Trấn áp tội phạm 'tín dụng đen' trên địa bàn thủ đô

Những năm gần đây, các ổ nhóm cho vay lãi nặng hoạt động và diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hệ lụy của dịch bệnh COVID-19 và hoạt động tín dụng của các ngân hàng ngày càng siết chặt trên địa bàn TP Hà Nội càng khiến cho hoạt động vi phạm pháp luật này có nguy cơ bùng phát.

“Tín dụng đen” - mầm mống của tội phạm

Từ những hoạt động cho vay lãi nặng kéo theo các hành vi khủng bố tinh thần bằng các hình thức: Đòi nợ thuê, đổ chất bẩn chất thải, nhắn tin xúc phạm danh dự nhân phẩm trên mạng xã hội... và là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác như: Gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, giết người...

Chỉ tính riêng quận Hà Đông, trước thời điểm năm 2021, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động “tín dụng đen” gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Trung bình hằng năm tại địa bàn cửa ngõ Thủ đô này xảy ra gần 50 vụ đổ chất bẩn, chất thải, trong đó trên 90% bắt nguồn từ các mâu thuẫn có liên quan đến kinh doanh tài chính, các hoạt động vay nợ “tín dụng đen”, “rải” họ, cầm đồ...

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng phát biểu chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn thủ đô.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng phát biểu chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn thủ đô.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, Công an quận Hà Đông đã đánh giá đúng tính chất phức tạp tiềm ẩn liên quan đến “tín dụng đen”, từ đó xây dựng, triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều kế hoạch, chuyên đề phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật nói chung đã đạt được những kết quả tích cực, đã kiềm chế, kéo giảm 13% tội phạm về trật tự xã hội so với thời gian trước đó.

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn quận Hà Đông nói riêng, địa bàn thành phố nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, giảm về số vụ, giảm về tính chất, mức độ nghiêm trọng, hoạt động kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính, huy động vốn trái phép không còn diễn biến rầm rộ công khai như trước; các hành vi siết nợ, đòi nợ gắn với sử dụng bạo lực, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật hoặc các hành vi gây rối trật tự công cộng như đổ chất bẩn, chất thải... giảm rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn...

Nhận diện rõ tội phạm “tín dụng đen” qua từng vụ án

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông, địa bàn từng “nóng bỏng” cho biết: Qua các vụ án những năm gần đây, có thể thấy, đa phần các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” tiến hành các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính. Các đối tượng này thường ép buộc, dụ dỗ, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất hoặc thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự. Khi người vay không trả gốc và lãi đúng hẹn đối tượng cho vay sẽ cộng dồn lãi vào gốc, tính kỳ hạn mới khiến người vay chịu cảnh “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Ngoài ra, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp thành lập các công ty tài chính, công ty mua bán nợ... nhằm tránh sự chú ý của Cơ quan công an nhưng bản chất là hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng. Các hoạt động mua bán, trao đổi được “dán mác” là các giao dịch dân sự nhưng các đối tượng cho vay đã cố tình “cài” những điều khoản cho vay để ép người vay phải trả nợ nếu không sẽ phạm vào các hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Một xu hướng đang phát triển khá nhiều là các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ cao (như sử dụng các phần mềm, ứng dụng để gọi điện thoại qua Internet đòi nợ; tạo lập, sử dụng các ứng dụng app, tài khoản mạng xã hội để hoạt động phạm tội qua mạng...). Các đối tượng hoạt động bằng cách đăng ký thành lập “công ty ma”; sử dụng sim “rác”; mua, bán thông tin để lập các tài khoản, mua bán tài khoản ngân hàng để hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, điều tra truy xét.

Một ngôi nhà bị các đối tượng xịt sơn nhằm gây áp lực đòi nợ.

Một ngôi nhà bị các đối tượng xịt sơn nhằm gây áp lực đòi nợ.

Theo Trung tá Ngô Ngọc Nam, Phó Đội trưởng phụ trách Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hà Đông cho biết, thủ đoạn của các đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” giờ ngày càng tinh vi, có bộ phận thu hồi nợ, sử dụng phần mềm, điện thoại gọi điện, nhắn tin nhắc nợ, đòi nợ... với nhiều cấp độ khác nhau. Ban đầu, các đối tượng sử dụng điện thoại, phần mềm nhắn tin, gọi điện nhắc nợ. Nếu người vay chưa trả, các đối tượng sẽ tiếp tục nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới, bôi nhọ, vu khống người vay và người thân với nhiều hình thức khác nhau. Khi người vay tiếp tục không trả, các đối tượng sẽ gọi điện đến nhân thân, cơ quan có liên quan để khủng bố tinh thần với các yêu cầu như buộc thôi việc, đuổi học... gây sức ép buộc người vay hoặc những người có quan hệ với người vay phải trả nợ, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.

Điển hình như vụ án chấn động một thời gian dài với hơn 300 nạn nhân liên quan đường dây cho vay nặng lãi do Võ Văn Dũng (sinh năm 1982, trú tại 62 Tương Mai, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cầm đầu, bị Công an quận Hà Đông triệt phá Tháng 10/2021. Theo cán bộ điều tra, Dũng hoạt động và “đào tạo” đàn em thực hiện công việc rất bài bản. Hằng ngày, Dũng chỉ đạo và yêu cầu đàn em đăng bài lên các fanpage của mạng xã hội... để quảng cáo về hoạt động cho vay tiền kèm theo số điện thoại liên hệ. Khi ai có nhu cầu vay tiền, gọi điện thoại tới số đã đăng bài quảng cáo thì Dũng cho đàn em đi xác minh về con người, nơi làm việc của người muốn vay tiền và tới tận nhà người vay tiền để gặp mặt. Khi các đàn em của mình đã kiểm tra và xác thực thông tin đối với người vay tiền có thể đảm bảo “đủ điều kiện” cho vay tiền, Dũng sẽ đưa tiền cho đàn em đi giao cho khách vay và cắt lãi suất từ đầu. Cùng với đó, Dũng yêu cầu đàn em sử dụng điện thoại, ghi lại video clip và yêu cầu người vay nói tên tuổi, địa chỉ và số tiền vay, để Dũng có căn cứ chỉ đạo các đàn em đi đòi nợ cũng như sử dụng, gây sức ép với các nạn nhân...

