Trẻ em nhập viện tăng vì các bệnh đường hô hấp

Trung bình mỗi ngày có từ 50 đến 70 trẻ em đến khám và nhập viện vì các triệu chứng liên quan đến bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, cúm A…Do cùng thời điểm với dịch sốt xuất huyết bùng phát nên nhiều phụ huynh khi có con em bị sốt, khó thở đã nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, đưa con đến viện khám. Vì thế, ở các khoa Nhi của các cơ sở y tế đều trong tình trạng quá tải.

Tại khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa Khoa Hà Nam, nhiều trẻ em dưới 1 tuổi nhập viện từ cuối tháng 11 đến nay.

Tại khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hà Nam những ngày đầu tháng 12 đông kín bệnh nhân. Cả khoa chỉ có gần 80 giường bệnh nhưng số bệnh nhân phải nằm điều trị nội trú thường ngày lên tới 120 - 130 bệnh nhân. Trên 85% số bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng, viêm tai… Gần 50% số trẻ bị viêm đường hô hấp, viêm phổi, cúm A phải nằm điều trị dài ngày trong viện.

Theo bác sỹ Trần Thị Duyên, Phó Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, gần một tháng nay, số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm, nhưng số trẻ từ 6 - 15 tuổi mắc cúm A tăng cao. Phụ huynh khi thấy con em mình bị sốt cao, ho, khó thở … đều nghĩ bị mắc sốt xuất huyết nên đưa đến viện khám, qua xét nghiệm mới phát hiện nhiều cháu bị mắc cúm A.

Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do vi rút gây nên, có nhiều trong dịch tiết nước bọt, nước mũi. Bệnh rất dễ lây lan nếu người mắc cúm A không thực hiện các biện pháp phòng ngừa như không đeo khẩu trang, khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện làm bắn các giọt bắn vào miệng, mũi của người đối diện. Điều đó lý giải cho việc vì sao trẻ em ở lứa tuổi đến trường lại bị mắc cúm A nhiều hơn do các cháu đã tiếp xúc với các bạn bị mắc cúm.

Bệnh nhi Nguyễn Đức Bảo An, 8 tuổi, địa chỉ thường trú ở phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý vào viện sau khi có các triệu chứng sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi… Gia đình cháu cho biết họ đã nghĩ cháu bị sốt xuất huyết bởi dịch vẫn còn phát triển trong cộng đồng. Vào đây, cháu An được xét nghiệm Covid-19 và cúm A để xác định bệnh.

Bác sỹ Lại Bình Sơn kiểm tra các loại thuốc mẹ của bé Nguyễn Ngọc Bảo An đã sử dụng trước đó.

Một bệnh nhi 24 tháng tuổi là Nguyễn Ngọc Bảo An, xã Trung Lương, huyện Bình Lục được đưa đến viện chiều 9/12 sau khi có các triệu chứng sốt, nôn chớ, quấy khóc cả tuần. Gia đình đã mua thuốc điều trị theo chỉ định của một bác sỹ ở địa phương. Tại đây, cháu bé được bác sỹ Lại Bình Sơn khám, làm các xét nghiệm nhanh và chẩn đoán bị viêm tai giữa.

Theo bác sỹ Lại Bình Sơn, trong điều kiện thời tiết lạnh, hanh khô, các bé rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, vi rút từ ngoài môi trường vào. Khi các cháu hít phải vi khuẩn, vi rút sẽ làm viêm đường hô hấp trên trước, rồi viêm mũi, viêm họng, sau đó làm bít tắc vòi Eustachian (vòi nhĩ), khiến cho chất lỏng tích tụ trong tai giữa gây nhiễm trùng.

Ở trẻ em, các vòi nhĩ chưa phát triển nên thường rất hẹp, nằm ngang hơn khiến cho việc thoát nước khó khăn dẫn đến dễ bị nhiễm trùng tai giữa. Yêu cầu đối với người lớn khi chăm sóc trẻ phải thực hiện vệ sinh mũi hàng ngày cho bé bằng cách xịt nước muối và hút mũi. Nếu mũi đỡ viêm thì tai sẽ khỏi nhanh khi kết hợp điều trị bằng kháng sinh.

