Tôn vinh Tri thức dân gian may, mặc áo dài Huế
Đó là chương trình nghệ thuật Áo dài với chủ đề 'Linh Phụng' - một trong những lễ hội chính trong khuôn khổ Lễ hội mùa Thu của Festival Huế 2024. Đồng thời cũng là một chuỗi những câu chuyện sống động về huyền thoại chim phụng gắn với áo dài Huế được thể hiện bằng ngôn ngữ của thời trang, âm nhạc, vũ khúc kết hợp với những loại hình nghệ thuật khác…
Trong văn hóa Việt, hình tượng Phụng (phượng hoàng) xuất hiện từ rất sớm, một hình ảnh mang tính biểu tượng đặc biệt. Có người cho rằng, hình tượng chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn chính là sự khắc họa có tính điển hình đầu tiên. Đó là loài chim thần, đang bay lượn trong điệu múa của vũ trụ để vạn vật sinh sôi và hòa hợp. Phụng hoàng múa là biểu trưng của vũ trụ đang vận hành.
Đặc biệt, hình tượng chim phụng có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa Việt Nam, trở thành đề tài quen thuộc trong kiến trúc, điêu khắc và trang trí truyền thống của dân tộc. Trong đó, có một hình ảnh rất đẹp thường gặp trong kiểu trang trí cung đình Huế là phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng. Ngô đồng là giống cây quý, cũng là loài cây duy nhất mà phượng hoàng chọn để đậu. Phượng hoàng xuất hiện là sự báo điềm lành, là sự khởi đầu của hòa bình, thịnh vượng, quốc thái dân an.
Từ nghệ thuật truyền thống, linh vật rồng – phượng đã đi vào mỹ thuật cung đình, được tối ưu hóa để mang hình ảnh của quyền lực tối cao của vương quyền, nhưng đồng thời cũng là biểu trưng cho sự khai mở, cho khát vọng một xã hội thái bình, thịnh trị.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, chương trình nghệ thuật Áo dài Huế nhằm quảng bá vẻ đẹp văn hóa, con người Huế xưa và nay thông qua trang phục Áo dài và hình tượng linh phụng. Chương trình tiếp tục phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế nhằm tôn vinh, ca ngợi "Tri thức dân gian may, mặc áo dài Huế" vừa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng tới việc đề nghị UNESCO ghi danh Áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chương trình nghệ thuật Áo dài với chủ đề “Linh Phụng” gồm 3 chương. Chủ đề mỗi chương là một câu chuyện kể về huyền thoại con chim phượng, một trong tứ linh gồm:
Phụng vũ: Phụng vươn cánh bay trong những áng mây lành, lướt trên sóng nước, về nhảy múa trên cây ngô đồng thể hiện sự thanh bình của đất nước, hạnh phúc của nhân dân trong cảnh quốc thái, dân an. Chim phụng báo hiệu những điều tốt lành, hạnh phúc, cảnh thịnh trị đất nước.
Linh phụng: Theo truyền thuyết, phụng hoàng chỉ xuất hiện vào những thời đại thịnh trị. Là biểu tượng của mặt trời, hơi ấm của mùa hạ và sự thu hoạch mùa màng. Tự thân hình tượng phụng đã là một hình ảnh nhẹ nhàng, tao nhã với những ý nghĩa tinh thần sâu lắng và cao quý. Phụng như hòa mình cùng hoa trái, trở nên gần gũi mà vẫn linh thiêng, quý phái. Phụng rất hợp với hoa trái... Mai hóa phụng, cúc hóa phụng và mây ngũ sắc, lan hóa thành chim phụng, mẫu đơn đỏ hóa phụng... tạo ra một sự kết hợp sinh động, bộc lộ bao gửi gắm của người xưa về cuộc sống an nhàn, thanh tao, đầm ấm, nhấn mạnh tính “hóa” đầy triết lý.
Bách phụng cát tường: Trăm con chim phụng cùng bay lên, biểu tượng cát tường, gắn với chữ Thọ, chữ Phúc, chữ Hỷ… được xem là khát vọng của cuộc sống bình yên, của triều đại thái bình... Cuộc sống hạnh phúc của người dân gắn liền với thiên nhiên: mưa thuận - gió hòa; với mùa màng thuận lợi; với cuộc sống cộng đồng - xã hội, thái bình - thịnh trị, quốc thái dân an. Gắn kết với những tà áo dài qua năm tháng của một thành phố đẹp tráng lệ mà cũng thực hào hùng…
Chương trình nghệ thuật Áo dài Huế 2024 “Linh Phụng” đã thể hiện đậm nét sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại. Chương trình quy tụ các nhà thiết kế áo dài hàng đầu Việt Nam, từ Hà Nội, Huế, đến TPHCM. Các nhà thiết kế đã trình diễn những bộ sưu tập áo dài đặc biệt, lấy cảm hứng từ hình tượng "Phụng" trong kiến trúc và trang phục cung đình nhà Nguyễn, kết hợp với vẻ đẹp hiện đại của áo dài Việt Nam. Đồng thời, tạo cơ hội gặp gỡ và tỏa sáng vẻ đẹp Huế gắn với xây dựng và phát triển áo dài Huế trở thành thương hiệu đặc sắc. Chương trình được dàn dựng công phu, với âm nhạc, vũ điệu và thời trang độc đáo, đã mang đến cho khán giả một đêm nghệ thuật khó quên.
Mùa thu cho em
Nằm trong khuôn khổ Lễ hội mùa Thu của Festival Huế 2024, tối 24-9, chương trình nghệ thuật “Mùa thu cho em” diễn ra tại Nhà hát Sông Hương, TP Huế. Chương trình do Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện với sự tham gia của nhạc sĩ Trần Tiến cùng nhóm nhạc Du Ca. Chương trình sẽ lần lượt giới thiệu các ca khúc viết về mùa thu cũng như những ký ức âm nhạc của các tác giả Minh Kỳ - Nguyễn Hiền; Cung Tiến; Phạm Trọng Cầu; Dương Thiệu Tước; Trần Tiến; Trịnh Công Sơn; Phạm Mạnh Cương và Ngô Thụy Miên. Các ca khúc do nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ An Nhiên, Phong Thủy, Thanh Lan… biểu diễn. Chương trình phát sóng trực tiếp trên Kênh TRT, truyền sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình trong nước và livestream trên nền tảng truyền thông số.
>>> Một số hình ảnh tại chương trình nghệ thuật Áo dài với chủ đề “Linh Phụng”- một trong những lễ hội chính trong khuôn khổ Lễ hội mùa Thu của Festival Huế 2024:
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ton-vinh-tri-thuc-dan-gian-may-mac-ao-dai-hue-post760419.html