Tổng giám đốc GSM phân tích ba mô hình kinh doanh taxi điện tại Việt Nam

Tổng Giám đốc Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh (GSM) chia sẻ cấu trúc ba mô hình trong kinh doanh taxi điện mà doanh nghiệp này đang áp dụng để các đối tác có thể lựa chọn.

Tại tọa đàm "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam" do Báo Giao thông tổ chức sáng 24/5, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc GSM cho hay, doanh nghiệp cấu trúc gồm ba mô hình vận hành.

Ba mô hình để đối tác lựa chọn

Thứ nhất là tự vận hành. Chúng tôi có đội xe taxi nhãn hiệu Xanh SM, đến nay hoạt động ở 40 tỉnh thành và đã khai trương dịch vụ tại Lào.

Thứ hai là cùng vận hành B2B (hình thức giao dịch kinh doanh, buôn bán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), chúng tôi đã ký kết với 33 hãng taxi địa phương theo nhiều phương thức, từ cho thuê, cho thuê mua và bán xe điện cho hãng taxi để họ tự khai thác theo phương án mà họ thấy tối ưu.

Thứ ba là tạo nền tảng (Xanh SM Platform), để mời tài xế đối tác tham gia kinh doanh taxi độc lập bằng xe điện.

Ông Nguyễn Văn Thanh (bên phải), Tổng Giám đốc Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh (GSM) phát biểu tại tọa đàm sáng 24/5. Ảnh: Tạ Hải.

Ông Nguyễn Văn Thanh (bên phải), Tổng Giám đốc Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh (GSM) phát biểu tại tọa đàm sáng 24/5. Ảnh: Tạ Hải.

Phân tích thêm về phương án đầu tư, ông Thanh cho biết: "Thường trong các khu du lịch, chúng tôi sẽ dùng xe lớn, cốp rộng vì có hành lý. Còn người dân địa phương có thể sẽ dùng xe nhỏ hơn.

Tiếp đến, chúng tôi đang có hai hình thức mua xe và thuê pin. Còn hình thức thứ hai là mua cả xe lẫn pin. Tùy vào các đơn vị sẽ có những tính toán để phù hợp với chi phí đầu tư.

Ban đầu có đơn vị mua xe thuê pin, có những đơn vị thuê xe lẫn pin và sau đó chuyển sang mua luôn. Thậm chí có đơn vị như Lado taxi đang tiến đến mua cả xe lẫn pin. Họ sẽ tính ra cái nào phù hợp hơn.

Các đối tác gần nhất đang lựa chọn mua cả xe lẫn pin chứ không thuê nữa. Tính toán từ lợi nhuận tăng ra sao sau khoảng 1 – 2 năm tính toán sử dụng. Phương án đầu tư thì đầu tiên phải tính đến các yếu tố phù hợp với địa lý, phù hợp với khách hàng và phù hợp với khả năng tài chính.

Những yếu tố mang lại hiệu quả kinh doanh

Còn về kinh nghiệm quản lý của một đơn vị sử dụng hoàn toàn xe điện, ông Thanh cho biết, phải làm sao tổ chức, đào tạo được cho đội ngũ tài xế, cũng như đội ngũ điều hành trực tiếp phải lấy chất lượng dịch vụ làm trọng tâm và tối ưu các chi phí hoạt động.

Kinh nghiệm thứ hai, chúng ta thường quản lý điều hành trực tiếp từng tài xế. Nhưng để giảm chi phí, chúng ta phải đầu tư công nghệ để kiểm soát mọi thứ bằng hệ thống, dữ liệu để thích ứng nhanh. Vì vậy đầu tiên chúng tôi đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ.

"Hiện các đơn hàng của chúng tôi đến từ nền tảng ứng dụng lên đến hơn 70%, rất khác so với các đơn vị taxi khác. Các đối tác của tôi khi lên nền tảng Xanh SM chung thì khách hàng khi đến đó sẽ có các đối tác đón.

Điều này giúp bớt rất nhiều các khâu như trực tổng đài, điều hành, lưu thông tin để kiểm tra rất dễ dàng. Vì vậy tiếp đến, kinh nghiệm cần phải áp dụng công nghệ vào việc vận hành nhiều hơn", ông Nguyễn Văn Thanh cho biết.

Lam Anh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/tong-giam-doc-gsm-phan-tich-ba-mo-hinh-kinh-doanh-taxi-dien-tai-viet-nam-192240524160131203.htm