TP. Hồ Chí Minh: Loại trừ gian lận trong kinh doanh xăng dầu
Nhằm loại trừ các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 540 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, chỉ riêng mặt hàng xăng tổng sản lượng tiêu thụ bình quân đạt vào khoảng 120.000 - 135.000 m3/tháng.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã cung cấp đủ sản lượng cho hệ thống bán lẻ và không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá đối với mặt hàng này. Tình trạng gian lận về chất lượng, dung tích xăng dầu khi bán cho người tiêu dùng đã giảm, do các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ông Hà Trung Cang - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh - cho biết, xăng dầu là măt hàng trọng điểm nằm trong kế hoạch kiểm tra thường xuyên của lực lượng QLTT thành phố. Trong năm 2020. Cục QLTT đã tổ chức ba hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công chức, người lao động. Trong đó có chuyên đề về các kỹ năng liên quan đến thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, và xử lý vi phạm, một số vấn đề khi thanh tra, kiểm tra vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, Cục QLTT thành phố đã kiểm tra 156 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, phát hiện 7 cửa hàng vi phạm như làm đại lý xăng dầu vượt quá số lượng tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối; cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi mua xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối; nhân viên trực tiếp mua bán, bán hàng hóa không đảm bảo yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đã xử phạt hành chính hơn 113 triệu đồng.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, vụ án làm giả 2,7 triệu lít xăng tiếp tục nóng lên khi cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Công ty Vân Trúc trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hiện tại, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra các hành vi “buôn lậu”, “sản xuất, buôn bán hàng giả”, “mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và 37 nghi phạm đã bị bắt giữ. Trong đó, nghi phạm Phan Thanh Hữu, ngụ tại TP. Hồ Chí Minh được công an xác định là người cầm đầu đường dây làm xăng giả; Lê Thanh Trung, ngụ tại TP. Cần Thơ là người đứng đầu tổ chức mua bán hóa đơn giả trong đường dây này.
Theo công an tỉnh Đồng Nai, vụ án làm giả 2,7 triệu lít xăng đang được công an điều tra là vụ việc lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay tại khu vực miền Nam. Vụ án có nhiều đối tượng tham gia, lượng xăng giả bị thu giữ và cung cấp ra thị trường cực lớn tại nhiều địa phương, trong đó không loại trừ địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Nhằm loại trừ tận gốc vấn nạn trên, chính quyền TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan chức năng, UBND TP. Thủ Đức và UBND các quận, huyện chủ động theo dõi tình hình nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh; kiểm soát và phát hiện kịp thời đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hoạt động pha trộn xăng dầu giả, kém chất lượng và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị liên quan để siết chặt khâu cấp phép, đăng ký chất lượng, đo lường; giám sát chặt chẽ các thương nhân nhập khẩu, đại lý kinh doanh, đại lý bán lẻ. Đồng thời, giao Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh chủ trì, tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xăng dầu, phối hợp với các sở, ngành tổ chức kiểm tra trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh xăng dầu giả, xăng dầu nhập lậu, xăng dầu kém chất lượng.
Lĩnh vực nhiều nguy cơ xảy ra sai phạm trong kinh doanh xăng dầu nằm ở mảng bán lẻ. Do đó, nếu không kiểm soát tốt các cửa hàng bán lẻ thì rất dễ xảy ra tình trạng đưa xăng dầu giả, kém chất lượng vào kinh doanh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.