Tổng cục Hải quan điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024
Tổng cục Hải quan vừa ra quyết định về việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 đối với 23 đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục.
Phó Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng vừa ký ban hành Quyết định số 2163/QĐÐ-TCHQ (ngày 16/9) về việc về việc giao, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024.
Cụ thể, căn cứ vào Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 899/QĐ-BTC ngày 19/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Quyết định số 2129/QĐ-BTC ngày 12/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; và theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị và Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách; Tổng cục Hải quan đã quyết định giao, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 đối với các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.
Cụ thể, đối với Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã quyết định chuyển 1.099.161.000 đồng từ nguồn chi phục vụ công tác thu phí (thuộc nguồn kinh phí không thực hiện tự chủ), vào nguồn chi cho việc bảo dưỡng, duy trì tài sản (thuộc nguồn kinh phí thực hiện tự chủ). Cũng từ nguồn kinh phí không thực hiện tự chủ, Tổng cục Hải Quan quyết định chuyển 115.344.000 đồng vào nguồn chi cho việc bảo dưỡng, duy trì tài sản đối với Cục Hải quan tỉnh Hà Giang.
Tương tự, số tiền dự toán được chuyển vào nguồn chi cho việc bảo dưỡng, duy trì tài sản cho Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng là 114.480.000 đồng; Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa là 82.080.000 đồng; Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh là 147.096.000 đồng; Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị là 245.160.000 đồng; Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum là 336.960.000 đồng; Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh là 1.047.600.000 đồng; Cục Hải quan tỉnh Bình Phước là 97.200.000 đồng; Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 116.640.000 đồng; Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp là 147.096.000 đồng; Cục Hải quan tỉnh An Giang là 120.000.000 đồng.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã quyết định chuyển một phần dự toán chi phục vụ công tác thu phí vào nguồn chi cho việc sửa chữa tài sản tại một số đơn vị, với phần còn lại được chuyển vào nguồn chi cho bảo dưỡng, bảo trì tài sản. Cụ thể, đối với Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan đã quyết định chuyển số tiền là 5.737.900.000 đồng vào nguồn chi sửa chữa tài sản; và 6.124.066.000 đồng vào nguồn chi bảo dưỡng, bảo trì tài sản.
Tương tự, số tiền được chuyển vào nguồn chi cho việc sửa chữa và nguồn chi cho việc bảo dưỡng, duy trì tài sản tại một số đơn vị khác lần lượt là như sau: Cục Hải quan thành phố Hải Phòng là 836.972.000 và 602.235.000 đồng; Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh là 243.520.000 và 751.264.000 đồng; Cục Hải quan Lào Cai là 167.750.000 và 82.080.000 đồng; Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn là 968.600.000 và 936.800.000 đồng; Cục Hải quan tỉnh Nghệ An là 97.900.000 và 196.128.000 đồng; Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình là 715.990.000 và 140.500.000 đồng; Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng là 44.820.000 và 313.000.000 đồng; Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk là 33.600.000 và 49.032.000 đồng.
Đặc biệt, đối với Cục Hải quan các tỉnh Khánh Hòa và Long An, Tổng cục Hải quan quyết định chuyển toàn bộ dự toán chi phục vụ công tác thu phí vào nguồn chi cho việc sửa chữa tài sản. Cụ thể, dự toán chi cho việc sửa chữa tài sản tại Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa và Cục Hải quan tỉnh Long An lần lượt là 25.080.000 và 363.000.000 đồng.
Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước như trên, Thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan được giao nhiệm vụ thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Nhà nước, của Bộ Tài chính, của Tổng cục Hải quan, đảm bảo công khai, minh bạch và không đề xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.