Trận lụt dị thường ở miền Trung: Đêm định mệnh của làng Eo
Nước lũ đổ về xé toang cả dải đất và cuốn phăng một ngôi làng với 64 căn nhà ra biển, 16 người mãi mãi ra đi
Một ngày cuối tháng 10, làng Rồng nằm sát con đường Hồ Văn Đỗ ở tổ dân phố An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đông người tản bộ tập thể dục. Đây là nơi cư dân từng sinh sống ở làng Eo, cạnh đập Hòa Duân, tổ dân phố Hải Thành, thị trấn Thuận An được đưa đi tái định cư sau khi cơn lũ năm 1999 cuốn trôi 64 căn nhà.
Ký ức kinh hoàng
Cứ vào dịp này, ông Trần Văn Thu (53 tuổi) lại từ TP HCM về quê làm mâm cơm tưởng nhớ 12 người thân chết trong cơn lũ đó. Căn nhà nhỏ nằm sâu trong làng Rồng hôm ấy đông đủ bà con nội ngoại, xóm giềng đến thắp nén hương tưởng nhớ những người đã khuất. Bên mâm cơm, những bộ áo giấy được xếp gọn gàng trong một túi ni-lông, bên trong gia chủ bỏ kèm miếng giấy ghi danh "người nhận". Trên bàn thờ là di ảnh của 12 người bao gồm ông bà, cha mẹ, anh em, chị dâu, cùng người vợ và 3 đứa con của ông Thu. Cắm từng nén hương trước di ảnh mỗi người, tay chắp phía trước, mắt ông Thu nhắm nghiền nhưng không thể nào ngăn được hai hàng nước mắt.
Dù đã 20 năm nhưng ông Thu không thể nào quên cái đêm định mệnh ấy. Từ 17 giờ ngày 2-11-1999 (nhằm ngày 25-9 năm Kỷ Mão), nước lũ tràn về, ông đưa vợ con vào nhà cha mẹ ruột tá túc. "Căn nhà cha mẹ tôi cao 2 tầng vừa mới xây dựng nên khi lũ về, gia đình tôi với một người hàng xóm đến tránh lụt" - ông Thu kể.
Sau đó, ông Thu quay lại nhà mình cất dọn đồ đạc. Trong chốc lát, nước lên quá cao. 21 giờ, ông liều mình bơi qua nhà cha mẹ nhưng bị nước đẩy ra hướng biển. Trong lúc nguy cấp, ông nắm lấy được sợi dây điện để lần từng đoạn vào bờ trong tình trạng áo quần bị sóng đánh tan, kiệt sức, máu chảy đầm đìa ở bàn chân trái vì bị tôn cắt. "Tôi vật lộn chừng 1 giờ mới vào được gần sát bờ. Khi đó, chiếc thuyền của ông Dĩnh cùng làng đang chở hơn 20 người vào bờ thì bị chết máy nên tôi leo lên và ngất lịm. Tôi tỉnh lại khi được người dân đưa vào đồn biên phòng cạnh đó cấp cứu" - ông Thu nhớ lại.
Chừng 23 giờ, khi ông vừa hồi tỉnh thì nghe tiếng nổ ầm ầm. Bụng ông như thắt từng khúc ruột, tim đập dồn dập vì biết rằng âm thanh ấy là do lở đất, nhà đổ xuống nước. Ông nghe tiếng la hét, kêu cứu của ba mẹ, của vợ con và anh chị em mình. Ông muốn ngồi dậy, thoát ra khỏi phòng y tế để chạy thật nhanh về nhà nhưng sức lực đã cạn kiệt rồi.
Sáng hôm sau, khi sức khỏe đã khá lên, ông tự về nhà. Vừa ra khỏi cổng đồn biên phòng, trước mắt ông là một cửa biển Hòa Duân rộng hơn 600 m, sâu 8-10 m, nước chảy xiết, chia cách Thuận An với Phú Thuận. Vị trí cửa biển đó trước đây là nơi ở của 64 hộ dân với hàng trăm người, chỗ đó có đại gia đình ông nhưng nay đã không còn nữa. "Thi thể 12 người trong gia đình tôi cùng 2 người hàng xóm bị cuốn trôi ra tới huyện Quảng Điền và Phong Điền. Họ được cư dân địa phương tìm thấy và chôn rải rác khắp nơi. Hơn 1 tháng sau, tôi mới tìm thấy họ. Tôi suy sụp gần cả năm trời mới bắt đầu lấy lại được tinh thần" - ông Thu hồi ức.
