TP.HCM 'không đùn đẩy - không né tránh', tập trung giải ngân các dự án giao thông

UBND TP.HCM đang tập trung thúc tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án trọng điểm để giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là metro, vành đai 3, quốc lộ 50 và nút giao An Phú.

Tính đến cuối tháng 10, TP.HCM đã giải ngân hơn 24.000 tỷ đồng trên 68.000 tỷ đồng tổng kế hoạch vốn được giao. Tỷ lệ tương đương 35% kế hoạch. Tiến độ giải ngân của thành phố hiện ở mức thấp nhưng đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Bộ GTVT và TP Hà Nội.

Để cải thiện kết quả, UBND TP.HCM cho biết đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm với tinh thần "không đùn đẩy - không né tránh".

Vành đai 3 TP.HCM: Sẵn sàng san ủi mặt bằng

Đối với dự án vành đai 3, UBND TP.HCM cho biết hiện mặt bằng của dự án thành phần 1 đã bàn giao 92%. Trong đó, huyện Hóc Môn hoàn thành 100%, Củ Chi (97%), Bình Chánh (94%) và TP Thủ Đức (76%). Dự kiến, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên hoàn thành trước 31/12.

Đến nay, việc triển khai dự án thành phần 2 vẫn đáp ứng tiến độ. Toàn bộ máy móc, vật liệu xây dựng đã được tập kết, phục vụ công đoạn san ủi mặt bằng.

Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM dài hơn 47km, có tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng. Chi phí xây dựng dự án hơn 22.400 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng là hơn 11.700 tỷ đồng (sau khi cập nhật lại).

Trong đó, đoạn qua TP Thủ Đức có chiều dài gần 15km, tính từ điểm giáp với nút cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và kết thúc tại nút giao Tân Vạn. Đoạn qua huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh dài tổng cộng 32km với điểm đầu là nơi tiếp giáp cầu Bình Gởi và điểm cuối là hết cầu Thầy Thuốc.

Chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3 diễn ra hồi tháng 6/2022. Dự án có tổng chiều dài 76,34km với phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án vành đai 3 đi trên cao đoạn qua TP.HCM. Ảnh: TCIP

Dự kiến, đường Vành đai 3 TP.HCM cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Dự án được chia thành 8 dự án thành phần, bao gồm 4 dự án thành phần xây dựng và 4 dự án thành phần giải phóng mặt bằng; do UBND TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản, triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Đây là trục đường liên vùng và điểm đầu của tuyến cao tốc hướng tâm như: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; TP.HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành...

Việc khép kín vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.

Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, phương tiện vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư; tiết kiệm được thời gian hành trình, chi phí, tạo thêm hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Metro số 1: Kế hoạch chạy thử toàn tuyến gặp khó

Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hiện đạt 96%. Kế hoạch chạy thử trên toàn tuyến vào cuối năm (quý 4) gặp khó khăn - theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM. Ngoài ra, công tác thi công, xây dựng cũng không như kỳ vọng.

Nguyên nhân được nêu là: Nhà thầu Hitachi (gói thầu số 3 bao gồm mua sắm các thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) chưa thực hiện công tác bảo trì, chưa phối hợp với tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống và chưa phối hợp các bên đẩy nhanh tiến độ thi công cầu bộ hành các ga trên cao thuộc gói thầu số 2.

Theo kế hoạch, dự án Metro số 1 hoàn thành cuối năm 2023, dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Giai đoạn 2024-2028 là thời gian bảo hành dự án.

Trước đó, Thủ tướng ban hành Quyết định 65, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro số 1, lùi thời gian hoàn thành tuyến này đến cuối quý IV/2023 với cam kết của chủ đầu tư là không phát sinh chi phí.

Giếng trời hình hoa sen cao 6m của ga ngầm Bến Thành, tuyến metro số 1. Ảnh: MAUR

Metro số 1 dài 19,7km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.

Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM và là một trong 8 tuyến thuộc hệ thống metro của TP.HCM theo quy hoạch chung TP.HCM.

Mở rộng quốc lộ 50: Vướng mặt bằng

Dự án quốc lộ 50 hiện chậm tiến độ do vướng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Công trình đã khởi công 3 gói thầu gồm: xây mới đoạn song hành và cầu Bà Lớn, tổng khối lượng 24%.

Dự án có 9 gói thầu xây lắp cùng các gói thầu khác, trong đó có 4 gói thầu đã hoàn tất lựa nhà thầu, tư vấn giám sát. Dự kiến, công trình hoàn thành toàn bộ vào 31/12/2024.

Dự án mở rộng quốc lộ 50 có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, dài 6,9km, rộng 34m. Điểm đầu dự án bắt đầu từ khu dân cư Hạnh Phúc (đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh).

Từ đây sẽ có tuyến đường song hành quốc lộ 50 được xây mới kéo dài đến khu vực cầu Ông Thìn (TP.HCM giáp Long An), chia lửa với quốc lộ 50 hiện hữu.

Việc mở rộng quốc lộ 50 được kỳ vọng sớm giải quyết các vấn đề khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, áp lực giao thông và thúc đẩy kinh tế của khu vực phía Nam.

Tuyến đường còn có vai trò huyết mạch kết nối TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khi cắt ngang cao tốc Bến Lức - Long Thành và tuyến vành đai 4.

Nút giao An Phú: Gấp rút thi công

Đối với dự án nút giao thông An Phú, khu vực hầm chui trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) đang trong giai đoạn định hình hầm chui. Khu vực đường Đồng Văn Cống chuẩn bị được đổ bê tông sau lắp đặt khung thép trụ cầu lớn.

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết dự án đang được thi công gấp rút để đảm bảo đúng tiến độ.

Theo thiết kế, nút giao An Phú kết nối với trục Đồng Văn Cống đi cảng Cát Lái và nằm trong bán kính 1,5km với khu vực cảng Trường Thọ.

Công trình có thiết kế 3 tầng, là nút giao khác mức với hầm chui 2 chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm sông Sài Gòn), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Quy mô 10-12 làn xe, phần hầm 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh 2 làn xe.

Phối cảnh nút giao thông An Phú với thiết kế 3 tầng. Đồ họa: TCIP

Nút giao thông An Phú là nơi giao nhau của ba hướng giao thông quan trọng như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối về miền Đông, đường Mai Chí Thọ kết nối về miền Tây và đường ra vào cảng biển Cát Lái, Sài Gòn. Tuy nhiên, nơi đây hiện vẫn là nút giao đồng mức dạng ngã 5, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm.

Do đó, dự án triển khai cấp bách nhằm tăng cường kết nối tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của thành phố. Đồng thời, nút giao cũng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực, đảm bảo giao thông thông suốt tại khu vực cửa ngõ phía đông thành phố và khu vực cảng Cát Lái.

Tại hội nghị về Công tác giải ngân vốn đầu tư công tuần qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kỳ vọng TP phấn đấu vượt khó để đạt tỷ lệ giải ngân 95% trong năm nay. Nếu không đạt được mục tiêu này thì không được thấp hơn 80%.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cũng cho rằng để TP.HCM đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công như kế hoạch đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt cùng nhiều giải pháp đồng bộ của chính quyền và các đơn vị liên quan. Trong đó, bà Lệ đề xuất Ban Thường vụ chỉ đạo UBND TP thực hiện nhiều nội dung công việc trước mắt và lâu dài.

Riêng với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, bà Lệ đề nghị cần tập trung, nhất là đảm bảo sớm bố trí tái định cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi. Từ đó, người dân an tâm với nơi ở mới và đồng thuận chấp hành việc bàn giao mặt bằng cho dự án.

Thư Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-khong-dun-day-khong-ne-tranh-tap-trung-giai-ngan-cac-du-an-giao-thong-192231031220620485.htm