Tp.HCM: Chờ cơ chế đột phá cho 5 dự án giải tỏa nhà ven kênh rạch

Tp.HCM sẽ giải tỏa 5.800 căn nhà để cải tạo rạch Xuyên Tâm, bờ Bắc kênh Đôi, rạch Văn Thánh, kênh Hy Vọng, kênh Tẻ nhằm giúp chỉnh trang đô thị.

“Giải cứu” 5 kênh rạch

Tính đến cuối tháng 5/2024, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ chi hơn 9.600 tỷ đồng cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp), với tuyến rạch chính dài gần 6,7km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật và ba nhánh dài hơn 2,2km (nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi).

Để làm dự án, có khoảng 2.122 căn nhà ven kênh phải giải tỏa, chủ yếu ở quận Bình Thạnh khoảng 2.122 căn, quận Gò Vấp là 137 căn. Tổng chi phí bồi thường, tái định cư khoảng 6.354 tỷ đồng.

Hiện, quận Gò Vấp đang tiến hành chi trả tiền bồi thường cho người dân để bàn giao mặt bằng khởi công dự án trong tháng 8 năm nay.

Còn quận Bình Thạnh sẽ chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi từ tháng 7/2024, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư tháng 4/2025 để khởi công.

Tương tự, dự án cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Có 1.571 trường hợp bị ảnh hưởng giải tỏa với tổng diện tích thu hồi hơn 5,5 ha, chi phí bồi thường gần 3.600 tỷ đồng. UBND quận 8 đang đo đạc, kiểm đếm thực hiện bồi thường.

Bên cạnh 2 dự án đang được triển khai, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đang đề xuất triển khai thêm 3 dự án cải tạo kênh rạch khác.

Dự án cải tạo rạch Văn Thánh dài khoảng 1,5km qua quận Bình Thạnh có tổng mức đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng. Có 1.063 hộ sống ven bờ phải giải tỏa với kinh phí bồi thường hơn 4.900 tỷ đồng.

Dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) dài hơn 1,1km có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến di dời 179 căn nhà với vốn bồi thường khoảng 1.595 tỷ đồng.

Còn dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tẻ (quận 4) cần di dời 741 căn với tổng vốn bồi thường khoảng 2.089 tỷ đồng.

Chính sách bồi thường ra sao?

Tại quận 8, trong số 1.571 trường hợp giải tỏa để cải tạo bờ Bắc kênh Đôi thì có hơn 900 căn nhà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất.

UBND quận 8 đã dự thảo phương án chính sách bồi thường nhưng quy định giá trị bồi thường, hỗ trợ cho nhà đất bị ảnh hưởng rất thấp, không đủ điều kiện cho hộ dân mua lại căn hộ để tái định cư, ổn định cuộc sống. Do đó, địa phương đã xây dựng phương án chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các trường hợp nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn.

Với dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi, những căn nhà tồn tại trước 15/10/1993 sẽ được hỗ trợ 40% kinh phí so với diện tích đất ở. Nhà từ 15/10/1993 đến 1/7/2004 sẽ được hỗ trợ 30%.

Các hộ dân này sẽ được hưởng các chính sách tái định cư. Quận 8 đã đề xuất 676 quỹ nền đất và căn hộ bố tái định cư cho các hộ dân phải di dời để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, số lượng nhà lấn chiếm tồn tại sau 1/7/2004 chưa có quy định để bồi thường. UBND quận 8 đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu các quy định pháp luật để đề xuất kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân ổn định cuộc sống.

Công tác giải phóng mặt bằng dự án rạch Xuyên Tâm ở Bình Thạnh cũng gặp khó khăn. Ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, quận đã bố trí được khoảng 300 căn (258 căn hộ và 42 nền đất) cho các hộ đủ điều kiện tái định cư.

Sắp tới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng nhà ở xã hội tại khu đất số 4 Phan Chu Trinh (phường 12) diện tích hơn 12.000m2, với 850 căn để phục vụ tái định cư cho các hộ dân giải tỏa trên địa bàn quận.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, nguồn vốn ngân sách của Thành phố dành cho chương trình di dời rất hạn chế, không đủ so với nhu cầu. Phần lớn các tuyến rạch không thể thực hiện mở rộng hơn so với ranh giới chỉnh trang nên không tạo được quỹ đất có giá trị thương mại, không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Cần chính sách đột phá

Đánh giá về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng, tốc độ di dời các căn nhà trên kênh và nhà ven kênh như hiện nay là đang rất chậm. Nguyên nhân là do vấn đề về vốn và cơ chế.

“Một vấn đề khác là khó khăn vận động những người ở nhà ven trên kênh rạch di dời. Đưa họ đến đâu và đền bù cho họ diện tích như thế nào để họ có thể cảm thấy ít nhất là bằng và nếu hơn tốt hơn điều kiện họ sống trên kênh thì lúc đó người dân mới chấp nhận đi”, ông Nguyên phân tích.

Thêm nữa, rất nhiều nhà xây dựng trên kênh rạch đều không phép, do lịch sử để lại từ trước 1975 và sau năm 1975 thì những người nhập cư thu nhập thấp họ dựng nhà ven kênh ở. Nếu di dời thì tiêu chuẩn đền bù, nhà trên kênh di dời sang nhà không có kênh rạch thì quy diện tích chiếm trên mặt nước quy ra đất như thế nào là một cơ chế không giải quyết được.

Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, đã đến lúc thành phố Hồ Chí Minh cần vận dụng cơ chế linh hoạt về tài chính, ngân sách, nguồn thu trong nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đột phá phát triển thành phố Hồ Chí Minh để tập trung đầu tư cho các dự án di dời, giải tỏa nhà trên kênh và ven kênh rạch.

Theo chuyên gia đô thị, Phó giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa, bên cạnh vận dụng chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, thành phố Hồ Chí Minh cần khuyến khích nhà đầu tư tham gia việc hỗ trợ tài chính cho dự án.

“Chính quyền Thành phố nên đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án vì vốn đầu tư công rất hạn hẹp. Nên có những ưu đãi về chính sách thuế, lãi vay ngân hàng để nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng đầu tư vào dự án”, ông Hòa nói.

Nguyễn Thành Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tphcm-cho-co-che-dot-pha-cho-5-du-an-giai-toa-nha-ven-kenh-rach-a664922.html