Tôn trọng cộng đồng để khuyến khích dùng hàng trong nước
(TBKTSG Online) – Nhân hội thảo “Thấu hiểu nhân cách tiêu dùng để phát triển nhân cách thương hiệu” tại TPHCM vào cuối tuần, TBKTSG Online đã trao đổi với diễn giả là giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm, Giám đốc Chương trình hợp tác đào tạo cao học tại Việt Nam của Đại học kinh doanh Nyenrode (Hà Lan) và Học viện kinh doanh United (Bỉ) quanh câu chuyện doanh nghiệp trong nỗ lực chinh phục người tiêu dùng sử dụng hàng trong nước.
Mộng Bình thực hiện Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm - Ảnh: Mộng Bình TBKTSG Online: Trong bài nói chuyện của mình, ông cho rằng các doanh nghiệp phải tôn trọng người tiêu dùng và phải làm sao khiến họ cảm thấy tự hào khi dùng sản phẩm trong nước. Ông có đồng tình với ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ chú tâm đến người tiêu dùng trong nước khi gặp khó khăn ở thị trường xuất khẩu như hiện nay? - Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm: Cảm nhận của riêng bản thân tôi và một số người tôi biết là khi các doanh nghiệp ăn nên làm ra (tại thị trường nước ngoài) thì họ không chú ý đến người tiêu dùng trong nước và khi khó khăn rồi mới tìm cách tập trung vào thị trường này. Nhưng theo tôi, chính lúc khó khăn các doanh nghiệp mới nhận ra được vai trò thực sự của người tiêu dùng trong nước, và họ cũng nhận ra rằng người tiêu dùng không chỉ đơn thuần đánh giá họ qua chất lượng, kỹ thuật của sản phẩm, dịch vụ mà còn là nhân cách đối xử, sự trọng thị của doanh nghiệp đối với con người và danh tiếng của doanh nghiệp. Con người ở đây là nhân viên của doanh nghiệp, người tiêu dùng và rộng hơn nữa là cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động, sản xuất và kinh doanh. Nhưng trên thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn luôn đặt lợi nhuận lên trên cả lợi ích của người tiêu dùng và môi trường mà họ đang hoạt động. Ông nghĩ sao về vấn đề này? - Lẽ dĩ nhiên là mọi chuyện không thể một sớm một chiều diễn ra theo ý mình muốn. Các nước phát triển cũng phải mất nhiều năm để lật ngược lại thứ tự và đặt vai trò của người tiêu dùng lên trên cả sản phẩm và lợi nhuận. Các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế là những người đi sau và vì sự sống còn, phát triển bền vững trong sự biến động của thị trường như hiện nay thì phải biết đặt vai trò của người tiêu dùng lên hàng đầu thôi. Sự tôn trọng của doanh nghiệp dành cho cộng đồng ngược lại sẽ mang về sự tôn trọng của khách hàng dành cho sản phẩm, và lợi ích cuối cùng là doanh nghiệp sẽ được lợi nhuận. Các doanh nghiệp tại các nước phát triển đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ việc này. Lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam là người đi sau nên có nhiều yếu tố căn bản có sẵn như phương thức và quy trình tổ chức có thể áp dụng để đạt được lòng tin của khách hàng, và doanh nghiệp cần biết lựa chọn những cách thức phù hợp cho doanh nghiệp mình nhất. Tại các nước phát triển đề cập nhiều trách nhiệm xã hội và trách nhiệm cộng đồng thì hiện tại nhiều doanh nghiệp trong nước cũng chú ý về điều này, nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp phải tự đánh giá xem mình đã thực sự gánh vác những trách nhiệm này hay chưa. Hiện nay chúng ta vẫn còn thói quen đánh giá thành công của một doanh nghiệp dựa trên mức độ lợi nhuận họ có được trước mắt, nhưng điều này không thể trường tồn với thời gian. Thành đạt (của doanh nghiệp) phải đi đôi với yếu tố bền vững. Tôi tin rằng doanh nghiệp nào chỉ khư khư nhắm tới lợi nhuận trước mắt mà không chú trọng đến con người thì không sớm thì muộn sẽ bị đào thải trong môi trường kinh doanh như hiện nay. Vậy trong 3 chữ P (People, Product và Profit – con người, sản phẩm và lợi nhuận) mà ông nêu ra trong bài thuyết trình của mình thì doanh nghiệp Việt Nam nên ưu tiên vào những yếu tố nào trong giai đoạn hiện nay? - Theo đánh giá của tôi, hiện nay các doanh nghiệp trong nước đang đứng giữa lợi nhuận và sản phẩm, tức là đưa lợi nhuận và sản phẩm lên trên. Nhưng khi nhà sản xuất đặt con người là trung tâm thì đó là lợi thế cạnh tranh lâu dài vì khi đó họ đã ghi được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng. Lợi thế cạnh tranh này sẽ là những gì họ có và sẽ tạo ra sự khác biệt của họ, bên cạnh những nỗ lực đổi mới về chất lượng, kỹ thuật. Thế thì các doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để ghi dấu ấn với người tiêu dùng trong nước và để thuyết phục họ mua các sản phẩm bằng sự tự nguyện và niềm yêu thích? - Bàn về hành vi tiêu dùng thì đây là hành vi để người mua sắm hãnh diện và tự hào về nó. Như vậy, muốn người tiêu dùng yêu thích hàng Việt Nam thì hãy làm cho họ hãnh hiện và tự hào thông qua các sản phẩm và dịch vụ mà họ có khả năng mua sắm và sử dụng. Tôi nghĩ rằng nếu được lựa chọn, khách hàng sẽ không muốn sử dụng một dịch vụ hay sản phẩm bị “vấy bẩn” bởi vì nhà sản xuất bị tai tiếng là gây ô nhiễm môi trường, đối xử không tốt với công nhân, nhân viên… Do vậy, các doanh nghiệp phải cung ứng những sản phẩm và dịch vụ mang trong đó niềm tự hào. Tự hào không chỉ vì đó là hàng Việt Nam đạt chất lượng cao, an toàn mà còn bởi vì nhà sản xuất biết cách tôn trọng khách hàng và cộng đồng. Các nhà sản xuất trong nước trước mắt có thể thua doanh nghiệp nước ngoài về kỹ thuật, tổ chức, quản trị, tài chính, kinh nghiệm, nhưng về yếu tố tôn trọng con người thì không thể thua. Chính điều này sẽ giúp người tiêu dùng có thêm niềm tin vào hàng Việt Nam, từ đó giúp các doanh nghiệp trong nước có thêm điều kiện tự phát triển trên đường cải tiến chất lượng và đổi mới quy trình tổ chức, quản lý. Xin cảm ơn ông!
Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/ykien/23058/