Tranh chấp biên giới Ấn - Trung: Cuộc chạy đua đường sắt
Ngày 25.6, tuyến tàu cao tốc chở khách từ thủ phủ Lhasa đến thành phố Nyingchi chính thức đi vào hoạt động.
Đây là tàu cao tốc chạy điện đầu tiên tại Tây Tạng, có thể di chuyển với vận tốc 160 km/giờ giúp hành trình 435km chỉ còn khoảng 3 tiếng rưỡi đồng hồ. TP.Nyingchi cách biên giới Trung - Ấn chỉ khoảng 16km.
Tuyến cao tốc mới đi vào hoạt động trong bối cảnh Trung - Ấn ráo riết chạy đua xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực gần biên giới vốn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ đụng độ. Giáo sư Trương Lực thuộc Viện Nghiên cứu Nam Á (Đại học Tứ Xuyên) đánh giá: “Giao thông phía nam Tây Tạng trước đây không thuận tiện, nên tuyến cao tốc mới có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ với sự phát triển của Tây Tạng mà còn tác động sâu rộng đến tình hình biên giới”.
Theo Giáo sư Trương, sự bổ sung trên đem lại đảm bảo về an ninh và giúp Trung Quốc duy trì lợi thế chiến lược trên thực địa.
Một tuyết tàu cao tốc hoạt động tại Tây Tạng - Ảnh: Tân Hoa Xã
Cao tốc Lhasa - Nyingchi chỉ là một phần nhỏ trong dự án kết nối Tây Tạng với tỉnh Tứ Xuyên lân cận. Toàn dự án nối Lhasa với Thành Đô sau khi hoàn thành sẽ là tuyến đường sắt thứ 2 đi vào Tây Tạng (tuyến đầu tiên đi từ Thanh Hải mở năm 2006).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố dự án Tây Tạng - Tứ Xuyên đóng vai trò quan trọng trong công tác giữ ổn định biên giới. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng mô tả đây là nỗ lực triển khai chiến lược lớn.
Nhà bình luận Tống Trung Bình (Hồng Kông) cho biết bên cạnh lợi ích kinh tế, dự án Tây Tạng - Tứ Xuyên cùng mạng lưới giao thông khắp Tây Tạng chắc chắc còn góp phần phát triển hạ tầng quân sự tại địa phương.
Học giả Long Hưng Xuân thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ (Đại học Sư phạm Tây Hoa) khẳng định toàn tuyến từ Tứ Xuyên thông suốt đến Nyingchi có thể được dùng để đưa binh sĩ cùng khí tài đến biên giới.
Ấn Độ cũng không chịu thua kém. Sau lần xảy ra đụng độ ở khu vực tranh chấp Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn thiệt mạng, cường quốc Nam Á này đẩy mạnh kế hoạch xây 73 tuyến đường dọc đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC).