TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi đưa cán bộ thú y về xã dập bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi tăng cường cán bộ thú y xuống cơ sở hỗ trợ công tác phòng chống bệnh này.
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện nhiều đàn lợn chết. Lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn ngừa hành vi đưa lợn nghi mắc bệnh ra ngoài tiêu thụ, thu gom lợn chết trôi nổi dưới kênh...
Tăng cường cán bộ thú y xuống cơ sở
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Đà Nẵng, từ 1-7, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 4 xã phường: Sông Kôn, Xuân Phú, Thăng Trường, Quảng Phú, khối lượng lợn tiêu hủy hàng tấn.

TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi đưa cán bộ thú y về xã chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: TN
Nguyên nhân chủ yếu do lợn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh DTLCP, người chăn nuôi chưa quan tâm đến các biện pháp an toàn sinh học, thời tiết thay đổi thất thường, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Tại phường Quảng Phú, lực lượng chức năng ghi nhận lợn chết từ ngày 10-7, sau đó xuất hiện nhiều ổ bệnh DTLCP mới. Theo thống kê, trên địa bàn có khoảng 1.700 con, hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các lực lượng căng mình chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Phú cho hay sau khi phát hiện các ca bệnh, phường tổ chức huy động các lực lượng, chuẩn bị vật tư, hóa chất, thuê nhân sự cán bộ thú y bán chuyên trách xã, phường cũ cùng tham gia.
“Những địa điểm có lợn chết, bắt buộc phải tiêu hủy theo quy định. Đồng thời phun hóa chất tiêu độc khử trùng đối với vùng dịch và các vùng đệm. Địa phương đã sẵn sàng vật tư, hóa chất triển khai phun khử trùng diện rộng”, ông Hiệu nói.

Lực lượng chức năng thu gom lợn chết tiêu hủy. Ảnh: TN
Phường Quảng Phú chưa phát hiện tình trạng người dân vứt lợn chết, lợn mắc bệnh ra ngoài.
“Chúng tôi nghiêm cấm hành vi vận chuyển, tiêu thụ heo chết, heo có dấu hiệu bệnh dịch ra ngoài thị trường. Cấm tuyệt đối hành vi vứt heo chết ra môi trường, căn cứ các quy định sẽ xử lý nghiêm những ai vi phạm”, ông Hiệu thông tin và cho biết sẽ công bố dịch, tạm dừng hoạt động giết mổ trên địa bàn.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Đà Nẵng cũng xác nhận đơn vị đang tổng lực triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, đặc biệt là các địa bàn đã phát hiện ổ có nhiều ca bệnh.
“Đơn vị phân công cán bộ xuống phối hợp cùng địa phương triển khai khoanh vùng, hỗ trợ hóa chất, phun tiêu độc khử trùng bao vây các ổ dịch và hướng dẫn tiêu hủy lợn mắc bệnh theo quy định”, ông Sơn chia sẻ.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, lãnh đạo Sở NN&MT TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các xã, phường thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên đứng điểm tăng cường trách nhiệm đến từng cơ sở giám sát.
Kiểm soát hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các xã, phường hướng dẫn người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh, sử dụng vôi bột, hóa chất khử trùng khu vực chuồng trại.
“Theo dõi, giám sát đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh DTLCP, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời khi bệnh này mới phát sinh”, lãnh đạo Sở NN&MT cho hay.

Người dân thiếu ý thức vứt heo chết ra môi trường. Ảnh: TN
Siết chặt hoạt động mua bán, giết mổ, chế biến lợn
Tại tỉnh Quảng Ngãi, ban đầu bệnh DTLCP xuất hiện tại một số hộ chăn nuôi ở xã Sơn Hạ với 34 con lợn mắc bệnh. Sau hơn 15 ngày, dịch đã lây lan ra 184 cơ sở chăn nuôi tại 15 xã, phường. Tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy gần 1.300 con, với tổng trọng lượng hơn 63.000kg.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi đang huy động lực lượng, phối hợp các địa phương xử lý tiêu hủy heo bệnh, vệ sinh tiêu độc và kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển lợn tại khu vực có các ca bệnh.
Ông Đỗ Văn Chung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đã huy động và phân công cán bộ chuyên môn về các địa phương đang có dịch để phối hợp, hướng dẫn triển khai các giải pháp tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết. Tăng cường vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường tại chuồng nuôi và các tuyến đường giao thông.

Công an tỉnh Quảng Ngãi phát hiện cơ sở thu gom heo bệnh để chuyển vào các tỉnh phía Nam. Ảnh: NY
Chi cục cũng phối hợp các địa phương cắm biển cảnh báo tại khu vực có bệnh dịch tả lợn Châu Phi, hố chôn. Quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật tại những khu vực này.
Ông Đỗ Văn Chung nhấn mạnh: “Chúng tôi đã cử tất cả cán bộ xuống trực tiếp xã có các ca bệnh và cả nơi không có ca bệnh. Tránh trường hợp cán bộ đi từ vùng này sang vùng khác, gây lây lan bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Chúng tôi cũng đã xuất vắc-xin, hóa chất để các xã sát trùng, tiêu độc và các điểm tiêu hủy, tránh trường hợp vứt xác gia súc bừa bãi. Tuyên truyền người dân không cho bán chạy, vứt xác lợn bừa bãi gây lây lan dịch bệnh”.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên toàn tỉnh.
Theo Sở NN&MT tỉnh này, bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 19 xã, phường như: Đình Cương, Thiện Tín, Nghĩa Hành, Phước Giang, Sơn Linh, Cà Đam, Trường Giang, Trà Câu, Mỏ Cày… Nguy cơ bùng phát và lan rộng rất cao do mầm bệnh lưu hành trên diện rộng, tổng đàn lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao và việc tiêm phòng chưa đầy đủ.
Giá lợn hơi tăng khiến nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ tăng mạnh, nhưng công tác kiểm dịch còn nhiều khó khăn. Nhất là sau sáp nhập địa giới hành chính, nhiều địa phương thiếu nhân lực thú y, tổ chức lúng túng.

Tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận 19 xã, phường có ổ bệnh DTLCP. Ảnh: NY
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung kiểm soát bệnh, giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ. Xử lý triệt để các ổ bệnh, không để lan rộng. Tuyệt đối không để việc tổ chức bộ máy ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống bệnh này.
Tỉnh cũng chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, siết chặt hoạt động mua bán, giết mổ, chế biến lợn và sản phẩm liên quan. Lực lượng chức năng phải đảm bảo quy trình bảo hộ cá nhân, tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định.
Công an tỉnh được giao phối hợp địa phương rà soát các cơ sở liên quan, tuyên truyền và ký cam kết không buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn mắc hoặc nghi mắc bệnh DTLCP.