Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế bản sắc cá nhân

Ở Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu được lan rộng trong nhiều lĩnh vực, nhưng với điện ảnh thì chưa. Dù vậy, giới chuyên môn cho rằng, AI cho phép tư duy sáng tạo của điện ảnh rộng mở hơn, để từ đó điện ảnh Việt sẽ buộc phải hòa nhập chung dòng chảy của điện ảnh nhân loại. Và cái còn lại là phong cách cá nhân của mỗi thực thể sáng tạo vốn rất phong phú, điều đó chắc chắn sẽ là một đối trọng với những tư duy bị công thức hóa của trí tuệ nhân tạo. Cụ thể hơn, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế bản sắc của mỗi chủ thể sáng tạo.

Cảnh trong phim viễn tưởng “A.I: Trí tuệ nhân tạo” do Steven Spielberg trực tiếp chỉ đạo diễn xuất, kể câu chuyện về một robot biết yêu trong hình hài một đứa trẻ.

Khả năng của trí tuệ nhân tạo trong điện ảnh

Một trong những đề tài được bàn luận trong giới nghệ thuật nói chung và giới làm phim nói riêng là sự phát triển nhanh chóng của ứng dụng AI trong lĩnh vực nghệ thuật. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang phát triển mạnh việc sử dụng AI trong sáng tác nghệ thuật, tạo ra những sản phẩm khá ấn tượng…

Hồi tháng 9 năm ngoái, tại Hội nghị - hội thảo góp ý dự thảo nghị định cho Luật Điện ảnh do Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh tổ chức, bà Phan Cẩm Tú - đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đề xuất, cần ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc dán nhãn tự động, phân loại độ tuổi của phim.

Đề xuất này được đưa ra không chỉ nhằm giảm tải sức người, mà còn đảm bảo độ trùng khớp cao giữa quyết định của cơ quan quản lý và quyết định của chủ thể đăng tải phim trực tuyến.

Theo bà Tú, đây là phương án được Netflix thử nghiệm, ứng dụng tại Australia và New Zealand. Cụ thể trong hai năm từ 2016-2018, Netflix từng xin phép chính phủ tại Australia này để dùng AI vào việc phân loại phim. Có một hội đồng nhà nước phân loại thủ công do chính phủ thực hiện chạy song song với hệ thống AI nói trên.

Trong điện ảnh, trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu được sử dụng ở nhiều quốc gia. Tuy ở những bước phát triển ứng dụng đầu tiên nhưng AI đã chứng tỏ khả năng cực kỳ rộng lớn của mình. Việc công ty Curious Refuge (Mỹ) đã tạo ra một đoạn quảng cáo ngắn làm với điều kiện “giả sử” như đạo diễn Wes Anderson sẽ đạo diễn bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” thì bộ phim sẽ như thế nào. Đoạn quảng cáo này đã hoàn toàn “bắt chước” được phong cách làm phim đặc trưng của Wes Anderson, đồng thời cũng thay toàn bộ dàn diễn viên thực bằng những diễn viên khác. Đoạn quảng cáo “giả sử” này ngay lập tức đã gây ra tranh luận sôi nổi trong giới làm phim, tuy nhiên nó cũng chứng tỏ khả năng rất lớn của AI trong điện ảnh. Hiện nay các cuộc tranh luận về AI diễn ra sôi nổi tại Hiệp hội các nhà biên kịch Mỹ (WGA), Hiệp hội các diễn viên Mỹ (SAG - AFTRA)…

Mới đây, WGA đưa ra đề xuất cho phép sử dụng AI trong viết kịch bản nhưng không ảnh hưởng đến quyền tác giả và chia sẻ của biên kịch. Đề xuất nêu rõ rằng tài liệu do AI tạo ra sẽ không được coi là "nội dung văn học" hoặc "tài liệu nguồn".

Nội dung văn học đề cập đến sản phẩm của "viết kịch bản" và nếu một chương trình AI không thể (hoặc bị cấm) sản xuất nội dung văn học, thì nó không được coi là viết kịch bản. Hiệp hội Nhà văn Mỹ nói thêm: "Giống như một công ty sản xuất có thể trỏ đến một bài báo trên Wikipedia hoặc tài liệu nghiên cứu khác và yêu cầu một nhà biên kịch tham khảo chúng, vì vậy họ có thể chỉ cho một nhà biên kịch nội dung do AI tạo ra". Đối với những câu chuyện được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, nhà biên kịch sẽ nhận được sự ghi công đầy đủ và duy nhất. Đây là chìa khóa để phân chia, với công "người viết" sẽ bị cắt giảm 75% và công "kịch bản được viết bởi AI" được ghi nhận.

Sự khác biệt giữa tác phẩm văn học và sản phẩm của AI cũng cho phép các nhà biên kịch sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình viết của họ mà không cần phải thương lượng về vấn đề quyền tác giả với các nhà sản xuất phần mềm trí tuệ nhân tạo. Do đó, WGA coi AI là một công cụ cho các nhà biên kịch, thay vì chính các nhà biên kịch.

