Trên đất cằn… những bông hoa vẫn nở

Nếu như phụ nữ được ví như những bông hoa, thì chị em phụ nữ DTTS là một trong những loài hoa đặc biệt. Ngay giữa điều kiện khắc nghiệt nhất của thiên nhiên, những hạn chế của môi trường, đời sống... những bông hoa ấy vẫn mạnh mẽ vươn lên, rực rỡ, tỏa hương.

Những thiệt thòi khó đong, đếm

Cùng là phụ nữ, nhưng mỗi khi lên với các bản làng vùng cao, vùng DTTS, tôi không khỏi ngạc nhiên, đôi khi xót xa khi nhìn những người phụ nữ Mông, Dao, Khơ Mú, Tày, Thái, Ba Na, Ê Đê... ngược núi, băng suối, xuyên rừng để làm nương, rẫy, kiếm lá thuốc, tìm củi, góp nhặt thực phẩm cho gia đình.

Ở nơi xa xôi hẻo lánh, đường sá trắc trở, điều kiện xã hội chưa phát triển..., nhiều phụ nữ DTTS hạnh phúc với chức năng làm vợ, làm mẹ của rất nhiều đứa con mà hầu như không có bất kỳ đòi hỏi nào về việc phải được chăm sóc, bồi dưỡng khi sinh nở, ốm đau...

Phụ nữ dân tộc Dao ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) tự tin giới thiệu các sản phẩm do chị em tự sản xuất

Ngay từ khi mới sinh ra, với nhiều hộ DTTS, bé trai được chào đón, mong đợi hơn bé gái. Lớn lên, không phải ai khác, trẻ em gái sẽ là người nghỉ học sớm - nếu gia đình cần lao động hoặc không có tiền để trang trải học hành. Thậm chí, khi còn đang tuổi tới trường, nhiều bé gái đã có người đến hỏi về làm dâu để gia đình có thêm người, thêm lao động. Tại nhiều xã vùng cao biên giới, trẻ em gái người DTTS còn trở thành nạn nhân của các vụ mua bán người, bị ép làm vợ trong những hoàn cảnh vô cùng trớ trêu... cũng không phải là chuyện hiếm gặp.

Kết quả Điều tra dân số năm 2019 đã công bố nhiều con số cho thấy, trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn cả về khả năng tiếp cận các cơ hội, nguồn lực và khả năng nói lên tiếng nói của mình.

Tự tin vươn lên từ gian khó

Cũng chính bởi những tồn tại từ nhiều đời, nên vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em gái và phụ nữ DTTS, giúp họ được tiếp cận và tham gia vào các chương trình, chính sách chung đã được đề cập trong nhiều chủ trương và trở thành một trong những nội dung hoạt động quan trọng của Hội Liên hiệp phụ nữ, các ban, ngành đoàn thể. Trong đó, mục tiêu là thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của chị em phụ nữ DTTS; mang đến cho họ những cơ hội và sinh kế bền vững để sống cuộc đời tích cực và ý nghĩa hơn.

Nhờ sự chuyên tâm, đến từng ngõ, gõ từng nhà, sẵn sàng lắng nghe, kiên trì “cầm tay chỉ việc” của các cán bộ hội phụ nữ, trở lại với các bản làng vùng cao hôm nay, thấy vui hơn khi những câu chuyện kể về người phụ nữ DTTS khốn khổ, bất hạnh, cam chịu đã giảm đi rất nhiều. Thay vào đó là những người phụ nữ kiên quyết chối bỏ những tập tục lạc hậu của dòng tộc để học lên cao, trở thành giáo viên, bác sĩ, kỹ sư; tự lựa chọn hạnh phúc cho mình chứ không chấp nhận những cuộc hôn nhân cận huyết hay tảo hôn do gia đình sắp đặt; không cam chịu cuộc sống lầm lũi, đói nghèo - tự mày mò tìm ra sinh kế hiệu quả ngay từ đồng đất, cây con quê mình.

Chính bởi có những người phụ nữ DTTS tiến bộ như thế… mà đến nay, vùng đồng bào DTTS đã xuất hiện rất nhiều chủ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất là phụ nữ. Không chỉ làm giàu cho gia đình, cộng đồng, những phụ nữ này còn mạnh dạn khai thác tiềm năng, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo được sản phẩm hàng hóa, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tiêu biểu như bà Chu Thị Xuân (dân tộc Tày) - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cao Bằng; bà Mai Thị Hợp (dân tộc Tà Ôi) - Giám đốc HTX Dệt may thổ cẩm huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; bà Hồ Thị Diên (dân tộc Co), nông dân sản xuất giỏi toàn quốc, tại xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi…

Tại các cuộc thi sắc đẹp, trò chơi trí tuệ, thể thao toàn quốc, khu vực và thế giới, nhiều phụ nữ người DTTS đã trở thành niềm tự hào của đồng bào DTTS như: Cô giáo Hà Ánh Phượng, dân tộc Mường (tỉnh Phú Thọ) - Top 10 giáo viên toàn cầu; H’hen Niê dân tộc Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk) - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017, Top 5 chung cuộc Hoa hậu Thế giới năm 2018; Hoàng Thị Duyên, dân tộc Giáy (tỉnh Lào Cai) đoạt 3 Huy chương Vàng cử tạ Thế giới và Huy chương Vàng Sea Game; Lừu Thị Duyên dân tộc Mông (tỉnh Lào Cai) đoạt tấm Huy chương Vàng đầu tiên trong lịch sử quyền anh nữ Việt Nam tại SEA Games 27…

Những kết quả mà nhiều phụ nữ DTTS đã và đang đạt được cho thấy: Sinh ra ở vùng sâu, vùng xa; đối mặt với nhiều khó khăn trở ngại… nhưng nếu dũng cảm chọn cho mình con đường riêng và kiên trì theo đuổi, những người phụ nữ DTTS hoàn toàn có thể thành công và đóng góp được nhiều điều ý nghĩa cho xã hội, cộng đồng.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tren-dat-can-nhung-bong-hoa-van-no-153005.html