Tổng thống Pháp thăm Đức: Tìm kiếm đồng thuận, lấp đầy khoảng trống

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến sân bay Berlin vào chiều 26/5, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của vị nguyên thủ Pháp tới Đức sau 24 năm, theo lời mời của người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier.

Chuyến thăm cấp nhà nước gần đây nhất của một Tổng thống Pháp tới Đức là chuyến thăm của ông Jacques Chirac (1932-2019) vào năm 2000. Tất nhiên, trong “khoảng trống” gần 1/4 thế kỷ đó, những người đứng đầu chính phủ và bộ trưởng của cả hai nước đều gặp nhau thường xuyên, thậm chí vài tháng một lần. Bản thân ông Macron cũng là “khách quen” của Berlin, gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở nhiều sự kiện khác nhau, trong nỗ lực phối hợp quan điểm về chính sách đối ngoại và Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (thứ 2 từ trái) và phu nhân Elke Buedenbender cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2 từ phải) và phu nhân Brigitte Macron trên đường tới tham dự sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội Dân chủ vào ngày 26/5 tại Berlin. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (thứ 2 từ trái) và phu nhân Elke Buedenbender cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2 từ phải) và phu nhân Brigitte Macron trên đường tới tham dự sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội Dân chủ vào ngày 26/5 tại Berlin. (Nguồn: AFP)

Chuyến công du của Tổng thống Emmanuel Macron kéo dài 3 ngày với các điểm đến là thủ đô Berlin, Dresden ở phía Đông và Muenster ở phía Tây. Bên cạnh các cuộc hội đàm, gặp gỡ với người đồng cấp nước chủ nhà Frank-Walter Steinmeier và Thủ tướng Olaf Scholz cùng các Bộ trưởng của hai nước, ông Macron tham dự Lễ hội Dân chủ kỷ niệm 75 năm ra đời Luật Cơ bản của Đức và 35 năm Cách mạng Hòa bình.

Hai Tổng thống dự kiến khởi động mùa Hè thể thao Pháp-Đức, giai đoạn có Giải vô địch bóng đá châu Âu và Thế vận hội (Olympic). Tại Münster, ông chủ Điện Elysee sẽ được trao Giải thưởng Hòa bình quốc tế Westphalia, vốn vinh danh "cá nhân xuất sắc, người cam kết đoàn kết và hòa bình ở châu Âu”.

Sự hiện diện của ông Macron tại Đức trong những ngày này, theo Tổng thống Steinmeier, là "bằng chứng về tình hữu nghị sâu sắc giữa Pháp và Đức". Chuyến thăm cấp nhà nước hiếm hoi trong lịch sử quan hệ Pháp-Đức còn là cơ hội để hai cường quốc lớn nhất của EU tìm cách thể hiện sự thống nhất trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) bắt đầu từ ngày 6/6. Hai nước sẽ cố gắng tìm ra điểm chung trong chương trình nghị sự của EU trong 5 năm tới.

Theo France 24, chuyến thăm được xem như một cuộc kiểm tra “sức khỏe” của mối quan hệ Pháp-Đức vốn thúc đẩy việc hoạch định chính sách của EU, vào thời điểm có những thách thức lớn đối với châu Âu: từ cuộc xung đột ở Ukraine đến khả năng ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Chia sẻ trong ngày đầu tiên tới Berlin, vị nguyên thủ Pháp cho biết, người ta thường xuyên nói đến những vấn đề trong quan hệ Pháp-Đức trong nhiều thập kỷ, nhưng hai nước “cùng nhau đạt được những điều phi thường", thực sự là "trung tâm của châu Âu”.

Đáng chú ý, Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Olaf Scholz có phong cách lãnh đạo rất khác nhau, thậm chí công khai xung đột về các vấn đề từ quốc phòng đến năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, gần đây, hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa hiệp trên nhiều mặt trận, từ cải cách tài chính đến trợ cấp thị trường điện, cho phép EU đạt được các thỏa thuận và thể hiện một mặt trận đoàn kết hơn.