Tuy nhiên, đề xuất này khiến nhiều người trong ngành lo ngại về tác động lâu dài của nó. Trí tuệ nhân tạo không chỉ ảnh hưởng đến việc cắt cảnh mà các tổ chức chuyên nghiệp như Hiệp hội Diễn viên truyền hình và phát thanh đã bày tỏ lo ngại về việc các diễn viên mất kiểm soát đối với hình ảnh, giọng nói và sự hiện diện của họ. Nó cũng ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của các nhà biên kịch, trong số các khuyến nghị của hiệp hội các nhà biên kịch. Ngoài ra, đề xuất không giải quyết khả năng kịch bản được viết hoàn toàn bởi AI.

Công cụ hỗ trợ trong tương lai

Câu hỏi đặt ra là với điện ảnh Việt Nam, trí tuệ nhân tạo có phải là một hướng đi mới, hoặc một công cụ hỗ trợ đắc lực cho điện ảnh trong tương lai? Đạo diễn Bùi Trung Hải bày tỏ: Trong một nền công nghiệp văn hóa như điện ảnh, khi tính công nghệ, tính chuẩn mực, khớp nối được đề cao, để đảm bảo sự kết nối giữa các thành phần sáng tác, các công đoạn làm phim, đặc biệt khi áp dụng các chuẩn mực của các nền điện ảnh tiên tiến, thì AI sẽ cho những hiệu quả tốt.

Đạo diễn Bùi Trung Hải nêu ví dụ: Trong công đoạn viết kịch bản, việc viết kịch bản 3 hồi chuẩn mực theo tiêu chuẩn của điện ảnh Mỹ là chưa được hiểu biết thấu đáo và ứng dụng nhiều tại Việt Nam. Làm việc với AI, nhà biên kịch Việt Nam có thể nhìn rõ hơn quá trình sáng tạo kịch bản theo kiểu 3 hồi chuẩn mực sẽ như thế nào, kết nối với bản năng, ý tưởng của mình có thể sẽ tạo ra những tác phẩm có chất lượng tốt hơn… Dĩ nhiên đây sẽ là một quá trình phức tạp, sẽ chỉ diễn ra trong tương lai, vì nó còn phụ thuộc vào chất lượng phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo. “Hiện tại ở Mỹ, ngay cả việc sử dụng những tác phẩm kinh điển đã có trong điện ảnh thể giới để “luyện tập, đào tạo” cho AI cũng đang còn gây ra những tranh luận sôi nổi về việc cho phép hay không, bản quyền như thế nào… Theo tôi, ở thời điểm hiện nay những ứng dụng AI trong điện ảnh sẽ còn cần phải được hoàn thiện thêm rất nhiều lần thì mới có thể được sử dụng rộng rãi, hiệu quả được”, đạo diễn Bùi Trung Hải nhận định.

Ở góc nhìn khác, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lại cho rằng: Hướng đi của nghệ thuật, rất tiếc lại không hoàn toàn phụ thuộc vào sự phát triển công nghệ, mà AI đang ở vị trí tiên phong. Những thực tế tồn tại đó chỉ khẳng định các phương thức biểu hiện rộng mở, tân kỳ… mà không ảnh hưởng lớn đến mục tiêu nhân văn cũng như sứ mạng mà hầu hết các tác phẩm nghệ thuật hướng tới. Điện ảnh cũng không phải là ngoại lệ. “Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng AI cho phép tư duy sáng tạo của điện ảnh rộng mở hơn, phóng túng hơn với những phương thức biểu hiện không giới hạn. Rồi từ đó, điện ảnh Việt sẽ buộc phải hòa nhập chung dòng chảy của điện ảnh nhân loại, bất kể nó thuộc về ai, bị kiểm soát như thế nào. Cái còn lại là phong cách cá nhân của mỗi thực thể sáng tạo vốn rất phong phú chắc chắn sẽ là một đối trọng với những tư duy bị công thức hóa của AI”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhìn nhận.

NSƯT Bùi Trung Hải: Sử dụng trí tuệ nhân tạo để hòa nhập với điện ảnh thế giới

Với quan điểm của người làm điện ảnh tôi tin rằng việc ứng dụng AI trong điện ảnh là một bước tiến lớn về công nghệ và sẽ là một công cụ hữu hiệu mà những người làm điện ảnh ở Việt Nam cần nghiên cứu để sử dụng cho công việc sáng tác của mình trong tương lai. Khả năng của các ứng dụng có thể sử dụng AI được nhìn thấy ở rất nhiều khâu trong điện ảnh, trong viết kịch bản, trong thiết kế bối cảnh, quay phim, công tác đạo diễn, diễn xuất, dựng phim… Về mặt nguyên tắc, người làm phim có thể dùng AI để tạo ra các phương án khác nhau cho một kịch bản, một phân đoạn, một cảnh quay, một bối cảnh… để rồi bản thân người sáng tác có thể lựa chọn, tham khảo, tìm cảm hứng cho phương án tối ưu của mình. Đây thực sự sẽ là một công cụ rất hữu hiệu trong sáng tác nếu những nhà làm phim biết sử dụng AI một cách đúng đắn. Ở mức độ hiện nay, theo tôi, không nên lo lắng về việc AI có thể làm thay người làm phim một cách tuyệt đối và AI có thể thay đổi quan hệ công việc theo kiểu: không cần người làm phim nữa mà chỉ cần công nghệ AI là đủ. Hiện tại sự phát triển của công nghệ AI trong điện ảnh là chưa thể ở mức độ đó, nó vẫn cần được phát triển, và được dùng theo ý nghĩa là những gợi ý, tham khảo cho người sử dụng nó, với tính hiệu quả cao về tiết kiệm thời gian và độ mở của gợi ý. Người làm phim, chủ thể sáng tác vẫn luôn là người quyết định và giữ sự kiểm soát cả quá trình sáng tác.

