TPHCM: 'Giữ lửa' phong trào, khí thế thi đua trong hệ thống Hội phụ nữ
Sau sáp nhập, TPHCM có quy mô dân số lớn nhất cả nước, với trên 14 triệu người, trong đó có 2,1 triệu hội viên phụ nữ. Xây dựng kế hoạch hoạt động, thiết kế phong trào theo đặc thù riêng luôn được các cấp Hội LHPN quan tâm.

Bà Võ Ngọc Thanh Trúc, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM
Trong những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ theo mô hình mới, bà Võ Ngọc Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - đã có những chia sẻ cùng Báo Phụ nữ Việt Nam một số nội dung được hội viên, phụ nữ TPHCM và cả nước quan tâm.

Bà Võ Ngọc Thanh Trúc (thứ tư, từ phải sang), nhận quyết định giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, ngày 2/7/2025
Phải thích ứng nhanh, vận hành hiệu quả theo điều kiện mới
PV: Là người đứng đầu tổ chức Hội LHPN của thành phố có số dân đông nhất cả nước, theo bà thách thức lớn nhất là gì?
Bà Võ Ngọc Thanh Trúc: Với tôi, thách thức lớn nhất trong giai đoạn đầu sau sáp nhập chính là làm sao để vừa bao quát được toàn diện hoạt động Hội trên một địa bàn rộng lớn, dân số đông, vừa giữ được nhịp độ ổn định, hiệu quả và sức lan tỏa của những cách làm, mô hình hay từ thực tiễn của công tác Hội, phong trào phụ nữ 3 tỉnh, thành: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh trước đây.
Sau sáp nhập, địa bàn hoạt động của Hội mở rộng hơn, quy mô dân số lớn, số lượng hội viên cũng lớn, từ đô thị hiện đại đến vùng nông thôn, khu công nghiệp... Mỗi nơi có đặc thù riêng về điều kiện sống, nhu cầu và nguyện vọng của phụ nữ. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là tổ chức Hội phải thích ứng nhanh, vận hành hiệu quả mà không tạo ra khoảng trống trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Điều này đòi hỏi chúng tôi phải tổ chức lại bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đảm bảo không gián đoạn các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, nhất là các nhóm yếu thế, lao động di cư, phụ nữ nhập cư...
Bên cạnh đó, thách thức còn nằm ở việc làm sao để giữ được lửa phong trào, khí thế thi đua trong hệ thống Hội các cấp, tạo sự đoàn kết, đồng thuận và phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ Hội - những người đang cùng tôi chèo lái con thuyền Hội trong giai đoạn có nhiều thay đổi về mô hình tổ chức và cách thức vận hành.
Tôi xem đây không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để Hội đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt hơn, sâu sát hơn với thực tiễn, từ đó khẳng định rõ nét vai trò, vị thế của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị và trong lòng người dân Thành phố.
PV: Để biến thách thức thành cơ hội, khẳng định rõ nét vai trò, vị thế của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị và trong lòng người dân Thành phố, giải pháp là gì, thưa bà?
Bà Võ Ngọc Thanh Trúc: Để biến thách thức thành cơ hội, tôi xác định phải đi từ con người và hệ thống. Trước hết, tôi tập trung vào việc củng cố đội ngũ cán bộ Hội, tổ chức rà soát, phân công, bồi dưỡng và khơi dậy tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo của từng cán bộ. Tôi tin rằng khi con người vững vàng thì hệ thống sẽ vận hành thông suốt.
Song song đó, chúng tôi đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động Hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, giám sát và kết nối hội viên, nhất là ở các địa bàn xa trung tâm, để đảm bảo mọi chủ trương, phong trào, hoạt động đều được triển khai kịp thời và đồng bộ.
Bên cạnh đó, chủ trương xây dựng các mô hình điểm, giải pháp linh hoạt theo từng nhóm đối tượng phụ nữ, theo từng khu vực, đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, khu công nhân, nhà trọ... để triển khai công tác Hội vừa có trọng tâm, vừa phù hợp thực tiễn là cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Quan trọng hơn hết, đó là chú trọng vào việc tạo cơ chế phối hợp tốt với các tổ chức thành viên của Mặt trận, phát huy sức mạnh liên kết để không chỉ riêng tổ chức Hội mà cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chăm lo, bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ, trẻ em; qua đó, để chúng tôi tiếp tục giữ được lửa phong trào, giữ được khí thế thi đua sôi nổi vốn là "đặc sản" của phụ nữ TPHCM và hướng đến tạo đột phá về chất lượng hoạt động, tăng tính lan tỏa, chiều sâu và phù hợp với nhu cầu thực tế của hội viên.

Lãnh đạo TPHCM trao quyết định nhân sự lãnh đạo Hội LHPN TPHCM, ngày 2/7/2025
Tập trung 5 nhiệm vụ hàng đầu
PV: Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ nào được ưu tiên trong những ngày đầu làm việc trong không gian của TPHCM mới, thưa bà?
