TPHCM mở rộng hoạt động chăm lo tết

Trong bối cảnh tình hình kinh tế đang phục hồi nhưng vẫn còn nhiều thách thức, ảnh hưởng đến đời sống người dân, công nhân lao động, năm nay TPHCM dành hơn 908 tỷ đồng từ ngân sách (tăng hơn 47 tỷ đồng so với năm 2024) để chăm lo Tết Ất Tỵ năm 2025, với phương châm 'Tết đến với mọi người, mọi nhà, không để ai bị bỏ lại phía sau'. Ông Lê Văn Thinh (ảnh), Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, thông tin như vậy khi trao đổi với PV Báo SGGP.

- Phóng viên: Năm nay TPHCM dành hơn 908 tỷ đồng từ ngân sách để chăm lo Tết Ất Tỵ năm 2025, số tiền tăng thêm này sẽ chăm lo cho những trường hợp nào, thưa ông?

- Ông LÊ VĂN THINH: Trong tiến trình xây dựng và phát triển TPHCM, lãnh đạo thành phố luôn trân quý những công lao, đóng góp của các thế hệ đi trước, cũng như những người đang lao động, cống hiến cho sự phát triển của thành phố.

Vì vậy, hàng năm, mỗi khi xuân về tết đến, thành phố đều mong muốn được chăm lo tốt nhất cho người dân, nhất là người có công, các bậc lão thành cách mạng và chăm lo người lao động, người nghèo khó. Tết Ất Tỵ năm 2025, TPHCM tổ chức lễ viếng các nghĩa trang liệt sĩ, tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ. Đồng thời, tổ chức họp mặt cán bộ lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ trí thức, gia đình chính sách tiêu biểu; đi thăm, chúc tết và tặng quà cán bộ lão thành cách mạng, các cơ sở cách mạng.

Thành phố cũng tổ chức 43 đoàn do lãnh đạo thành phố làm trưởng đoàn đi thăm, tặng quà các đơn vị và cá nhân tiêu biểu. Trong đó, thăm 271 đơn vị trực trong các ngày tết; thăm 168 gia đình tiêu biểu tại các quận, huyện và TP Thủ Đức; tặng quà tết cho diện chính sách có công, người dân nghèo, người hưởng trợ cấp xã hội, người cao tuổi và trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn…

Tổng kinh phí dự kiến tổ chức các hoạt động và chăm lo Tết Ất Tỵ năm 2025 từ nguồn ngân sách thành phố là hơn 908 tỷ đồng, tăng hơn 47 tỷ đồng so với Tết Giáp Thìn năm 2024. Phần kinh phí tăng thêm dự kiến để chăm lo cho người có công, cán bộ hưu trí, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi và tăng số lượng khu phố, ấp do các quận, huyện tổ chức sắp xếp lại.

- Ngoài kinh phí từ ngân sách, thành phố phát huy các hội, đoàn thể như thế nào để cùng chung tay chăm lo tết cho người nghèo, công nhân lao động?

- Trước tiên, chúng tôi nhấn mạnh, nguồn lực xã hội góp phần rất quan trọng trong công tác chăm lo tết cho những hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động trên địa bàn thành phố. Với phương châm “Tết đến với mọi người, mọi nhà, không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm nay, các hội, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục vận động, chăm lo tết cho người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động.

 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tặng quà người dân huyện Củ Chi dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: NGÔ BÌNH

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tặng quà người dân huyện Củ Chi dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: NGÔ BÌNH

Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM dự kiến chăm lo, hỗ trợ trên 17.000 hộ cận nghèo, với mức hỗ trợ dự kiến 1 triệu đồng/hộ từ nguồn kinh phí Quỹ “Vì người nghèo” thành phố. Các cấp công đoàn cũng có nhiều chương trình chăm lo tết cho người lao động, với tổng kinh phí vận động dự kiến trên 550 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở LĐTB-XH TPHCM tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TPHCM và các địa phương đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, kết hợp với tổ chức trao tặng phương tiện sinh kế để hộ nghèo, hộ cận nghèo đưa vào sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, chuẩn bị cho các hoạt động phục vụ tết, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

- Bên cạnh sự chăm lo của chính quyền, đoàn thể, Sở LĐTB-XH TPHCM có biện pháp gì để các doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi cho người lao động?