Dặn dò phụ huynh, bác sỹ Lại Bình Sơn cho biết: trẻ bị viêm tai giữa sau khi có những biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi trước đó từ 3-4 ngày. Vì thế, với những người có con nhỏ khi thời tiết thay đổi, cần chú ý đến những triệu chứng này để có biện pháp điều trị kịp thời.

Bệnh nhi được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết tại bệnh viện.

Để ngăn ngừa lây nhiễm các loại bệnh cho các bé, bệnh viện đã chủ động phân phòng, khu điều trị riêng cho từng loại bệnh. Tuy nhiên, số giường bệnh hiện nay trong khoa Nhi Tổng hợp còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu người bệnh nên có nhiều phòng vẫn phải thực hiện nằm ghép.

Bác sỹ Trần Thị Duyên, Phó Trưởng khoa Nhi Tổng hợp cho rằng: “Khó khăn nhất với chúng tôi lúc này chính là điều kiện phòng ốc không có đủ cho bệnh nhân, có những phòng phải ghép bệnh nhi vì số lượng trẻ nhập viện quá tải. Hầu hết các trường hợp vào viện kéo theo trung bình từ 1 đến 2 người thân vào chăm sóc, bệnh viện càng trở nên đông đúc hơn”.

Điều các y bác sỹ khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hà Nam vẫn lo lắng lúc này chính là việc nhiều phụ huynh còn hạn chế trong chăm sóc cho trẻ, tự điều trị cho con tại nhà mà không có chỉ định của bác sỹ. Khi thấy con có những triệu chứng ho, sốt, khó thở… không ít người đã tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về nhà điều trị. Chỉ sau nhiều ngày dùng thuốc không giảm triệu chứng, phụ huynh mới đưa con đến viện. Khi đó, tình trạng bệnh của trẻ đã có những diễn biến phức tạp hơn.

Bác sỹ Trần Thị Duyên kể: “Có phụ huynh cầm đơn thuốc cũ của con lần trước đi viện được bác sỹ kê cho, giờ mang ra hiệu thuốc mua về dùng. Thời điểm đơn thuốc được kê cách xa bây giờ, cân nặng của đứa trẻ khi đó và hiện tại đã cách nhau hàng chục cân. Chỉ tính về liều lượng thôi cũng đã không đảm bảo, chưa nói đến việc con có bị bệnh giống với lần trước hay không. Tất nhiên, khi dùng thuốc xong, các cháu đều không thuyên giảm bệnh, thậm chí còn nặng hơn nên bố mẹ mới cho vào viện”.

Các bé bị bệnh liên quan đến đường hô hấp được nhân viên y tế chăm sóc và điều trị.

Năm nay, diễn biến thời tiết có những thay đổi khác so với mọi năm, dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng và các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp ở trẻ gia tăng. Chưa bao giờ, trong mùa hè, số trẻ em bị viêm phổi thùy lại tăng cao đột biến như năm nay. Còn trong những ngày đông không lạnh như mọi năm, số trẻ bị sốt xuất huyết và cúm A, viêm phổi cũng tăng hơn rất nhiều. Có nhiều cơ sở giáo dục số trẻ em bị cúm A lên tới vài chục học sinh mỗi ngày.

Khuyến cáo của các y bác sỹ đối với phụ huynh, người phụ trách chăm sóc trẻ, cần bảo đảm cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế tiếp xúc nơi có bệnh nhân bị cúm A. Với trẻ dưới 3 tuổi, quan tâm đến vệ sinh tai, mũi, họng hàng ngày, tránh tiếp xúc trong môi trường dịch bệnh.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/y-te/tre-em-nhap-vien-tang-vi-cac-benh-duong-ho-hap-109946.html