đè nặng lên triển vọng kinh tế. Theo tính toán của Bloomberg, một loạt chỉ số kinh tế tháng 4 của Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm.

Morgan Stanley hạ dự báo tăng trưởng 40 điểm cơ bản xuống 4,2%, trong khi Daiwa Capital Markets và TD Securities cũng hạ dự báo.

Hôm 18/4, Trung Quốc đã công bố mức tăng trưởng GDP quý I/2022 cao hơn những dự báo trước đó. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong tháng 3 vẫn sụt giảm vì các lệnh phong tỏa do đại dịch.

Theo ông Ting Lu - nhà kinh tế trưởng tại Nomura, từ ngày 1 đến 7/4, chỉ số đo doanh thu vận tải hàng hóa đường bộ của Trung Quốc đã lao dốc 27,2% so với một năm trước đó. Nhưng riêng ở Thượng Hải, chỉ số này giảm tới 82,6% trong cùng kỳ.

Chính quyền trung ương Trung Quốc đã yêu cầu các chính quyền địa phương hỗ trợ hoạt động vận tải và loại bỏ một số quy định chống dịch.

Những yêu cầu chống dịch gắt gao làm gián đoạn các hoạt động kinh tế tại đất nước 1,4 tỷ dân. Ảnh: Bloomberg.

Theo ông Richard Yetsenga của ANZ, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những "cơn bão lớn" trong quý I. Đây là làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất tại nước này kể từ hồi đầu năm 2020.

"Nhưng một khi Bắc Kinh đối phó được với làn sóng này, nền kinh tế sẽ trở lại trạng thái ổn định", ông Yetsenga - Trưởng bộ phận nghiên cứu của ANZ - dự báo. "Dường như chính quyền Trung Quốc đã nhận thấy các rủi ro và bắt đầu thảo luận về những chính sách hỗ trợ", ông nói thêm.

PBoC vẫn thận trọng với những bước đi chính sách của mình. Cơ quan này đã không hạ lãi suất và chỉ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các nhà băng một cách khiêm tốn.

"Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách đối với các doanh nghiệp nhỏ và những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Việc nới lỏng quy mô lớn sẽ được triển khai sau khi nước này kiểm soát dịch bệnh thành công", nhà kinh tế Liu Peiqian tại NatWest Group Plc dự đoán.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trien-vong-kinh-te-u-am-trung-quoc-tim-cach-tran-an-gioi-dau-tu-post1312561.html