Đối với các trường hợp khách vay tiền không trả đúng hẹn, không có khả năng trả nợ thì Dũng chỉ đạo đàn em của mình đến gia đình người vay chửi bới, đe dọa và đổ chất bẩn, chất thải hoặc xịt sơn vào nhà. Cũng chính vì các đối tượng hoạt động tinh vi, phân công rõ ràng nhiệm vụ, lại côn đồ, hung hãn nên các bị hại không dám tố cáo các hành vi của đối tượng do lo sợ sẽ bị trả thù, video ghi hình bị phát tán, bôi nhọ.

Chị Nguyễn Thị N (trú tại phường Quang Trung, quận Hà Đông) - một trong những nạn nhân vay nợ tiền của Dũng đã không ít lần có suy nghĩ dại dột nhằm “giải thoát” cho bản thân bởi sự thúc ép đòi nợ. Lãi suất “cắt cổ”, chưa trả hết nợ cũ, chị N phải tiếp tục “đáo hạn” bát họ khác, lãi chồng lãi, khi không thể trả đúng hẹn, hằng ngày gia đình chị phải gánh chịu cảnh bị các đối tượng lạ mặt “khủng bố”, tới ném chất bẩn như mắm tôm, dầu luyn, nội tạng động vật và hắt sơn vào cửa nhà.

Trong cơn bĩ cực, chị N bất đắc dĩ phải ly hôn và bỏ trốn đi nơi khác sinh sống nhưng các đối tượng vẫn không buông tha. Vào thời điểm đầu năm 2021, anh T (chồng chị N) sau khi ly hôn với vợ mình vẫn nhận được nhiều cuộc điện thoại đe dọa, chửi bới, cửa nhà và chiếc xe máy của anh liên tục bị các đối tượng đổ sơn để uy hiếp, đe dọa, nhiều hộ gia đình xung quanh cũng bị vạ lây, bị các đối tượng “ném nhầm” chất bẩn sang khiến tâm lý của người dân bất an, sợ hãi...

Đối tượng cầm đầu Vũ Văn Dũng (thứ hai từ trái qua) và các đàn em trong vụ án với hơn 300 nạn nhân.

Đối tượng cầm đầu Vũ Văn Dũng (thứ hai từ trái qua) và các đàn em trong vụ án với hơn 300 nạn nhân.

Để sót, lọt tội phạm sẽ bị xử lý...

Tại hội nghị gần đây liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn Thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, nhiều năm qua, Công an thành phố luôn có sự chủ động, quyết liệt đấu tranh tội phạm này, với một trong những chỉ đạo xuyên suốt là Kế hoạch 231.

Ngay từ giai đoạn đầu, công tác đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" đã được Công an TP Hà Nội hết sức quan tâm; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan đến "tín dụng đen" và đặc biệt, qua đấu tranh, Công an TP Hà Nội đã tham mưu, đề xuất cơ quan cấp trên những giải pháp, biện pháp khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý.

Chỉ rõ những diễn biến, phương thức mới của tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", bên cạnh đó, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng yêu cầu các đơn vị, địa bàn phải chủ động các biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc, phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả; quán triệt, triển khai nghiêm túc Kế hoạch cao điểm; báo cáo cấp ủy, chính quyền cơ sở để chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc. Theo đó, lực lượng Công an phải tổng điều tra cơ bản, rà soát kỹ, tuyệt đối không để lọt địa bàn, đối tượng; phải gọi hỏi răn đe những trường hợp có biểu hiện nghi vấn và xác lập đấu tranh chuyên án những đối tượng, đường dây tội phạm...

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, từ kế hoạch cao điểm chung của Công an thành phố, yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai sát hợp thực tiễn địa bàn, đảm bảo tất cả các đối tượng liên quan đến "tín dụng đen" phải được nhận diện, nắm bắt chặt chẽ, thường xuyên và có đối sách cụ thể. Cùng với việc nhận thức rõ giữa tội phạm truyền thống và tội phạm công nghệ cao, phải tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm minh tội phạm để tạo sự răn đe, phòng ngừa, trấn áp mạnh mẽ.

“Các đơn vị địa bàn nâng cao hơn nữa hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm; ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong phòng ngừa, đấu tranh. Phải thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế để khắc phục; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không "bảo kê", tiếp tay, bao che "tín dụng đen". Đơn vị nào để sót lọt tội phạm nói chung, "tín dụng đen" nói riêng, sẽ phải bị xử lý...” - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.

Sự khẳng định của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã cho thấy rõ sự quyết tâm của Công an Thủ đô trong việc trấn áp tội phạm “tín dụng đen” - mầm mống của các loại tội phạm; đồng thời từng bước củng cố vững chắc thế trận phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trên địa bàn Thủ đô...

Xuân Trường

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/tran-ap-toi-pham-tin-dung-den-tren-dia-ban-thu-do-i708988/