Bà Võ Ngọc Thanh Trúc:Trên cương vị là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM trong giai đoạn đầu sau sáp nhập, với địa bàn hoạt động rộng lớn và quy mô dân số hơn 14 triệu người, trong đó có trên 2,1 triệu hội viên phụ nữ, tôi xác định có 5 nhóm nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung triển khai ngay để giữ vững tổ chức, tạo sự chuyển động đồng bộ và hiệu quả cho cả hệ thống Hội. Đó là:
1. Ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự Hội sau sáp nhập
Tôi chỉ đạo rà soát toàn diện mô hình tổ chức, nhân sự, đảm bảo việc sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn nhưng không làm gián đoạn công tác Hội. Chúng tôi chú trọng lắng nghe tâm tư cán bộ Hội cơ sở, tạo sự đồng thuận cao, giữ tinh thần trách nhiệm, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ Hội các cấp, nhất là ở những địa bàn mới sáp nhập.
2. Tăng cường kết nối, nắm bắt tình hình phụ nữ toàn địa bàn TPHCM mới
Với đặc điểm địa bàn mở rộng, tôi xác định phải đi thực tế, kết nối nhanh với các khu vực vùng ven, nông thôn mới, khu lao động di cư... Đây là nền tảng để chúng tôi không bỏ sót nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, nhất là nhóm yếu thế; từ đó xây dựng kế hoạch hành động sát thực tiễn, có tính bao trùm, công bằng trong tiếp cận chính sách.
3. Giữ vững nhịp độ và khí thế phong trào phụ nữ Thành phố
Hoạt động Hội và phong trào phụ nữ 3 tỉnh thành: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh trước đây luôn là nơi xuất phát với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Vì thế tôi đặc biệt quan tâm chỉ đạo các cấp Hội duy trì đều các hoạt động truyền thống, đồng thời khuyến khích sáng kiến mới phù hợp với bối cảnh địa phương sau sáp nhập. Trọng tâm là các hoạt động chăm lo an sinh, phụ nữ khởi nghiệp, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, ứng dụng công nghệ trong kết nối hội viên...
4. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong điều hành và truyền thông Hội
Với quy mô dân cư lớn, địa bàn rộng, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc; vì vậy sắp tới, Hội sẽ kết nối tài nguyên số để hoàn thiện hệ thống quản lý dữ liệu hội viên, tăng cường truyền thông số, triển khai các nền tảng trực tuyến, giữ kết nối thông suốt từ Thành Hội đến chi Hội, từ đó nâng cao hiệu quả lãnh đạo, điều hành và tương tác với hội viên phụ nữ.
5. Gắn kết sức mạnh liên ngành và cộng đồng
Là một thành viên, là tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, tôi xác định Hội sẽ phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong chăm lo phụ nữ, trẻ em, nhưng đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên khác, doanh nghiệp, mạnh thường quân và các cấp chính quyền để huy động nguồn lực xã hội trong chăm lo.

Ngày 10/7/2025, khi tin vụ tai nạn tại phường Long Phước làm 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Phương Thảo và cháu N.T.T.N (gần 4 tháng tuổi) tử vong, riêng đứa con lớn là bé Trần Nguyễn Thanh Trúc (8 tuổi) bị thương nặng, cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bà Bà Võ Ngọc Thanh Trúc đã đến thăm bé Trúc và đến viếng, chia buồn cùng người thân của chị Thảo, bé N.
Giữ gìn và phát huy truyền thống là danh dự; Đổi mới và phát triển là trách nhiệm
PV: Phong trào phụ nữ của các địa phương trước đây (TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) đều là các tỉnh/thành có phong trào phụ nữ tiêu biểu, được các cấp Hội từ trung ương đến địa phương đánh giá cao, biểu dương vì những đóng góp to lớn vào sự phát triển phụ nữ cả nước, thông qua rất nhiều mô hình hay, hỗ trợ thiết thực cho hội viên, phụ nữ… Vậy Hội LHPN TPHCM (mới), có chương trình hành động gì để tiếp tục giữ vững truyền thống, phát huy thế mạnh, xứng tầm với vị thế của thành phố?
Bà Võ Ngọc Thanh Trúc: Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Tôi và tập thể Hội luôn xác định rõ: giữ gìn và phát huy truyền thống là danh dự, còn đổi mới và phát triển là trách nhiệm. Phong trào phụ nữ của TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đều là những điểm sáng trong cả nước, được Trung ương Hội và các địa phương biểu dương, đánh giá cao. Rất nhiều mô hình, sáng kiến từ đây đã lan tỏa ra các tỉnh thành khác, như: "Giải thưởng Nguyễn Thị Định", "CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc", "Tổ phụ nữ tiết kiệm", "Mẹ đỡ đầu", "Câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp", "Phụ nữ vì cộng đồng", "Phụ nữ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch",… Do đó, sau khi sáp nhập, chúng tôi tiến hành tổng rà soát các mô hình, chương trình tiêu biểu của 3 địa phương, từ đó chuẩn hóa, hệ thống hóa, nhân rộng theo địa bàn phù hợp, đảm bảo không đánh mất bản sắc của từng địa phương, đồng thời tạo ra sự hòa quyện, nâng tầm phong trào phụ nữ toàn Thành phố.
