Trả lời 7 câu hỏi lớn để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới

GS.TS Phùng Hữu Phú trả lời 7 câu hỏi lớn để đưa đất nước ta bước vào 'Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' theo chủ trương của Đảng, của Tổng Bí thư Tô Lâm.

GS.TS Phùng Hữu Phú trình bày các nội dung chính tư tưởng chỉ đạo và định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” tại hội nghị do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 6-12. Ảnh: Quang Thái

GS.TS Phùng Hữu Phú trình bày các nội dung chính tư tưởng chỉ đạo và định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” tại hội nghị do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 6-12. Ảnh: Quang Thái

Sáng 6-12, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn thành phố triển khai đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Tại đây, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã nêu bật 7 định hướng lớn, 7 câu hỏi về nội dung quan trọng đưa đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Câu hỏi thứ nhất, kỷ nguyên mới là gì, nhận thức về kỷ nguyên mới ra sao?

GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết, kỷ nguyên mới là khoảng thời gian có thể dài một thế kỷ hoặc tương đối dài. Khoảng thời gian đó đánh dấu một bước phát triển nhảy vọt về chất, thay đổi về trình độ phát triển của một quốc gia, dân tộc hoặc cả nhân loại, hay một lĩnh vực.

Đặc biệt là chuẩn bị cho bước phát triển kế tiếp. Đối với đất nước ta, từ năm 1930 đến nay, từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chúng ta bước vào thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta đã trải qua 2 kỷ nguyên: Kỷ nguyên thứ nhất là kỷ nguyên độc lập, tự do (1930-1975) và sau đó là các cuộc kháng chiến chống thực dân, đến quốc xâm lược. Chúng ta từ một quốc gia bị xâm lược trở thành quốc gia có chủ quyền, độc lập.

Kỷ nguyên thứ hai là kỷ nguyên thống nhất, đổi mới và phát triển từ năm 1975 đến nay; đặc biệt là công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986 khi tạo ra những chuyển biến lịch sử đưa đất nước chúng ta từ một nước nông nghiệp, lạc hậu kém phát triển trở thành quốc gia phát triển.

Vì thế, kỷ nguyên thứ ba là tiếp tục đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới, trình độ mới; đồng thời kế thừa những kết quả từ 2 kỷ nguyên trước, phù hợp với quy luật phát triển là “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Trong kỷ nguyên thứ ba này, chúng ta tập trung vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, củng cố vững chắc và nâng cao giá trị của độc lập dân tộc. Kỷ nguyên này phù hợp với sự phát triển biện chứng của “độc lập, tự do, hạnh phúc”.

Vậy kỷ nguyên mới bắt đầu từ bao giờ? Trung ương thống nhất cao rằng, chúng ta bắt đầu từ Đại hội lần thứ XIV của Đảng, đánh dấu 40 năm đổi mới của đất nước ta. Chúng ta có đủ thời cơ, thuận lợi để bước vào kỷ nguyên mới. Trong đó, chúng ta phải kiên quyết khắc phục những yếu kém, lạc hậu để không bị tụt hậu với các quốc gia trên thế giới.

Nếu chúng ta làm chậm ngày nào có lỗi với nhân dân ngày đó. Vì thế, kỷ nguyên mới chính là quá trình đột phá kép, hay đúng hơn là đi tắt đón đầu, quyết tâm khắc phục yếu kém để đạt được những mục tiêu đề ra. Trong đó, chúng ta phải nhận đúng thời cơ, nắm bắt thời cơ để thực hiện cho hiệu quả.

Câu hỏi thứ 2, việc mở đường vào kỷ nguyên mới bằng con đường nào?

GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết, công việc có tính chất mở đầu là thay đổi căn bản về tư duy, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng, tạo quyết tâm lớn trong triển khai thực hiện.

Nhìn vào lịch sử phát triển của Đảng ta trong gần 95 năm qua cũng như mỗi chặng đường lịch sử cho thấy, từng giai đoạn có mỗi nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là đỉnh cao của cách mạng giải phóng dân tộc. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, chúng ta nhận thức rõ hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta.

Bước vào kỷ nguyên thứ ba này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, nhận thức khoa học về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, quan hệ sản xuất ra sao, cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng ra sao. Trong đó, Cuộc cách mạng 4.0 khiến chúng ta không thể không đổi mới. Đặc biệt là đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đúng nguyên lý của Đảng, đó là kiên định với lý tưởng độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Vì thế, việc đổi mới mạnh mẽ về tư duy rất quan trọng để toàn Đảng, hệ thống chính trị thống nhất rằng, đã đến lúc chúng ta phải đi vào kỷ nguyên mới. Trên cơ sở đó, phải xác định quyết tâm triệu người như một để tiến vào kỷ nguyên mới. Vậy mở đường vào kỷ nguyên mới là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm của toàn dân tộc.

Câu hỏi thứ 3, để đi vào kỷ nguyên mới, chúng ta phải giải quyết những điểm nghẽn gì đang cản trở?

GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết, chúng ta còn nhiều rào cản, trở lực lớn. Trong đó có 2 trở lực gồm thể chế (hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách) và thiết chế (hệ thống tổ chức bộ máy). Chúng ta đang bị "ngáng chân", "cản trở" bởi hệ thống thể chế và hệ thống thiết chế. Vì thế, chúng ta phải tập trung tháo gỡ 2 điểm nghẽn này. Trong đó, phải đổi mới căn bản hệ thống thể chế, từ công tác lập pháp, hành pháp đến việc áp dụng vào thực tiễn.

