Trẻ rơi từ tầng 11 chung cư: Truy trách nhiệm ai?

Theo PGS.TS Trần Chủng, việc tìm ra nguyên nhân để truy trách nhiệm không hề khó, vấn đề là có thích làm hay không.

Vụ việc một bé trai bị rơi từ tầng 11 của chung cư trên đường Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, Hà Nội xuống đất dẫn đến tử vong vào ngày 20/4 một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn cho trẻ đang sinh sống tại các căn hộ chung cư, nhà cao tầng.

Trước đó, trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do trẻ ra lan can, cửa sổ căn hộ chung cư, nhà cao tầng và bị rơi xuống đất tử vong.

Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra như tâm lý hiếu động của trẻ, ý thức người lớn chưa cao khi không đóng chặt cửa, trông giữ con không cẩn thận, nhưng cũng có nhiều người e ngại về mức độ chuẩn an toàn xây dựng các chung cư, tòa nhà cao tầng. Liệu lan can, cửa sổ được thiết kế đã đủ chiều cao an toàn, có khung bảo vệ? Hay đó có phải là công trình mới xây xong, chưa hoàn thiện, chưa nghiệm thu nhưng đã cho người dân vào ở?

Cho ý kiến vấn đề này ở góc độ kỹ thuật, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, cho hay, khi bất kỳ tai nạn xảy ra, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải ngay lập tức tổ chức giám định kỹ thuật xem chung cư, nhà cao tầng đó có tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật hay không, đặc biệt là Quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 05:2008 - tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc mà các chung cư, tòa nhà từ tầng 9 trở lên khi xây dựng phải tuân thủ.

Theo Quy chuẩn này, phần lan can ở ban công hoặc lô gia có chiều cao từ 1,4m; vật liệu xây dựng phải bảo đảm tiêu chuẩn như khoảng giữa các thanh sắt không rộng quá 10cm, kính lắp đặt phải là kính chịu lực, không làm cầu nối cho trẻ dưới 5 tuổi đu, trèo qua lan can…

Khu vực bé trai rơi từ tầng 11 của chung cư xuống. Ảnh: Tiền phong

"Các quy chuẩn thường quy định rất chi tiết từ chiều cao, cửa mở thế nào, thậm chí khe mở cũng quy định là bao nhiêu để trẻ con không chui lọt qua được... Và để làm làm thế nào trẻ không lọt được thì có các tiêu chuẩn đi kèm.

Chính vì thế, để quy lỗi thuộc về ai cần phải xem thực trạng sản phẩm ấy có đang vi phạm các quy định kỹ thuật không, ví dụ, lan can có cao đúng từ 1,4m không, cấu tạo lan can có đúng không...) Nếu làm đúng quy định kỹ thuật mà xảy ra tai nạn thì phải xem lại quy định kỹ thuật.

Ngược lại, nếu công trình không tuân thủ đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thì phài làm rõ vì sao. Chủ đầu tư có thể chuyên về quản lý, không để ý hoặc không hiểu biết nhưng phải chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, phải xem lại thiết kế có tuân thủ không, nếu không tuân thủ thì đó lỗi của thiết kế.

Trường hợp thiết kế đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn mà vẫn làm sai thì đó là lỗi tại nhà thầu thi công và đi liền với đó là lỗi của tư vấn giám sát", PGS.TS Trần Chủng chỉ rõ.

Từ những phân tích trên, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng khẳng định việc truy tìm nguyên nhân để truy lỗi của ai không hề khó. Vấn đề là người ta có thích làm hay không, có chịu trách nhiệm hay không. Trong việc truy tìm ra nguyên nhân, PGS.TS Trần Chủng đặc biệt lưu ý đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, lan can chung cư, nhà cao tầng phải có độ cao từ 1,4m trở lên, khoảng cách giữa các thanh sắt dọc của lan can không quá 10cm, không sử dụng lan can là những chấn song nằm ngang vì trẻ dễ leo trèo, rất nguy hiểm.

Các căn hộ cũng cần làm thêm khung bảo vệ cửa sổ, cao khoảng 1/2 khung cửa để trẻ không thể leo ra ngoài. Các cửa chính, cửa sổ cần phải có chốt khóa an toàn để trẻ không mở được; tuyệt đối không được kê giường, tủ, bàn ghế cạnh cửa sổ; không được để đồ ngoài ban công khiến trẻ con trèo lên cửa sổ, gây tai nạn.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/tre-roi-tu-tang-11-chung-cu-truy-trach-nhiem-ai-3378668/