Trí Cùa và tiệm cắt tóc di động

Từ hơn 1 năm nay, những ai đi ngang công viên phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An sẽ thấy một nhóm khoảng 20 thanh niên mặc đồng phục áo đen cắt tóc miễn phí cho những lao động nghèo, trẻ em hay bất cứ ai có nhu cầu. Không chỉ vậy, nhóm còn đến các trường học, mái ấm để cắt tóc miễn phí. Đó là nhóm Underground Baber của anh Nguyễn Công Trí, biệt danh Trí Cùa.

Dáng người to, mái tóc được húi cao bằng những đường cong rất ấn tượng, vẻ bề ngoài “hầm hố” như vậy nhưng khi tiếp xúc mới biết, chàng trai 9X Nguyễn Công Trí (sinh năm 1998) hiền lành, sống tình cảm và hướng thiện. Vừa luôn tay kéo cắt tóc, Trí Cùa vừa kể: “Tôi từng là sinh viên của Trường Cao đẳng Nghề Cao Thắng TP.HCM. Sau khi học 1 năm, tôi nhận ra mình không thích hợp để trở thành anh thợ cơ khí. Thế là sau khi trao đổi với gia đình, nói rõ sở thích và ước mơ của mình, tôi quyết định ngưng học để bắt đầu một "dự án” mới, đó là học nghề tóc. Sau 6 tháng, tôi ra nghề và được nhận lại làm tại tiệm”.

Khẽ dừng lại để giải thích cách cắt tóc đẹp hơn cho một học viên (HV) đứng bên cạnh, Trí Cùa tiếp tục câu chuyện: “Sau 2 năm làm nghề tại TP.HCM, tôi quyết định về quê Long An, mở tiệm tóc tại nhà ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa. Lúc đó là năm 2020, khi tôi 22 tuổi”. Nở nụ cười hiền, Trí chia sẻ tiếp: “Thuở nhỏ, tôi cũng hay nghịch ngợm nhưng "nghĩa khí" nên có biệt danh là “Trí Cùa” - tên một nhân vật trong phim. Đây là nhân vật công an làm nhiệm vụ xâm nhập vào các tổ chức "xã hội đen", sống nghĩa khí nên tôi rất ấn tượng và thích tính cách ấy. Khi ra nghề, về Long An, tôi nhận thấy có nhiều thanh niên ở địa phương chưa có việc làm lại hay tụ tập nên tôi động viên các bạn theo học nghề cắt tóc, trước hết là tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình sau này. Khi các bạn đồng ý, tôi trực tiếp đứng ra mở điểm cắt tóc miễn phí cho cộng đồng tại khu vực công viên phường 5, TP.Tân An”.

Anh Nguyễn Công Trí hướng dẫn cho các học viên khi tiến hành cắt tóc miễn phí cho khách

Anh Công Trí chỉ cặn kẽ về thực hành, kèm cặp từng bạn cho đến khi "cứng nghề". Từ hiệu quả của mô hình cắt tóc miễn phí này, ngày càng có nhiều HV theo học từ đường kéo đầu tiên cho đến khi ra nghề thuần thục hoặc đã học nghề ở những nơi khác, đến để nâng cao kỹ năng cắt tóc. Đối với những HV đến học, sau khi tìm hiểu kỹ, nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình thật sự khó khăn, anh Công Trí sẽ miễn, giảm học phí đào tạo. Trung bình 1 khóa đào tạo của anh sẽ kéo dài từ 4-6 tháng hoặc theo “giao kết dân gian” là “bao ra nghề”.

Chị Nguyễn Ngọc Bích là 1 trong 2 HV nữ của khóa gần nhất, cho biết: “Khi mới vào học, chúng tôi được thầy dành 2 tuần để truyền đạt về lý thuyết của ngành tóc nam với giáo trình hướng dẫn về các kiểu tóc xưa và nay, các cách cầm kéo, cách pha thuốc nhuộm tóc và định hướng khơi gợi sự sáng tạo của HV chứ không đóng khung theo những mô tuýp cũ. Chính những điều gợi mở như thế đã giúp HV có nhiều cảm hứng khi theo học. Không chỉ vậy, thầy còn chia sẻ cho HV về cách sống tử tế, có ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng".

Còn anh La Thái Lâm (SN 1994) cùng với Trần Minh Tạo (SN 1996), từ Hậu Giang đến học nghề cắt tóc của anh Công Trí, cho hay: “Khi bước vào thực hành trên tóc của khách, dù khách lạ hay quen, trước khi HV mới tiến hành cắt đều được Công Trí hoặc các HV khá, giỏi, sắp ra nghề giám sát, hướng dẫn và chỉnh sửa khi cần thiết. Cách làm này giúp chúng tôi tiến bộ nhanh, hạn chế tối đa sai sót trên tóc của khách”.

"Tiệm" cắt tóc di động miễn phí tại công viên phường 5, TP.Tân An được người dân ủng hộ

Thật dễ hiểu vì sao những vị khách đến cắt miễn phí nhưng đều tấm tắc khen. Ông Nguyễn Văn Thường (phường 5, TP.Tân An) vui vẻ nói: “Tôi đến đây cắt tóc miễn phí 3 lần rồi. Các cháu ở đây từ chủ đến thợ đều rất lịch sự, chu đáo và cắt tóc đẹp. Nếu cắt tóc mà xấu thì dù có miễn phí chắc tôi cũng không dám đến cắt lần thứ 2”.

Ông Đoàn Văn Tứ (huyện Bình Chánh, TP.HCM) làm lao động tự do, nói: “Tôi đi làm ở Long An nên hay đi ngang điểm cắt tóc miễn phí này. Có lần đang cắt tóc thì trời mưa, các cháu ở đây đứng ra căng bạt che cho khách hoặc lui xuống gầm cầu Tân An cắt cho xong mới thôi. Bây giờ 1 lần cắt tóc cũng 50.000-70.000 đồng, được cắt miễn phí, lao động nghèo như chúng tôi tiết kiệm được chút ít tiền”.

Anh Công Trí cho biết: “Ngoài cắt tóc miễn phí tại đây, tôi và các bạn còn từng đi phục vụ cắt tóc miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Long An, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, Trường Tiểu học Khánh Hậu (TP.Tân An), một doanh trại của lực lượng vũ trang tại khu vực biên giới. Nói chung, khi có đơn vị nào gửi lời mời, tôi và các học trò đều thu xếp thời gian và công việc chạy xe máy đến cắt tóc miễn phí”.

Tính từ năm 2020 đến nay, anh Công Trí đã đào tạo được trên 100 HV và hiện tại, "ông chủ trẻ" có 3 chi nhánh. Các chi nhánh này sẽ là nơi các HV đến làm nghề, được chia phần trăm trên doanh số. Quan trọng hơn, đây sẽ là nơi giúp các HV hoàn thiện kỹ năng đứng tiệm, sau này đủ kinh nghiệm tự ra mở tiệm của riêng mình; đồng thời, các HV cũng có cơ hội tham gia các hoạt động vì cộng đồng, làm những điều có ích cho xã hội./.

Nguyễn Chí Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tri-cua-va-tiem-cat-toc-di-dong-a158956.html