Tổng Thư ký LHQ quan ngại diễn biến căng thẳng Hezbollah - Israel
* Mỹ và Đức rút nhân viên ngoại giao ở Libăng về nước
Trong tuyên bố ngày 28/9, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, cho biết người đứng đầu tổ chức này rất quan ngại về chiến sự leo thang ở Libăng trong 24 giờ qua và nhấn mạnh rằng vòng xoáy bạo lực cần phải được chấm dứt ngay.
Ngoài ra, Tổng Thư ký LHQ cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh đẩy tình hình đi quá xa, vì rằng người dân Libăng, Israel cũng như toàn bộ khu vực không thể chịu được một cuộc chiến tranh toàn diện.
Ông Guterres cũng nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza, trả tự do cho tất cả các con tin đang bị giam giữ tại đây.
Cũng trong tuyên bố, người phát ngôn Tổng Thư ký LHQ cho rằng các bên cần thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 năm 2006 của Hội đồng Bảo an LHQ, ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch.
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp Nội các khẩn cấp, Thủ tướng lâm thời Libăng Najib Mikati cho biết quốc gia Trung Đông này đang phải đối mặt với mối đe dọa nguy hiểm. Ông Mikati kêu gọi người dân đoàn kết và khẳng định Chính phủ Libăng sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ người dân.
Tuyên bố được ông Mikati đưa ra sau khi quân đội Israel không kích thủ đô Beirut tối 27/9 khiến thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Phong trào Hezbollah thiệt mạng.
Trong khi đó, quân đội Israel cho biết tiếp tục tấn công "hàng chục" cơ sở của Hezbollah ở Libăng. Theo các nguồn tin quân sự giấu tên ở Libăng, các máy bay chiến đấu và thiết bị bay không người lái của Israel đã tiến hành khoảng 90 đợt không kích nhằm vào 45 ngôi làng và thị trấn ở miền Nam Libăng khiến ít nhất 23 người thiệt mạng và 65 người bị thương.
Cùng ngày, Bộ Công chính và Giao thông vận tải Libăng đã yêu cầu một máy bay Iran phục vụ hoạt động dân sự không hạ cánh xuống sân bay quốc tế Rafic Hariri ở thủ đô Beirut hoặc sử dụng không phận của Libăng sau khi nhận được lời đe dọa từ Israel.
Trước đó, có nguồn tin cho biết quân đội Israel đã tấn công mạng vào tháp điều khiển không lưu của sân bay Rafic Hariri trong sáng 29/9, đồng thời đe dọa sẽ tấn công bằng vũ lực nếu máy bay của Iran hạ cánh.
* Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ thị một số nhân viên tại Đại sứ quán nước này ở Beirut cùng thân nhân rời khỏi Libăng trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông sau cuộc tấn công của Israel làm thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Beirut cũng không được phép đi lại vì lý do cá nhân nếu không có sự cho phép trước.
Ngoài ra, các hạn chế đi lại bổ sung có thể được áp đặt nếu có những lo ngại an ninh hoặc mối đe dọa gia tăng.
Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời cũng khuyến cáo công dân rời Libăng, cảnh báo rằng các chuyến bay thương mại có thể tạm dừng nếu tình hình an ninh trở nên tồi tệ hơn.
Tuyên bố nhấn mạnh: "Đại sứ quán Mỹ khuyến cáo các công dân ở miền Nam Libăng, gần biên giới với Syria, và trong các khu định cư của người tị nạn rời khỏi những khu vực đó ngay lập tức".
Cùng ngày, Đức thông báo sẽ đưa các nhà ngoại giao nước này ở Libăng và gia đình của họ về nước, đồng thời cắt giảm biên chế tại các phái bộ ở Israel, Libăng và Bờ Tây.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức cho biết đã nhóm họp để thảo luận về "tình hình căng thẳng cao độ ở Libăng và khu vực rộng lớn hơn sau các cuộc tấn công mới nhất" và đã quyết định nâng mức khuyến cáo khủng hoảng đối với các phái bộ ở Beirut, Ramallah và Tel Aviv.
Điều này có nghĩa các nhà ngoại giao và thân nhân của họ ở những địa điểm trên sẽ phải rời đến một địa điểm an toàn trong khu vực hoặc quay trở về Đức.
Ngoài ra, Đức sẽ tinh gọn bộ máy hoạt động của các phái bộ ở Israel, Libăng và Bờ Tây ở mức chỉ đủ để thực hiện các công việc của mình. Trước đó, Đức đã khuyến cáo công dân tạm hoãn hoặc hủy các chuyến đi tới Israel, Libăng và các vùng lãnh thổ của Palestine.
Từ Ý, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng nước này Antonio Tajani kêu gọi công dân rời khỏi Libăng càng sớm càng tốt, do leo thang xung đột giữa Israel và Hezbollah.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trên trang X, Ngoại trưởng Tajani viết: "Tôi đang lo lắng theo dõi diễn biến cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và liên lạc thường xuyên với Đại sứ quán Ý tại Beirut. Tôi một lần nữa kêu gọi tất cả công dân Ý rời khỏi Libăng càng sớm càng tốt".