Tổng thống đắc cử Philippines có thể là tín hiệu xấu với Mỹ
Chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines ngày 9/5 sẽ đưa ông Ferdinand 'Bongbong' Marcos Jr ra tuyến đầu của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, sau khi chính quyền Duterte thực hiện chính sách 'xoay trục' sang Trung Quốc.
Hiện nay, Philippines đang ở giữa tâm điểm của cuộc cạnh tranh địa - chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, với vấn đề trọng tâm là Biển Đông, nơi Trung Quốc có yêu sách phi lý chồng lấn lên vùng biển của nhiều quốc gia trong khu vực.
Năm 2016, Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện chống lại yêu sách của Trung Quốc ở vùng biển này. Tuy nhiên, trong những cuộc trả lời phỏng vấn lúc tranh cử, ông Marcos nói rằng phán quyết này “không hiệu quả” vì Trung Quốc không công nhận. Ông cho biết sẽ tìm kiếm một thỏa thuận song phương với Trung Quốc để giải quyết khác biệt.
Rommel Banlaoi, một chuyên gia về an ninh tại Manila, cho rằng ông Marcos muốn quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, nhưng không phải bằng cách từ bỏ lãnh thổ.
“Ông ấy sẵn sàng tham vấn trực tiếp và đàm phán song phương với Trung Quốc để giải quyết khác biệt. Ông ấy sẵn sàng tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác thực chất với Trung Quốc, bao gồm khai thác tài nguyên dầu khí trên biển Tây Philippines”, ông Banlaoi nói.
Biển Tây Philippines là cách Manila gọi khu vực một phần thuộc Biển Đông.
Ông Banlaoi cho rằng ông Marcos cũng muốn thu hút đầu tư từ Trung Quốc cho các dự án hạ tầng tham vọng.
Cha của ông Marcos lãnh đạo Philippines trong 20 năm và là một đồng minh của Mỹ, nhưng sau đó thân thiết hơn với Trung Quốc sau khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thiết lập vào năm 1975.
Một năm sau, ông Marcos Jr, khi đó 18 tuổi, cùng mẹ đến Bắc Kinh để mở đường cho các hoạt động ngoại giao. Những thước phim về chuyến đi cho thấy ông Marcos Jr. có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông hồi đó.
Đó chỉ là một trong nhiều chuyến thăm. Trong bức điện tín gửi về Washington vào tháng 3/2007 mà WikiLeaks có được, đại sứ quán Mỹ báo cáo rằng ông Marcos “thường xuyên sang Trung Quốc vào năm 2005 và 2006 để thúc đẩy hoạt động làm ăn”.
Một tháng sau khi bức điện tín này được gửi, Trung Quốc mở lãnh sự quán ở thành phố Laoag, thủ phủ của thái ấp gia đình Marcos ở tỉnh Ilocos Norte, nơi ông Marcos Jr. đang là thống đốc. Thành phố Laoag chỉ có dân số khoảng 102.000 người, trong khi tổng dân số của Philippines là gần 110 triệu, nhưng lại được chọn là một trong hai nơi đặt lãnh sự quán của Trung Quốc ngoài thủ đô Manila.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Duterte, Philippines và Trung Quốc có quan hệ tốt đẹp hơn, nhưng thỉnh thoảng mâu thuẫn vẫn bùng lên vì việc Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp, xua đuổi tàu của Philippines.
“Ông Marcos Jr. sẽ thân với Trung Quốc hơn ông Duterte, khi quan điểm của ông ấy là sẽ chỉ tiếp tục chính sách hiện có của chính quyền Duterte”, Aries Arugay, một giáo sư ngành khoa học chính trị tại ĐH Philippines, nhận định.
“Bắc Kinh có thể đưa ra một gói sáng kiến để ông Marcos lựa chọn nếu ông ấy bị Mỹ và phương Tây ép ép. Đây là lý do khiến ông Marcos có thể không khẳng định quyền của Philippines ở vùng biển tranh chấp”, GS Arugay nói.
Sóng gió với Mỹ
Mỹ hiện nay đang tăng cường tham gia vào Đông Nam Á. Trong tháng 3 và 4 vừa qua, hơn 5.000 binh lính Mỹ tham gia chiến dịch tập trận chung với Philippines, tạo nên đợt tập trận lớn nhất trong 7 năm qua.
Ông Renato Cruz De Castro, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH De la Salle ở Manila, cho rằng cuộc tập trận này cho thấy những động lực chiến lược đang buộc Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte phải quay lại với Mỹ, sau một thời gian kết thân với Bắc Kinh.
“Ông Duterte nhận ra điều đó, rằng việc xoa dịu hay thách thức Trung Quốc đều không quan trọng. Họ vẫn cứ cố tìm cách chiếm lãnh thổ trên biển của bạn”, ông Castro nói.
“Ông Marcos có thể có một số vấn đề với Mỹ, nhưng ông ấy sẽ chịu sức ép từ các quan chức và quân đội, vì họ thực sự coi trọng quan hệ liên minh với Mỹ”, ông Castro nhận định.
Năm 1986, Washington giúp gia đình ông Marcos chạy sang Hawaii cùng tiền, trang sức, vàng, cổ vật và tài khoản ngân hàng, để trốn phong trào nổi dậy trong nước. Nhưng sau đó, ông Marcos Jr. từ chối hợp tác với tòa án ở Hawaii, sau khi tòa này yêu cầu gia đình Marcos trả 2 tỷ USD bồi thường cho các nạn nhân của chế độ Marcos Sr.
Trước đó, Lầu Năm Góc bí mật đưa vũ khí hạt nhân đến quốc gia Đông Nam Á này mà không hỏi ý kiến chính quyền sở tại.
“Việc tiết lộ những vũ khí hạt nhân đặt ở Philippines nhưng không hỏi ý kiến chính phủ ở Manila đã làm xấu quan hệ Mỹ - Philippines trong nhiều năm”, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Robert McClintock viết trong biên bản “tuyệt mật” gửi về Washington năm 1969.
“Tổng thống Marcos đã được báo cáo bí mật về sự hiện của những vũ khí này vào năm 1966”, ông McClintock viết.
Trong cuộc họp báo ngày 10/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng vẫn còn quá sớm để bình luận về kết quả bầu cử Philippines hay tác động của kết quả này lên quan hệ giữa hai nước. Nhưng ông khẳng định Mỹ “trông đợi làm mới quan hệ đối tác đặc biệt” và làm việc với chính quyền mới ở Manila.
Ông Marcos chưa có chuyến thăm Mỹ nào trong suốt 15 năm qua, vì sợ sẽ có hậu quả từ việc ông và mẹ ông chống lệnh của tòa và phải đóng mức phạt 353 triệu USD.
Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Mỹ không phản hồi câu hỏi rằng liệu ông Marcos có được trao quyền miễn trừ ngoại giao nếu thăm Mỹ hay không.