Triển khai Chương trình Phát triển sản phẩm Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 English Edition

Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2030, Long An sẽ có 5 sản phẩm chủ lực của địa phương đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia để bổ sung xem xét vào danh mục sản phẩm quốc gia.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất khổ qua

Theo UBND tỉnh Long An, việc lựa chọn sản phẩm quốc gia dựa trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của địa phương (sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm mang thương hiệu quốc gia,…), sản phẩm các ngành, lĩnh vực khác có khả năng đáp ứng tiêu chí, đề xuất xem xét, bổ sung danh mục quốc gia.

Việc lựa chọn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm trọng điểm, ưu tiên, chủ lực đáp ứng các yêu cầu: Sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến, có khả năng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; có quy mô lớn, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, có khả năng thay thế hàng hóa nhập khẩu hoặc mang lại giá trị xuất khẩu, có tác động tích cực đối với phát triển KT - XH hoặc quốc phòng - an ninh; phát huy được các lợi thế về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của Việt Nam, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực.

Tỉnh tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn hóa năng suất, chất lượng, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, sở hữu trí tuệ và ứng dụng, chuyển giao đổi mới công nghệ cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Ngành chức năng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng phát triển chất lượng sản phẩm cho cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động; kỹ năng cho các chuyên gia, giảng viên về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Quốc Cường cho rằng: Việc tập huấn kỹ năng chuyên môn cho thành viên HTX là yếu tố rất quan trọng, nhất là liên kết sản xuất với đối tác.

Sản phẩm trái cây sấy khô của Công ty H&G, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa

Được biết, Long An hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực nghiên cứu, nhân lực kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp đủ năng lực ứng dụng, làm chủ các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản lý thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong quá trình triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình. Trong những năm 2019, 2020, 2021, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh gần 500 triệu đồng để thành viên HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết: Các sản phẩm tiêu biểu của Long An gồm: Gạo Nàng Thơm Chợ Đào, gạo Huyết Rồng, nếp Long An, thanh long, chuối Fohla, dưa hấu, chanh không hạt, đậu phộng Đức Hòa, khóm (dứa) Bến Lức, mắm chua lia thia Đức Huệ, ổi Đức Hòa, bánh tét Thủ Thừa, cốm ngò Cần Giuộc và trống Bình An. Sở Công Thương phối hợp Cty TNHH San Hà tổ chức quảng bá sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Có 15 doanh nghiệp và HTX cùng San Hà ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đang xúc tiến thẩm tra các sản phẩm chủ lực tiêu biểu của Long An nhằm phát triển các sản phẩm tỉnh nhà đạt danh mục sản phẩm quốc gia./.

Mục tiêu cụ thể:

100% doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh sản xuất, phát triển sản phẩm quốc gia được tiếp cận thông tin, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, trong đó đến năm 2025 đạt 30% doanh nghiệp, tổ chức được tiếp cận, hưởng các chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh và đến năm 2030 sẽ đạt trên 50%. Hình thành, phát triển tối thiểu 5 sản phẩm chủ lực địa phương đáp ứng tiêu chí sản phẩm quốc gia để được xem xét, bổ sung vào danh mục sản phẩm quốc gia.

Mộc Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/trien-khai-chuong-trinh-phat-trien-san-pham-quoc-gia-giai-doan-2021-2030-a128010.html