Tổng cục Hải quan: Chủ động cụ thể hóa các cam kết EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020.

Cán bộ Hải quan Hà Nội kiểm tra hàng nhập khẩu tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Hải Anh

Cán bộ Hải quan Hà Nội kiểm tra hàng nhập khẩu tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Hải Anh

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có những hoạt động tích cực để cụ thể hóa cam kết trong EVFTA nhằm đảm bảo 2 mục tiêu: tạo thuận lợi thương mại và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về xuất nhập khẩu. Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan đã có những chia sẻ với phóng viên TBTCVN.

* PV: Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của EVFTA đối với hoạt động kinh tế của Việt Nam nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), quản lý nhà nước về hải quan nói riêng?

- Ông Nguyễn Anh Tài: Khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Trong lĩnh vực hải quan, Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ cụ thể hóa các cam kết về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại cho thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU, cũng như cơ chế hình thành các cơ chế hợp tác hải quan giữa các bên để kiểm soát và đảm bảo hàng hóa XNK hợp pháp, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, nhất là vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), hàng hóa vi phạm các công ước quốc tế, các chất cấm như ma túy và các tiền chất, vũ khí, chất nổ…

Trong Hiệp định EVFTA, các cam kết về hải quan và tạo thuận lợi thương mại được quy định tập trung trong Chương 4 của Hiệp định và Nghị định thư số 2 về tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Đến thời điểm này tôi cho rằng, các cam kết về thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại và mức độ tương thích với pháp luật hải quan hiện hành cơ bản đáp ứng Hiệp định EVFTA.

Ông Nguyễn Anh Tài

Kết quả rà soát chi tiết cho thấy, pháp luật Việt Nam đã tương thích với gần như toàn bộ các cam kết trong EVFTA về hải quan, tạo thuận lợi thương mại và chuẩn mực quốc tế. Chương 4 về hải quan và thuận lợi hóa thương mại của EVFTA là một trong những chương hoàn thành đàm phán sớm nhất, vào đầu năm 2014. Giai đoạn này cũng là giai đoạn đàm phán Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của WTO, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo Tổng cục Hải quan rà soát để nội luật hóa những cam kết trong các hiệp định thương mại tự do vào Luật Hải quan 2014. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này đã cơ bản tiếp thu các xu hướng, tiêu chuẩn về hải quan và tạo thuận lợi thương mại trên thế giới, bao gồm (Hiệp định thương mại hóa toàn cầu – PV) TFA và cả các nguyên tắc lớn trong EVFTA.

* PV: Đồng thời với việc tạo thuận lợi thương mại, cơ quan hải quan còn có vai trò ngăn chặn vi phạm pháp luật về XNK, ông có thể cho biết rõ hơn về nhiệm vụ này khi thực thi EVFTA?

- Ông Nguyễn Anh Tài: Thực hiện EVFTA cơ quan hải quan cần phải thể hiện trách nhiệm trong thực thi các cam kết về kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới và công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN).

Vai trò của cơ quan hải quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và EVFTA nói riêng là phải kiểm tra giám sát hải quan đảm bảo cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được hưởng các ưu đãi về mặt thuế quan nếu hàng hóa đó đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ.

Tiếp đến, cơ quan hải quan phải đảm bảo việc kiểm soát hiệu lực, hiệu quả các luồng hàng hóa XNK đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo các yêu cầu về KTCN; thực thi pháp luật để bảo vệ được quyền SHTT, đó là ngăn chặn và loại bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT trong thương mại giữa hai bên.

Các cam kết về SHTT của EVFTA gồm quyền tác giả và quyền liên quan, cam kết về quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật, bảo vệ quyền SHTT… Về cơ bản, các cam kết về SHTT của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; đòi hỏi cơ quan hải quan phải có các quy trình thủ tục cho phép đảm bảo thực thi các biện pháp kiểm soát tại biên giới đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT cũng như tạo dựng cơ chế hợp tác giữa cơ quan hải quan và chủ sở hữu quyền.

Về công tác KTCN, cơ quan hải quan sẽ thực thi các quy định nhằm đảm bảo trong hồ sơ thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn phải phải đáp ứng được các yêu cầu về cấp phép, về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Trách nhiệm của cơ quan hải quan được xác định là cơ quan đầu mối để thực thi các cam kết về KTCN trên địa bàn hoạt động hải quan trong quá trình thông quan hàng hóa.

* PV: EVFTA có điều khoản mới là hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan. Ông có thể cho biết cụ thể về cam kết này?

- Ông Nguyễn Anh Tài: Cam kết về hỗ trợ hành chính giữa các cơ quan hải quan là điểm rất mới của EVFTA so với các FTA khác, tạo ra khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động trao đổi thông tin nghiệp vụ hải quan, giúp cho việc ngăn chặn các luồng thương mại bất hợp pháp và từ đó đảm bảo thông quan nhanh chóng cho các lô hàng hợp pháp giữa hai bên.

Các cam kết này thực chất là các quy định trình tự, thủ tục, nguyên tắc, cách thức, phạm vi hỗ trợ lẫn nhau giữa Hải quan Việt Nam với các cơ quan hải quan của EU trong việc kiểm soát hải quan, nhằm đấu tranh, phòng chống, ngăn chặn các vi phạm pháp luật hải quan. Bản chất đó là cơ quan hải quan của một bên khi có yêu cầu của cơ quan hải quan bên kia có thể điều tra xác minh và cung cấp thông tin một cách chính thống nhằm giúp cho cơ quan hải quan yêu cầu có thể xác định tính hợp pháp của các lô hàng có nghi ngờ. Toàn bộ vấn đề này được quy định tại Nghị định thư số 2 của Hiệp định sẽ được cơ quan nghiêm túc hiện khi thực thi EVFTA.

* PV: Xin cảm ơn ông!

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD.

Hải Linh (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-07-22/tong-cuc-hai-quan-chu-dong-cu-the-hoa-cac-cam-ket-evfta-89824.aspx