Các anh mãi mãi ra đi
Ông Nguyễn Dĩnh, người lái thuyền chở 20 người làng Eo chạy thoát trước khi vỡ cửa Hòa Duân, nói rằng đó là cơn lũ kinh hoàng nhất mà đời ông chứng kiến. Nước về càng lúc càng mạnh, chảy xiết và nhà có hiện tượng nghiêng lún, cát dưới chân bị xói lở nên người dân bắt đầu di tản. Ông dùng ghe chở bà con hết mấy lượt vào nơi an toàn, đến chuyến cuối cùng chở 20 người thì máy bị hỏng nhưng may mắn kịp khắc phục.
Nhà ông Nguyễn Văn Hải (54 tuổi, một cư dân làng Rồng) nằm bên trong phá Tam Giang, sát cầu cảng của Hải đội 2 - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế (đóng ở thị trấn Thuận An, cách làng Eo chưa đầy 1 km). Khi nước lũ đổ về càng lúc càng mạnh, cả gia đình ông Hải gồm cha mẹ già, vợ chồng ông và đứa con 2 tuổi phải sống chung với lũ. Nước lên chừng nào, ông dùng giường, ghế chất cao chừng đó để mọi người đứng lên.
Con nước bất ngờ tạo ra hai khe chảy xiết, biến nhà ông với 5 nhà khác nằm chơi vơi giữa đôi dòng. Rồi những căn nhà rung lắc, đổ sập vào nhau, người dân la ó, kêu cứu. Một số người bắc thang từ nhà vượt bờ kênh để vào làng lánh nạn nhưng gia đình ông Hải cùng nhiều người không thể chạy kịp. Những cây dừa, hàng phi lao tươi tốt trong phút chốc mất hút. Và đêm hôm ấy, nếu người dân làng Eo không tự cứu nhau và không có sự ứng cứu kịp thời của lực lượng bộ đội biên phòng ở gần đó thì chắc chắn số lượng người chết do cửa biển mở ra càng nhiều hơn.
Cũng như người dân làng Rồng, hằng năm, cán bộ - chiến sĩ Hải đội 2 lại làm mâm cơm giỗ đại úy Phạm Văn Điền và trung sĩ Lê Đình Tư. Vào đêm làng Eo bị nước biển cuốn trôi, đại úy Điền và trung sĩ Tư cùng tất cả cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 đã lên 2 tàu vượt lũ ứng cứu dân. Sau khi cứu được 16 hộ dân, do nước lũ càng lúc càng chảy mạnh, phương tiện lại nhỏ, công suất yếu nên 2 tàu này bị cuốn trôi và đánh chìm, 2 anh đã hy sinh. Trong đêm kinh hoàng ấy, Hải đội 2 đã dùng mọi phương tiện sẵn có như thuyền nhỏ, dây, phao bè... vượt qua thác lũ đến từng hộ dân khi nhiều nhà đã bị cuốn trôi và cứu được 36 người đưa về khu vực an toàn.
Ra đi để nhiều người được sống
Ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 1996-2004, nói rằng cửa Hòa Duân được mở ra đã làm cho nước lụt ở thượng nguồn rút khá nhanh và rất nhiều người được cứu. "14 người dân làng Eo ra đi để cho rất nhiều người khác được sống. Khi cửa chưa mở, có rất nhiều người dân ở thượng nguồn trong tình trạng nguy cấp, nước đã ngang mũi, họ mong nước rút từng cm. Trong khi mưa vẫn to, nước thượng nguồn vẫn đổ về và nếu như cửa Hòa Duân không vỡ thì không biết chuyện gì xảy ra" - ông nhấn mạnh.
Kỳ tới: Cuộc giải cứu nghẹt thở ở trụ sở ủy ban
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dem-dinh-menh-cua-lang-eo-20191111205700879.htm