Triển lãm mỹ thuật Thăng Long hội tụ, sợi dây kết nối hai truyền thống nghệ thuật

Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhóm họa sĩ 33A cùng các họa sĩ đang sinh sống tại Hà Nội đã phối hợp tạo ra 46 tác phẩm độc đáo, ca ngợi vẻ đẹp và sức mạnh của Thăng Long xưa và nay.

Trong không khí tưng bừng, phấn khởi của nhân dân cả nước chào mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chiều 25/4, triển lãm mỹ thuật Thăng Long hội tụ chính thức được khai mạc tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật Hà Nội.

Triển lãm quy tụ nhiều tên tuổi quen thuộc trong “làng mỹ thuật” như: Nguyễn Đức Dương, Đỗ Công Sơn, Nguyễn Tiến Dũng, Lương Thu Hà, Nguyễn Tấn Phát, Nguyễn Huân, Trần Cường, Vũ Thùy Mai, Dương Tuấn,...

46 tác phẩm của 26 tác giả được trưng bày tại triển lãm mỹ thuật Thăng Long hội tụ.

Nếu nhóm họa sĩ 33A, với nền văn hóa và lịch sử phong phú, đã mang đến một góc nhìn độc đáo về Thăng Long qua những nét vẽ tinh tế và sâu sắc thì các họa sĩ đang sinh sống tại Hà Nội đã đưa ra những cảm nhận sâu sắc về Thăng Long qua từng nét vẽ tỉ mỉ và tinh tế.

Bằng cách kết hợp các phong cảnh đặc trưng của Sơn Tây với hình ảnh của vùng đất cổ, các họa sĩ Sơn Tây đã tạo ra những bức tranh sôi động, lôi cuốn người xem. Trong khi đó, bằng cách tái hiện lại những di tích lịch sử, hình ảnh đời sống sinh hoạt, những con phố cổ, các họa sĩ Hà hành đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp truyền thống của thành phố ngàn năm lịch sử.

Bức tranh Mùa hoa xoan của họa sĩ Phùng Văn Giáp.

Bức tranh Vũ điệu của nắng của tác giả Trần Cường.

Tại triển lãm, các tác giả ngập tràn niềm vui khi giới thiệu về tác phẩm của mình, những góc nhìn bản thân muốn gửi gắm. Là một trong 26 tác giả tham gia triển lãm, họa sĩ Lương Thu Hà nhiệt huyết nói về những đứa con tinh thần của mình: “Tôi mang đến triển lãm lần này tác phẩm Trưa hè, điểm nhấn là những vệt nắng vàng hắt trên khung cửa sổ, trên những mảng tường bong tróc, rêu phong, nhuốm màu thời gian và trên dãy ban công của ngôi nhà cổ mang đặc trưng của Hà Nội xưa. Điểm đối lập thú vị trong bức tranh là căn nhà đối diện, cửa sổ buông rèm che nắng, nhưng với đặc điểm nhà trên phố san sát nhau nên ánh nắng chiếu xuống rèm, hắt trở lại mảng tường, tạo nên đường chéo trong bố cục của bức tranh. Bên cạnh đó là hình ảnh đôi chim tạo nên khung cảnh yên bình, hạnh phúc trong buổi trưa hè tràn ngập ánh nắng.”

Bức tranh Trưa hè của họa sĩ Lương Thu Hà.

Họa sĩ Lương Thu Hà (áo xanh) chụp ảnh kỷ niệm tại triển lãm.

Nhiều năm nay những hình ảnh nông thôn gắn với những di sản của dân tộc là nguồn cảm hứng bất tận giúp họa sĩ Nguyễn Bá Huy thăng hoa cùng bút vẽ của mình. Tại Triển lãm Thăng Long hội tụ, anh mang đến tác phẩm “Cổng làng xóm huyện” lấy cảm hứng từ cánh cổng cổ xưa đi vào xã Chu Minh (huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

Bức tranh Cổng làng xóm huyện.

Họa sĩ Nguyễn Bá Huy (ở giữa) chụp ảnh kỷ niệm cùng bạn bè, đồng nghiệp.

“Điều đặc biệt là cánh cổng duy nhất còn lại ở Ba Vì trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn vẹn nguyên, vẫn giữ được nét kiến trúc xưa. Thông qua tác phẩm này, tôi muốn lưu giữ mãi mãi khoảnh khắc cánh cổng xã Chu Minh trong buổi trưa hè đầy nắng, muốn chia sẻ cho mọi người cùng chiêm ngưỡng, cùng suy ngẫm về những giá trị xưa cũ", họa sĩ Nguyễn Bá Huy chia sẻ.

Bức tranh Ngày đầu xuân của họa sĩ Trần Cường.

Bức tranh Nắng sớm của họa sĩ Phùng Văn Giáp.

Triển lãm mỹ thuật Thăng Long hội tụ là sự kết hợp giữa hai truyền thống nghệ thuật từ thị xã Sơn Tây xưa và Thăng Long - Hà Nội ngày nay, là biểu tượng cho sự đoàn kết và tình yêu thương với đất nước. Những bức tranh này không chỉ là sự kỳ diệu của nghệ thuật mà còn là dấu ấn vĩnh cửu cho Thăng Long - Hà Nội trên hành trình phát triển về phía trước.

Khách nước ngoài thích thú với các bức tranh trong triển lãm.

Triển lãm kéo dài đến ngày 15/5 tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật Hà Nội.

Hồng Phượng/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/trien-lam-my-thuat-thang-long-hoi-tu-soi-day-ket-noi-hai-truyen-thong-nghe-thuat-20240425214323206.htm