Đặc biệt là sự chồng chéo trong các luật liên quan đến cuộc sống của người dân. Chúng ta phải tập trung rà soát, xóa bỏ những cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển của đất nước. Từ đó, chúng ta xây dựng hệ thống luật pháp thông thoáng hơn, qua đó khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Thứ hai là điểm nghẽn về thiết chế khi nhiều năm qua chúng ta đổi mới nhiều nhưng tổ chức bộ máy chưa theo kịp, chưa tương thích với đổi mới kinh tế, với chuyển biến xã hội. Vì thế, tổ chức bộ máy của chúng ta vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo, chia cắt, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Vì thế, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh phải tổ chức cuộc cách mạng.

Trong đó phải thay đổi về nhận thức và thực hiện triệt để, quyết liệt và đồng bộ. Đặc biệt phải có nhận thức đúng về chủ trương này; rà soát xem có đầu mối nào trùng lặp theo nguyên tắc “một tổ chức làm nhiều việc, một việc chỉ một đầu mối phụ trách”. Nếu bộ máy chồng chéo, cồng kềnh sẽ triệt tiêu đầu mối, tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc. Vì thế, chúng ta phải tập trung cao độ để tổ chức cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy; làm cách mạng không tránh khỏi hy sinh, phải “hy sinh tiểu cục vì đại cục”.

Câu hỏi thứ 4, đi vào kỷ nguyên mới chúng ta lấy gì làm đòn bẩy để tạo ra bước phát triển đột phá?

GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết, nhìn vào tổng thể, so với thế giới chúng ta còn nhiều thứ lạc hậu. Trong đó, nhiều chỉ số chúng ta mới chỉ xếp vào mức trung bình, thậm chí trung bình thấp so với thế giới. Nếu chúng ta muốn vươn mình, tiến lên hùng cường thì dựa vào đòn bẩy nào đây?

Điều chúng ta phải nắm bằng được, phải làm bằng được là cuộc cách mạng chuyển đổi số - tạo ra cơ hội chưa từng có. Quốc gia nào, tổ chức nào nắm được chuyển đổi số có thể tạo ra bước phát triển nhảy vọt chưa từng thấy. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như chuyến tàu tốc hành, ai kịp mua vé thì sẽ có chuyến đi xa và rất nhanh, ai bỏ lỡ thì sẽ mãi mãi đi theo phía sau.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp các quốc gia chậm phát triển có thể tiến đi xa hơn, thông qua việc xây dựng chuyển đổi số, Chính phủ số, công dân số. Vì thế, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là đòn bẩy để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, và chúng ta phải chuẩn bị hạ tầng số, công nghệ số, nhân lực số. Đặc biệt là những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh.

Câu hỏi thứ 5, bước vào kỷ nguyên mới chúng ta dựa vào sức mạnh nào để phát triển?

GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, chúng ta có nhiều sức mạnh, song phải phát huy tối ưu các nguồn lực và các động lực. Cụ thể, so với nhiều quốc gia trong khu vực thì nguồn lực của nước ta rất lớn về tài nguyên (đất đai, rừng, biển, văn hóa…) và nguồn lực vô hình về cơ hội, địa chính trị, địa kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chúng ta chưa tận dụng tốt nguồn lực này do cơ chế, bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả... Vì thế, nhiều nguồn lực quốc gia bị thất thoát, lãng phí và sử dụng không hiệu quả.

Để bước vào kỷ nguyên mới thì chúng ta phải khai thác tốt nhất, tối ưu nhất nguồn lực cả hữu hình và vô hình, trong nước lẫn ngoài nước. Trong đó, vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí cần đặt trọng tâm ưu tiên và trở thành quốc sách hàng đầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng, ý thức tự giác của mỗi người dân.

Bên cạnh nguồn lực, thì động lực rất quan trọng, được tạo ra từ lợi ích. Vì thế, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của con người Việt Nam cần cù, sáng tạo, yêu nước. Động lực này chỉ có được trên cơ sở củng cố, bồi đắp niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây là sức mạnh vô địch để chúng ta không có gì là không thể làm được.

Câu hỏi thứ 6, làm thế nào để chúng ta tiến kịp, tiến cùng thời đại và từng bước sánh vai cùng các cường quốc năm châu?

GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, đây cũng là tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, kỷ nguyên mới này là hiện thực hóa tâm nguyện của Bác mong muốn đất nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới. Để làm được điều đó, chúng ta phải phát huy được sức mạnh mềm của Việt Nam. Cụ thể là hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chính sách đối ngoại...

Câu hỏi thứ 7, nhân tố quyết định sự thành công của kiến tạo kỷ nguyên mới là gì?

GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thành công. Trong kỷ nguyên mới này đòi hỏi trách nhiệm lịch sử của Đảng nặng nề hơn và vẻ vang hơn. Chưa bao giờ công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng đặt ra yêu cầu cấp thiết như hiện nay. Đảng phải là người cầm lái vĩ đại đưa đất nước ta đến bến bờ hạnh phúc, nên Đảng ta phải “thật sự là đạo đức, văn minh”.

Trong kỷ nguyên mới này, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải quyết liệt và thường xuyên hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, Đảng phải trở thành tiêu biểu cho trí tuệ, cho đạo đức, cho lương tâm của dân tộc và nhân loại. Đặc biệt là phát huy sự sáng tạo của các cơ sở Đảng cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi đảng viên; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm.

Trên tinh thần đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, phải đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của kỷ nguyên mới, đó là nghĩ được, nói được, làm được và dám chịu trách nhiệm.

Đình Hiệp ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tra-loi-7-cau-hoi-lon-de-dua-dat-nuoc-ta-buoc-vao-ky-nguyen-moi-686771.html