Hội LHPN TPHCM sẽ xây dựng Chương trình hành động tổng thể, với các định hướng tập trung vào: (1) Phát triển các mô hình, hoạt động hướng đến thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc" gắn với xây dựng đô thị văn minh; (2) Thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh doanh nhỏ, nhất là trong nhóm phụ nữ nhập cư, phụ nữ nông thôn; (3) Tăng cường chăm lo an sinh, giáo dục, sức khỏe phụ nữ và trẻ em thông qua liên kết nguồn lực xã hội; (4) Và quan trọng nhất là đổi mới phương thức hoạt động, chuyển đổi số toàn diện, tạo dựng hình ảnh người cán bộ Hội hiện đại, gần dân, năng động.
Đảm nhận trọng trách kết nối, tổ chức, dẫn dắt các hoạt động chăm lo phụ nữ, trẻ em một cách hệ thống
PV:Là tổ chức trực thuộcMTTQ Việt Nam TPHCM, Hội LHPN TPHCM sẽ phát huy vai trò của mình ra sao để tạo thành sức mạnh tổng thể dưới mái nhà chung của MTTQ, thưa bà?
Bà Võ Ngọc Thanh Trúc:Là tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố xác định rất rõ vị trí, vai trò của mình trong ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, và xem đây là một cơ hội lớn để lan tỏa sâu rộng hơn nữa giá trị của phong trào phụ nữ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Trước hết, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng: khi trực thuộc Mặt trận, Hội không chỉ đại diện cho giới nữ mà còn đảm nhận trọng trách kết nối, tổ chức, dẫn dắt các hoạt động chăm lo phụ nữ, trẻ em một cách hệ thống, mang tính phối hợp và tính liên ngành hơn. Do đó, trong thời gian tới, tôi ưu tiên triển khai các định hướng sau:
1. Phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong các hoạt động an sinh, chăm lo phụ nữ, trẻ em. Hội sẽ tiếp tục là lực lượng chủ lực trong các chương trình hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thông qua các hoạt động cụ thể của tổ chức Hội; đề xuất Mặt trận hỗ trợ, phân bổ các nguồn lực xã hội một cách hiệu quả, đảm bảo tốt cho công tác chăm lo, an sinh xã hội nhằm giúp đỡ thiết thực cho phụ nữ, nhất là ở vùng ven, khu lao động di cư với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau".
2. Tăng cường phối hợp đồng bộ với các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng trực thuộc Mặt trận để triển khai các hoạt động mang tính chất liên ngành như: xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự, tuyên truyền pháp luật, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...nhằm tạo thành sức mạnh tổng thể, lan tỏa phong trào phụ nữ trong dòng chảy chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
3. Chủ động tham mưu, đề xuất chính sách từ thực tiễn phụ nữ, trong đó, Hội sẽ đóng vai trò là "tai - mắt - tiếng nói" gần dân, sát dân trong hệ thống Mặt trận, chủ động tổng hợp ý kiến, kiến nghị của phụ nữ từ cơ sở, kịp thời phản ánh lên cấp ủy, chính quyền thông qua kênh của Mặt trận Tổ quốc; đặc biệt là tập trung vào các nhóm vấn đề thiết thực như: việc làm cho phụ nữ, bình đẳng giới, bạo lực gia đình, giáo dục truyền thống, xây dựng gia đình hạnh phúc, an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên không gian mạng...
4. Xây dựng hình ảnh Hội LHPN hiện đại trong mái nhà chung Mặt trận, phù hợp với tình hình mới, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM mới không chỉ là nơi tập hợp, dẫn dắt phong trào phụ nữ, mà còn đồng hành trách nhiệm, phát huy vai trò nòng cốt trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Tôi tin rằng, với các nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể, cùng bộ máy nhân sự của Hội LHPN TPHCM mới, hoạt động Hội và phong trào phụ nữ Thành phố sẽ tiếp tục được triển khai và tổ chức hiệu quả trong thời gian tới; góp phần làm nên diện mạo năng động của Mặt trận trong giai đoạn hội nhập và phát triển; đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, vì sự tiến bộ và hạnh phúc của phụ nữ, gia đình và cộng đồng.
PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!
Ngày 2/7/2025, tại Lễ công bố Quyết định thành lập Cơ quan Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã trao quyết định cho bà Võ Ngọc Thanh Trúc (Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy) giữ chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, cùng 65 Ủy viên BCH và 20 Ủy viên Ban thường vụ.
Ngày 3/7/2025, Ban Thường vụ Hội LHPN TPHCM tổ chức Hội nghị công bố bộ máy hoạt động Hội LHPN TPHCM. Theo đó, bà Võ Ngọc Thanh Trúc - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - phụ trách chung toàn bộ hoạt động của Hội LHPN Thành phố. 6 Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM gồm: bà Trịnh Thị Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực, bà Lê Thị Kim Thu - Thành ủy viên, bà Võ Thị Bạch Yến - Thành ủy viên, bà Huỳnh Thị Thúy Phương, bà Nguyễn Thanh Loan và bà Nguyễn Thị Ngọc Linh.