Trào lưu vẽ cờ Tổ quốc: Trong sâu thẳm mỗi một bạn trẻ luôn là sự tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước

Phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Trần Văn Lệ - Trưởng khoa Truyền thông, Trường Đại học Đại Nam về trào lưu vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà, bức tường, cánh cửa... gần đây.

Thưa tiến sĩ Trần Văn Lệ, dưới góc nhìn của một chuyên gia, giảng viên về truyền thông, ông nghĩ sao về trào lưu các bạn trẻ vẽ cờ Tổ quốc trên các mái nhà, bức tường, cánh cửa ... được “viral” mạnh trên mạng xã hội trong những ngày gần đây?

Tiến sĩ Trần Văn Lệ: Trào lưu vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà, bức tường, cánh cửa, trên các phương tiện giao thông... những ngày gần đây nhanh chóng trở thành một “trend” được nhiều người hưởng ứng và lan tỏa trên các nền tảng mạng xã hội. Những hình ảnh, video mang sắc đỏ của lá Quốc kỳ đang phủ sóng rộng khắp trên các hội nhóm, trang cá nhân... Đây là một trào lưu thực sự có ý nghĩa - mang tới những thông điệp cụ thể: thể hiện sự tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước. Ở mỗi một thời điểm người dân thể hiện tinh thần tự hào và yêu nước có thể khác nhau nhưng về bản chất là đồng nhất. Tôi hi vọng trào lưu này không dừng lại ở việc tạo nên nội dung cho mạng xã hội mà còn trở thành trào lưu văn hóa đẹp để chia sẻ và khơi gợi tinh thần tự hào qua lá cờ Tổ quốc.

Tiến sĩ Trần Văn Lệ - Trưởng khoa Truyền thông, Trường Đại học Đại Nam.

Tiến sĩ Trần Văn Lệ - Trưởng khoa Truyền thông, Trường Đại học Đại Nam.

Cách đây không lâu, trước sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều bạn trẻ là “hot” TikToker đã cho ra những sản phẩm khiến hàng triệu người xem xúc động và nhận được sự ủng hộ lớn của nhiều tầng lớp trong xã hội. Ông nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?

Tiến sĩ Trần Văn Lệ: Mạng xã hội hiện nay là một trong những điều không thể thiếu của giới trẻ. Đó là một phần trong cuộc sống của họ: nơi tiếp nhận thông tin, nơi để học tập, giải trí và cũng là nơi thể hiện tình cảm... Sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại sự mất mát, tiếc thương vô hạn của cả dân tộc Việt Nam. Trong những ngày đau buồn đó, mỗi người dân có những việc làm, hành động khác nhau để bày tỏ sự tiếc thương: các bác grab đưa đón miễn phí, các hộ dân phát nước cho đoàn người xếp hàng người tới viếng, tiễn đưa cố Tổng Bí thư... Còn các bạn trẻ bày tỏ sự tiếc thương, tưởng nhớ với Nhà lãnh đạo một đời vì nước, vì dân bằng những sản phẩm truyền thông với nội dung xúc động. Từ khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, trên các nền tảng mạng xã hội ngập tràn những lời tiếc thương xúc động, những câu chuyện, vần thơ về Tổng Bí thư được các bạn trẻ sẻ chia hay đơn giản là thay ảnh đại diện để tưởng nhớ, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo kiên trung, hết lòng vì nước, vì dân.

Các sản phẩm của các “hot” TikToker thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn cũng như nỗi buồn và sự tiếc thương tới cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người trẻ hiện nay vẫn đang ngày đêm học tập, làm việc, phát triển theo xu hướng hội nhập quốc tế và vẫn luôn một lòng hướng tới quê hương, đất nước. Việc người trẻ tạo nội dung xúc động, theo tôi đó là sự thể hiện sự kính trọng, lòng thành kính tri ân của giới trẻ đến cố Tổng Bí thư. Chúng ta mong muốn rằng với sự biết ơn, trân trọng với những công lao to lớn của cố Tổng Bí thư đã đóng góp cho Tổ quốc, những sản phẩm của các “hot” TikToker sẽ lan tỏa, định hướng thế hệ trẻ nhận thức rõ con đường và hướng đi đúng đắn, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Đã có thời điểm các bạn trẻ bị một số ý kiến đánh giá là “xa rời chính trị”. Là người gắn bó với nhiều thế hệ sinh viên, ông thấy việc sinh viên của mình bây giờ quan tâm đến các vấn đề chính trị của đất nước như thế nào?

Tiến sĩ Trần Văn Lệ: Cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về cái gọi là thời điểm mà một số ý kiến trên đưa ra. Về bản chất tôi hoàn toàn tin tưởng rằng thế hệ trẻ luôn có sự quan tâm tới các vấn đề chính trị của đất nước. Tất nhiên, theo lứa tuổi thế hệ trẻ có thể có những mối quan tâm khác. Nhưng trong sâu thẳm mỗi một bạn trẻ luôn là sự tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Và vì thế không có lý do gì có đánh giá là “xa rời chính trị”. Minh chứng cụ thể ở các trào lưu mà chúng ta đã đề cập tới. Có lẽ vấn đề ở đây là làm cách nào để tuyên truyền đến với giới trẻ những vấn đề chính trị một cách gần gũi và phù hợp với họ.

Theo tiến sĩ Trần Văn Lệ, mọi việc lớn đều bắt đầu từ thành công của những việc nhỏ.

Theo tiến sĩ Trần Văn Lệ, mọi việc lớn đều bắt đầu từ thành công của những việc nhỏ.

Theo ông, người trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên, cần thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc như thế nào để hiệu quả hơn trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng?

Tiến sĩ Trần Văn Lệ: Mọi việc lớn đều bắt đầu từ thành công của những việc nhỏ. Bởi vậy để thể hiện lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc không có cách nào khác thế hệ trẻ trước hết phải bắt đầu từ những việc nhỏ, cụ thể: sinh viên cần ra sức học tập, cập nhật những xu hướng hội nhập của thế giới, làm việc, cống hiến cho quê hương, đất nước đúng với chuyên môn thế mạnh của mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Ảnh: NVCC)

Tú Chân (Thực hiện)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/trao-luu-ve-co-to-quoc-trong-sau-tham-moi-mot-ban-tre-luon-la-su-tu-hao-dan-toc-tinh-yeu-que-huong-dat-nuoc-post1667603.tpo