- Nhằm nắm bắt tình hình trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025, từ tháng 11, Sở LĐTB-XH đã có kế hoạch tăng cường giám sát tình hình trả lương, trả thưởng và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động TPHCM, ban, ngành, địa phương để kiến nghị doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, trả thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động, thời gian nghỉ tết trên cơ sở các thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế của doanh nghiệp và thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động biết; đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch như đã thỏa thuận.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM:

Đa dạng hoạt động chăm lo tết

Công tác chăm lo Tết Nguyên đán năm 2025 đã được tổ chức công đoàn thành phố triển khai đến các cấp công đoàn. Trong đó, chúng tôi mở rộng số lượng người được chăm lo và tăng kinh phí, chất lượng từng chương trình. Không chỉ chăm lo công nhân lao động khó khăn, chúng tôi còn hướng đến nhóm lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gương lao động tiêu biểu, đoàn viên nghiệp đoàn phi chính thức. Mức chăm lo cũng tăng từ 1,8 đến 2 lần so với năm trước, như chương trình “Tết sum vầy” tăng từ 1 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/phần quà; chương trình phiên chợ nghĩa tình hỗ trợ 1 triệu đồng/phiếu mua hàng (năm trước là 500.000 đồng).

Các hoạt động chăm lo đều hướng về tổ chức tại cơ sở để người lao động dễ dàng tiếp cận, tham gia như các chương trình. Với người về quê, chúng tôi có chương trình tấm vé nghĩa tình hỗ trợ hàng chục ngàn người lao động; hay chuyến tàu mùa xuân đưa 500 gia đình công nhân về quê đón tết, cùng hàng trăm vé máy bay tặng công nhân tiêu biểu. Ngoài ra, 10.000 gia đình công nhân sẽ được trải nghiệm vui chơi, thưởng thức ẩm thực tại Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, trải nghiệm công trình Metro Bến Thành - Suối Tiên. Với đoàn viên các nghiệp đoàn khó khăn, ngoài các phần quà chăm lo, chúng tôi cũng kêu gọi nguồn kinh phí để tổ chức chuyến xe đưa 100 hộ gia đình người lao động khu vực phi chính thức về quê đón tết.

Sở LĐTB-XH cũng tổ chức 2 đoàn khảo sát trực tiếp tại 20 doanh nghiệp, ưu tiên chọn các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng tết; các doanh nghiệp cắt giảm lao động, doanh nghiệp có nguy cơ nợ lương, nợ thưởng, nợ bảo hiểm xã hội hoặc đã xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công trong năm 2024. Đồng thời khảo sát, thông qua phiếu khảo sát, để nắm bắt khái quát tình hình trả lương năm 2024 và kế hoạch thưởng Tết Ất Tỵ năm 2025...

- Qua giám sát, ông đánh giá như thế nào về công tác chăm lo tết cho người lao động của doanh nghiệp?

- Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội trong nước cũng như tại TPHCM diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt nhiều thách thức từ căng thẳng địa chính trị, lạm phát kéo dài và bất ổn thương mại. Điều này ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, tiền lương, thu nhập của người lao động và đặt ra thách thức đối với doanh nghiệp phải tìm mọi cách để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đến nay, theo đánh giá của chúng tôi, phần lớn doanh nghiệp luôn có kế hoạch và chính sách lương, thưởng tết; đồng thời, doanh nghiệp phối hợp với các tổ chức đoàn thể và chính quyền, địa phương có các hoạt động hỗ trợ người lao động như tặng các phần quà tết, hỗ trợ xe đưa rước người lao động về quê ăn tết và quay trở lại làm việc sau tết…

Một số nội dung chăm lo Tết Nguyên đán năm 2025 so với năm 2024

- Diện chính sách có công: 325.448 suất, kinh phí hơn 423,7 tỷ đồng; tăng 15.420 đối tượng, tăng hơn 20 tỷ đồng.

- Diện người nghèo: 8.575 suất, kinh phí hơn 10,7 tỷ đồng; giảm 12.413 hộ nghèo, giảm khoảng 15,5 tỷ đồng.

- Diện bảo trợ xã hội: 148.215 suất, kinh phí hơn 170,4 tỷ đồng; tăng 9.174 đối tượng, tăng hơn 10,5 tỷ đồng.

- Diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng: 4.931 suất, kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng; tăng 2.343 người, tăng gần 2,7 tỷ đồng.

- Diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thật sự khó khăn: 7.542 suất, kinh phí hơn 8,6 tỷ đồng; tăng 568 trẻ, tăng hơn 653 triệu đồng.

- Quà cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác trong khu vực hành chính, sự nghiệp: 130.952 suất; kinh phí hơn 235,7 tỷ đồng; tăng 5.483 người, tăng hơn 9,8 tỷ đồng.

- Tặng quà 4.829 khu phố, ấp, kinh phí hơn 24,1 tỷ đồng; tăng 2.827 khu phố, ấp, tăng hơn 14,1 tỷ đồng.

NGÔ BÌNH - THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-mo-rong-hoat-dong-cham-lo-tet-post773408.html