Một trong những điểm đáng băn khoăn của AI, theo tôi chính là sự thực hiện theo kiểu “máy móc”. Trong quá trình sáng tác người nghệ sĩ thường sẽ dựa nhiều vào bản năng cảm nhận của mình để tìm ra hướng phát triển tác phẩm một cách hiệu quả, hợp lý nhất. Đây có thể là “máy tính” mạnh nhất mà AI không có. Bản năng cảm nhận này của người nghệ sĩ thường dựa vào kinh nghiệm kiến thức, độ từng trải về cuộc sống cũng như nghệ thuật của bản thân, nó được kết hợp hoàn hảo cả mặt tinh thần, cảm xúc và lý trí, nó là không thể thay thế. Quy trình của AI thì lại dựa theo các phép tính toán “máy móc”, đưa ra rất nhiều kết quả khác nhau mà không có khả năng tự lựa chọn.

Cho dù hiện nay việc sử dụng AI trong điện ảnh đang gây nhiều tranh cãi, và còn nhiều vấn đề về mặt pháp lý cần được bàn bạc, giải quyết: vấn đề bản quyền, vấn đề vai trò của AI liên quan đến nhuận bút, vấn đề phức tạp giữa hãng sản xuất phim và nghệ sĩ nếu tác phẩm có sử dụng AI… Tôi tin rằng việc sử dụng AI trong tương lai đối với điện ảnh Việt Nam là rất cần thiết và nó sẽ mở ra những khả năng mới, hiệu quả để nâng cao chất lượng nền điện ảnh nước nhà, góp phần hòa nhập với trào lưu chung của điện ảnh thế giới.

Đạo diễn điện ảnh Chu Ánh Nguyệt: Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chứ không đào thải con người

Về tác động của trí tuệ nhân tạo tới nền điện ảnh thì tôi chưa thể dự đoán vì AI vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để trở nên phổ biến hơn. Thời điểm này AI chưa có nhiều ảnh hưởng tới điện ảnh Việt Nam, nhưng nó cũng đã tạo nên khá nhiều làn sóng tranh luận với các luồng ý kiến khác nhau, và khiến những người làm điện ảnh để tâm và theo dõi sự phát triển của nó trong tương lai.

Với tôi, AI sinh ra một công cụ và với công cụ thì việc quan trọng là ta dùng nó như thế nào, nhưng để nói trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực thì còn cần xem sẽ ứng dụng AI vào đâu. Tôi nghĩ sức sáng tạo của các nhà làm phim Việt Nam còn rất mạnh, còn rất nhiều những bạn trẻ muốn nói lên tiếng nói của mình, còn rất nhiều câu chuyện trên nước mình cần kể, nên có lẽ việc dùng đến AI trong việc viết kịch bản hay diễn xuất chưa cần thiết. Tiếng nói riêng biệt của các nhà làm phim, và việc mỗi nhà làm phim đưa quan điểm và triết lý, tình cảm riêng của mình vào bộ phim mới là thứ khiến bộ phim trở nên sống động và chạm tới khán giả. Và còn có rất nhiều dự án thú vị của các nhà làm phim Việt Nam đang dần được thành hình, nên chắc AI sẽ phải chờ khá lâu nữa.

Theo tôi, bộ phim hay là bộ phim chạm tới trái tim thay vì chỉ là đi theo một khuôn mẫu hay thỏa mãn sự thách thức của não bộ. Có lẽ một bộ phim được viết bởi AI sẽ rất chỉn chu và đúng cấu trúc, một diễn viên AI sẽ biểu cảm rất đạt. Nhưng ở nghệ thuật, tính riêng biệt và dấu ấn cá nhân lại là một điều vô cùng quan trọng. Nếu ta luôn cố gắng để không chỉ những người thợ làm theo khuôn mẫu với điện ảnh thì tôi nghĩ sẽ chẳng có lý do gì để lo lắng về điều trên. Vì đến cuối cùng, công cụ sinh ra để phục vụ con người chứ không phải đào thải con người, nó là một sự thúc đẩy để con người làm tốt hơn công việc của mình.

Hải Nhi - Ngọc Hà (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tri-tue-nhan-tao-khong-the-thay-the-ban-sac-ca-nhan-5720362.html