Trả hồ sơ vụ Alibaba, cơ quan công tố tiếp tục điều tra những gì?
Việc phát sinh thêm 34 người tố cáo Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm lừa đảo, theo các luật sư, cơ quan tố tụng phải xác định những người tố cáo này có đúng là bị hại không? Họ bị chiếm đoạt bao nhiêu tiền?
Sau 3 lần trả hồ sơ, cuối tháng 7 vừa qua, TAND TP.HCM đã lên lịch xét xử Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Alibaba) cùng các đồng phạm (trong đó có vợ và em trai Luyện) về hai tội “rửa tiền” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, vào ngày 12/8.
Do số lượng bị hại quá đông, lên tới 4.316 người, Tòa đã lên kế hoạch dựng rạp ở ngoài sân tòa cho các bị hại ngồi.
Trước khi phiên xét xử diễn ra, TAND TP.HCM đã ra thông báo gửi tới các bị hại được biết quyền, nghĩa vụ của mình liên quan vụ án và đề nghị gửi ý kiến bằng văn bản đến tòa án.
Ngay khi tòa ra thông báo đã có 34 cá nhân tới Tòa trình báo là bị hại trong vụ án nhưng chưa được cơ quan điều tra mời lên làm việc, cũng như chưa có trong danh sách bị hại.
Trước tình huống phát sinh này, một lần nữa TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp, đề nghị bổ sung danh sách những bị hại này và số tiền chiếm đoạt của từng bị hại; xác định số lượng bị hại và thiệt hại của vụ án.
Đồng thời, Tòa cũng đề nghị VKS xác định lại các vấn đề sau: Kết luận điều tra có sự trùng lặp bị hại không? Có bỏ sót bị hại không? Một số bị hại không xác định cụ thể là bị hại của dự án nào? Ngoài ra, cũng cần làm rõ tư cách tố tụng của các trường hợp nhiều cá nhân đứng tên trên cùng một hợp đồng chuyên nhượng quyền sử dụng đất.
Vậy, khi tòa trả hồ sơ cho VKS thì quy trình tố tụng tiếp theo sẽ như thế nào?
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, thông thường mỗi một vụ án, khi Tòa trả hồ sơ cho VKS, VKS xem xét thấy cần điều tra làm rõ thì VKS ra Quyết định trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành điều tra làm rõ.
Sau đó CQĐT có kết luận bổ sung rồi chuyển hồ sơ sang VKS đề nghị truy tố. Tiếp đó, khi nhận lại hồ sơ nếu thấy các vấn đề chưa được làm rõ thì VKS có thể tự trả lại để yêu cầu điều tra, còn xét thấy đã làm rõ thì hoặc ban hành cáo trạng mới hoặc giữ nguyên cáo trạng cũ và truy tố lại ra tòa.
“Tương tự, đối với vụ án Nguyễn Thái Luyện Alibaba, việc có thêm các bị hại tố cáo thì việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Việc điều tra bổ sung nhằm đánh giá hết hậu quả và mức độ thiệt hại, qua đó mới có một phán xử đúng mức độ, hành vi phạm tội của các bị can”, luật sư Trần Đình Dũng cho hay.
Cũng đồng quan điểm, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc điều tra bổ sung sẽ tiến hành điều tra xem có đúng 34 người tố cáo này là bị hại không? Họ bị lừa như thế nào và bị Nguyễn Thái Luyện chiếm đoạt bao nhiêu tiền?
Theo truy tố, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm người đại diện pháp luật.
Sau đó, các công ty này mua một số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh thành như: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... rồi san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng trái phép, vẽ ra các dự án ma, quảng bá hoành tráng là dự án khu dân cư đẳng cấp để bán cho khách hàng.
Alibaba còn hứa hẹn hấp dẫn với khách hàng như: thanh toán linh hoạt, mua lại thửa đất với giá cao, trả lãi cao dựa trên số tiền khách hàng đóng hoặc thuê lại...
Tháng 9/2019, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phối hợp cùng Bộ Công an triệt phá tập đoàn lừa đảo Alibaba.