Tranh cãi việc cứu người gặp TNGT 'làm phúc phải tội'

Ai cũng sẽ sợ 'làm ơn mắc oán', 'làm phúc phải tội' khi cứu giúp người gặp nạn nhưng hãy để lương tâm của mình quyết định.

Pháp luật là nghiêm minh và công bằng, không ai có thể vu khống, muốn đổi trắng thay đen.

Nỗi sợ "làm ơn mắc oán"

Đã từng có rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra mà ở đó, nạn nhân đã không được cứu sống kịp thời do sự vô cảm, thờ ơ của những người xung quanh khi không hề có bất cứ hành động sơ, cấp cứu hoặc chuyển gấp nạn nhân tới bệnh viện. Nhiều cái chết thương tâm khi người tai nạn không được sơ cứu kịp thời trở thành những nỗi ám ảnh.

Anh Nguyễn Hải Sơn thời điểm điều trị tại bệnh viện sau khi cứu giúp người bị nạn TNGT.

Tuy nhiên, trên thực tế, để có thể làm người tốt, sơ cứu, giúp đỡ trong các vụ TNGT không phải chuyện dễ. Còn nhớ, ngày 11/2/2017 tại phố Trẹm (xã Trạm Lộ, Thuận Thành, Bắc Ninh), anh Nguyễn Hải Sơn bị đâm sau khi đưa nạn nhân vụ TNGT đi cấp cứu. Vụ việc khiến anh Sơn bị đâm thủng phổi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, điều đáng nói hơn, nạn nhân vụ tai nạn giao thông không có lời cảm ơn hay xin lỗi sau khi vụ việc xảy ra.

“Trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ đến cứu người và anh cũng cho rằng đó là hành động bình thường, nhiều người khác khi gặp tai nạn cũng sẽ trợ giúp người bị nạn như anh”, anh Sơn từng chia sẻ với báo chí về việc anh ra tay cứu người nhưng lại bị “làm ơn mắc oan”.

Gần đây nhất, câu chuyện tài xế Ngô Văn Chính ở Quảng Ninh bị gia đình người phụ nữ gặp tai nạn mà anh Chính đã cứu giúp đã đâm đơn kiện về việc tài xế này chính là… người đã gây ra tai nạn.

Đến thời điểm này, thông tin từ cơ quan công an cho thấy, nội dung tố cáo người gây ra tai nạn như đơn của gia đình người phụ nữ nọ là không chính xác. Tài xế gây tai nạn là một người trú tại tỉnh Lạng Sơn chứ không phải anh Chính.

Từ vụ việc này, dư luận có nhiều ý kiến lên án hành vi của gia đình người đã được cứu giúp, thậm chí có nhiều người còn cho rằng “từ nay thấy người gặp nạn sẽ không dám cứu giúp” vì sợ làm ơn mắc oán, “làm phúc phải tội”.

Tất cả những vụ việc trên không phải là duy nhất về việc “làm ơn mắc oán”, trên thực tế, chỉ vì giúp người bị nạn, nhiều người đã rước bực, rước họa vào mình. Và không chỉ riêng với những va chạm giao thông, ngay ở cuộc sống thường ngày, những hành động nghĩa hiệp cũng vô tình bị “giết chết”. Từ việc bắt cướp, hò reo móc túi… nhiều người vì muốn giúp người nhưng cuối cùng đều “gặp nạn” mà không có một lời cám ơn.

Pháp luật là thượng tôn

Trong khi nhiều Luật, Nghị định đã quy định rõ xử phạt với hành vi không giúp người bị nạn thì nhiều người cho rằng, họ chấp nhận phạt còn hơn giúp đỡ người khác. Hành động trên không hoàn toàn xuất phát từ sự vô cảm của con người mà nó sinh ra từ chính những sự lo ngại “bắt vạ”, “làm phúc phải tội” mà dư luận nhiều lần chứng kiến.

Chính từ thực trạng đó, khiến nhiều người đắn đo tự đặt ra câu hỏi “có phải quá khó để làm một người tốt giữa xã hội này”, “chẳng lẽ thấy người bị nạn cứ thờ ơ bỏ đi”… Bao nhiêu cái chết thương tâm, những câu chuyện nhói lòng vẫn ám ảnh những lòng tốt “mập mờ” giữa việc nên hay không nên giúp đỡ.

Gia đình tài xế Ngô Văn Chính làm việc với Công an huyện Vân Đồn về những vấn đề liên quan.

Luật sư Nguyễn Tuấn Anh, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, vẫn có nhiều cách vừa giúp đỡ người, vừa có thể bảo vệ mình: “Với những tình huống trên, trước tiên mọi người cần gọi cấp cứu và công an, khi thấy vụ tai nạn trên đường chúng ta nên gọi cấp cứu 115, khi gọi cần cung cấp thông tin về địa điểm, tình hình của nạn nhân. Đồng thời chúng ta nên gọi cho cơ quan công an thông báo tình hình và địa điểm sự việc và để được cơ quan chức năng cử cán bộ trợ giúp, bảo vệ. Trong lúc chờ đợi cơ quan y tế và cơ quan công an đến, chúng ta nên xem xét các nguy cơ có thể xảy ra như cháy, nổ để có thể kịp thời xử lý.

Cùng với đó, nên tiến hành giúp đỡ nạn nhân, nếu không phải là bác sĩ, sinh viên y khoa thì tuyệt đối không được tự ý sơ cứu nạn nhân. Nhiều trường hợp sơ cứu không đúng cách đã khiến cho tình trạng nạn nhân nguy cấp hơn. Tốt nhất, hãy để nạn nhân nằm yên cho đến khi xe cứu thương đến. Sau khi cơ quan chức năng đến, chúng ta có thể phối hợp với cơ quan chức năng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Để làm việc tốt trong xã hội đồng thời có thể bảo vệ mình trước nguy hiểm như tình huống nói trên thì chúng ta cần phối hợp với cơ quan chức năng giúp đỡ cho người bị nạn và bảo vệ mình.

Với trường hợp “bắt vạ” không mong muốn, cơ quan chức năng sẽ có nhiệm vụ điều tra sự việc để phân định đúng sai. “Đầu tiên là sẽ dựa trên lời khai người bị nạn, nếu người bị nạn không khai đúng sự việc thì cơ quan điều tra sẽ dựa trên các tình tiết có tại hiện trường. Nếu như cả 2 yếu tố trên đều bị gây bất lợi, người bị vu oan nên đưa ra những tình tiết khách quan chứng minh và phản bác lại, từ dấu vết trên phương tiện giao thông, người làm chứng… Và có thể khẳng định, những người làm đúng sẽ không bao giờ bị oan”, luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.

Từ câu chuyện được minh oan của tài xế Ngô Văn Chính ở Quảng Ninh sau khi cơ quan chức năng vào điều tra cũng đã cho thấy pháp luật là nghiêm minh và công bằng, không ai có thể vu khống, muốn đổi trắng thay đen thế nào cũng được. Bởi thế, chúng ta không nên vì sự việc này mà có suy nghĩ “thấy người gặp nạn sẽ không dám cứu giúp nữa”.

Thiên Tuấn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/tranh-cai-viec-cuu-nguoi-gap-tngt-lam-phuc-phai-toi-1725888.html