Cả ông Scholz và ông Macron cũng muốn cho thế giới bên ngoài thấy rằng họ hiểu nhau. Trong một đoạn video ngắn đăng trên mạng xã hội X, hai nhà lãnh đạo thậm chí còn phát biểu bằng ngôn ngữ của nhau. Ông Macron đọc câu hỏi của một người dân muốn biết liệu quan hệ đối tác Pháp-Đức có còn quan trọng hay không. Ông Scholz trả lời bằng tiếng Pháp: "Xin chào các bạn thân mến, tôi xác nhận, tình bạn Pháp-Đức muôn năm!" Ông Macron phản hồi bằng tiếng Đức: "Cảm ơn Olaf, tôi rất đồng ý với ông”.

Theo TS. Yann Wernert tại Viện Jacques Delors ở Berlin, quan hệ Pháp-Đức “có những căng thẳng” nhưng điều quan trọng là hai bên đã “giải quyết một số chủ đề khó khăn”, chẳng hạn nhất trí về nhu cầu mở rộng EU về phía Đông.

Còn chuyên gia Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại tổ chức tư vấn Eurasia Group nhận định, chuyến thăm thể hiện “một nỗ lực ở cấp độ chính trị cao nhất để chứng minh rằng mối quan hệ đang tiến triển” song “vẫn còn những khoảng trống cơ bản về những vấn đề lớn đang rình rập EU”.

Một trong những khoảng trống đó là về khả năng phòng thủ của châu Âu, đặc biệt nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới. Các chuyên gia quốc phòng coi ông Trump là một đồng minh đối với châu Âu kém tin cậy so với đương kim Tổng thống Joe Biden.

Hồi đầu năm, cựu Tổng thống đảng Cộng hòa Trump nói rằng ông sẽ không bảo vệ các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khỏi một cuộc tấn công trong tương lai của Nga nếu sự đóng góp của các nước đó cho liên minh quốc phòng không đủ. Chưa kể ông còn khuyến khích Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn”.

Pháp, quốc gia có vũ khí hạt nhân, thúc đẩy một châu Âu tự chủ hơn về các vấn đề quốc phòng, không đồng tình trước quyết định của Đức mua phần lớn thiết bị của Mỹ nhằm tạo ra “lá chắn phòng không” theo Sáng kiến Sky Shield của châu Âu.

Trong khi đó, lập luận của Berlin là không có giải pháp thay thế nào đáng tin cậy hơn việc sử dụng vũ khí Mỹ và châu Âu không có thời gian chờ đợi ngành công nghiệp quốc phòng trong nước chuẩn bị sẵn sàng cho các mối đe dọa như sự thù địch của Nga.

Sức sống của mối quan hệ Pháp-Đức có ý nghĩa rất quan trọng đối với động lực của lục địa châu Âu, dù vẫn tồn tại nhiều khác biệt trong chính sách và mối quan tâm của hai nước đối với hàng loạt vấn đề. Chính vì thế, chuyến thăm cấp nhà nước tới quốc gia láng giềng với lịch trình dày đặc của Tổng thống Macron trước thềm cuộc bầu cử Nghị viên châu Âu thu hút sự quan tâm của dư luận. Liệu Paris và Berlin có thể thổi luồng sinh khí mới vào mối quan hệ lịch sử trong nỗ lực tìm tiếng nói chung trong chương trình nghị sự sắp tới của EU?

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024 diễn ra từ ngày 6-9/6 trên 27 quốc gia thành viên của EU. Đây được xem là cơ hội của EU để thúc đẩy các kế hoạch đầy tham vọng hơn. Trong bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại vào tháng trước, Tổng thống Macron đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về các mối đe dọa đối với châu Âu trong một thế giới đang thay đổi sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2022. “Châu Âu của chúng ta ngày nay đang đối mặt sinh tử và có thể chết. Điều này phụ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta”, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định.

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-phap-tham-duc-tim-kiem-dong-thuan-lap-day-khoang-trong-272731.html