Trần Chí Hùng - nhà báo Việt, hành trình gần 40 năm cùng đất nước Campuchia Thơ mây

u năm 1980, một số nhà báo trẻ, chủ yếu là sinh viên vừa tốt nghiệp của khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội đầu quân vào Ban CK của Thông tấn xã Việt Nam làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và Phnôm Pênh.

Đất nước Campuchia Thơ mây (Campuchia mới) vừa hồi sinh sau họa diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt, nhiều mặt còn ngổn ngang, truyền thông cũng đang chập chững những bước đi ban đầu. Riêng Thông tấn xã Campuchia SPK rất cần sự giúp đỡ của Thông Tấn xã Việt Nam (VNA). Đại đa số cán bộ, phóng viên sang làm chuyên gia hay thường trú tại cơ quan Thường trú cũng chỉ theo nhiệm kỳ, một, hai nhiệm kỳ. Riêng nhà báo Trần Chí Hùng ở lại gần 40 năm, có thể nói cách nói khác là cả cuộc đời công tác anh giành cả cho đất nước Campuchia mới này...

Nhà báo Trần Chí Hùng trong một dịp tác nghiệp.

Chí Hùng là dân văn chương lại được sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền núi Hà Tĩnh, nghèo, vất vả nhưng phóng khoáng, trọng học thuật, khoa bảng. Những địa danh Ngàn Phố, Ngàn Sâu hay chương trình học của chuyên văn Hà Tĩnh cùng với tình yêu quê hương đã bồi đắp tâm hồn nhạy cảm, thích xê dịch, ưa khám phá của Hùng và anh luôn sẵn sàng nhập cuộc. Cầm hồ sơ mang nộp tại cơ quan TTXVN số 5 phố Lý Thường Kiệt đầu năm 1980 với nhiệm vụ giúp SPK và thông tin báo chí về đất nước mới hồi sinh này, Trần Chí Hùng hết sức phấn chấn... Lên chuyến tầu thống nhất đi TP. Hồ Chí Minh ngày 2 - 5/5/1980, Hùng chuẩn bị hành trang kỹ nhất đoàn, có cả bánh mì sấy khô (Bít cốp) chống đói, nhỡ bữa, rõ ràng tâm thế cho một chuyến đi xa, rất xa...

Nói cho đúng, sự nghiệp báo chí của Trần Chí Hùng bắt đầu từ sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo cũng như các cơ quan chuyên môn của VNA những năm đó. Tổng giám đốc Đào Tùng cho thành lập hẳn một ban CK chủ yếu giúp cho Campuchia, lại cử Phó Tổng giám đốc Đỗ Phượng đặc trách lĩnh vực. Tại cơ quan đại diện ở TP. Hồ Chí Minh, từ Phó Tổng Giám đốc Năm Xuân đến Trưởng Ban tổ chức Lý Văn Tích cũng quan tâm tạo mọi điều kiện để nhóm K hoàn thành tốt nhiệm vụ. Muốn tuyên tốt phải biết tiếng Khơ Me, am hiểu phong tục, tập quán và văn hóa nước bạn, lãnh đạo cho mời hẳn một cô giáo có trình độ, tên là Tuây Sooc Yêng truyền đạt, lại cử một cán bộ hoạt động lâu năm bên nước bạn có tên Sáu Cang trợ giảng...

Chữ Khơ Me là tượng hình, còn ngôn ngữ cũng hết sức phong phú. Cùng một sự việc nhưng câu hỏi hay trả lời với giới tăng ni khác, giới quý tộc khác và bình dân khác. Giỏi tiếng Anh lại am hiểu ngọn ngành tiếng Khơ Me, nhà báo Trần Chí Hùng gặp nhiều thuận lợi trong hoạt động nghề nghiệp, được các cơ quan, kể cả Hoàng gia và nhân dân giúp đỡ tận tình, chu đáo. Ngược lại, trong hơn 30 năm công tác tại Campuchia, anh như người chép sử cho các bạn. Chí Hùng viết khỏe, viết nhiều, từ quân vương đến bách tính; từ những nỗ lực của chính quyền trong xây dựng thể chế đất nước mới cho đến cuộc sống hằng ngày của nhân dân đất nước Chùa tháp anh em. Phân xã Phnôm Pênh do anh nhiều năm đứng đầu đã góp phần quan trọng trong xây dựng quan hệ giữa hai đất nước...

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Bé trao đổi với các hội viên tại Phân xã TTXVN tại Phnôm Pênh.

Đồng môn Trần Chí Hùng cứ mải miết đi, khám phá với những đam mê bất tận về đất nước Ăng Kor. Chúng tôi thì làm báo trong nước. Nhiều năm tháng chỉ biết Chí Hùng qua những phóng sự dài kỳ, nóng bỏng đăng trên các báo trong nước và các bản tin thông tấn với những lời bình luận sắc nét, chính kiến rõ ràng...

Năm 2007, chúng tôi đi làm phim tài liệu về sự giúp đỡ của nhân dân Campuchia với bộ đội Việt Nam trong những năm đánh Mỹ, Trần Chí Hùng giúp đỡ tận tình. Anh lo thủ tục cho đoàn tác nghiệp chu đáo, anh và đồng nghiệp lại trực tiếp lái xe đưa đoàn, từ Xiêm Riệp đến Cam Pốt. Các thành viên đoàn làm phim: Đỗ Xuân Hòa,Thúy Hằng, Minh Hằng.. .của Báo Thái Nguyên cứ nức nở về một Trưởng Cơ quan đại diện tận tình, chu đáo với đồng nghiêp. Sau này chúng tôi cũng được biết các nhà báo của ta sang Campuchia đến với anh Hùng đều được giúp đỡ chân tình đồng nghiệp như vậy.

Tầm này năm ngoái tôi nhận được tin nhắn từ Chí Hùng mời sang vì "Cánh chim không mỏi sắp hạ cánh". Tôi, nhà báo Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Thanh Hải - Phó Văn phòng phía Nam của Hội đi xe đò sang Pnôm Pênh thăm các hội viên của mình. Thì ra, tuy xa Tổ quốc nhưng mọi hoạt động của Hội Nhà báo đều được Liên Chi hội nhà báo TTXVN triển khai kỹ lưỡng đến hội viên. Anh Hùng chia sẻ nhiều về hoạt động báo chí trên đất bạn, những khó khăn khi làm báo ngoài nước cần có sự chia sẻ, động viên của tổ chức Hội.

Một đời làm báo oanh liệt và thành công. Không chỉ ở các Huân chương do Hoàng gia và các cơ quan bạn trao tặng, những cuốn sách, bài báo đã viết mà nhà báo Trần Chí Hùng cùng nhiều nhà báo, hội viên công tác nước ngoài còn góp phần vào hòa bình, tự do và hữu nghị.

Phía sau thành công đó là bóng dáng một người phụ nữ- Hồ Yến vợ anh, người rời Hà Tĩnh theo và giúp anh ngót 40 năm qua.

Phan Hữu Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tran-chi-hung--nha-bao-viet-hanh-trinh-gan-40-nam-cung-dat-nuoc-campuchia-tho-may-post67633.html