Tôm hùm, cá biển ở Phú Yên chết không phải do dịch bệnh

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa thông báo kết quả xác định nguyên nhân tôm hùm, cá biển chết hàng loạt tại Phú Yên.

Theo đó, ngày 22/5, sau khi nhận được thông tin từ địa phương, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã cử đoàn công tác đến các thôn Vịnh Hòa và Phú Dương thuộc xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu), nơi tôm hùm, cá biển bị chết với số lượng lớn để khảo sát, đo đạc hiện trường và thu mẫu.

Kết quả khảo sát cho thấy, vùng nuôi có tôm hùm, cá biển bị chết nằm ở khu vực cửa vịnh thông ra biển hẹp (cửa đầm Cù Mông) và hơn 11.000 lồng nuôi tôm hùm, cá biển các loại. Lồng nuôi là dạng lồng chìm, có khung bằng sắt bọc lưới, có kích thước 2,5 x 2,5 x 1 m, được đặt ở vùng nuôi có độ sâu 4-5 m khi nước lớn và 3-4 m khi nước ròng. Lồng cách nền đáy khoảng 0,5-1 m; khoảng cách lồng cách lồng từ 0,8-1,5 m, mật độ tôm thả nuôi từ 100-200 con/lồng.

Tôm hùm, cá biển chết hàng loạt không phải do dịch bệnh.

Tôm hùm, cá biển chết hàng loạt không phải do dịch bệnh.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, số lượng lồng nuôi như vậy trên một đơn vị diện tích là quá dày, làm cho khả năng lưu thông nước kém. Cùng đó, lồng đặt tại vùng nuôi có độ sâu thấp so với quy định (6 m khi nước ròng).

Trong quá trình khảo sát còn, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III nhận thấy có hiện tượng cá chình biển, cá biển các loại ngoài tự nhiên bị chết trong vùng khảo sát. Đo đạc các thông số nước tại hiện trường, kết quả cho thấy hàm lượng oxy hòa tan (DO) chưa phù hợp cho nuôi tôm hùm và cá biển.

Kết quả quan trắc cho thấy, nguyên nhân tôm hùm, cá biển chết trong thời gian qua không phải do dịch bệnh lây lan mà do môi trường vùng nuôi thiếu oxy. Điều này xuất phát từ việc thời tiết nắng nóng tại địa phương kéo dài, cộng thêm nước ròng, khi nước lớn cũng không vào được vùng nuôi nên không tạo được dòng chảy càng làm giảm khả năng hòa tan oxy vào nước.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người nuôi cần chuyển hoặc giảm số lượng lồng nuôi trên một đơn vị diện tích. Trong quá trình vận chuyển lồng người dân cần lưu ý tránh làm sốc tôm hùm, cá biển, đồng thời đưa các lồng không còn tôm hùm, cá biển nuôi lên khỏi mặt nước nhằm tăng khả năng lưu thông của nước khi nước lớn, nước ròng; chủ động chuẩn bị máy sục khí, bình oxy/hạt oxy phòng khi tôm hùm, cá biển nuôi bị ngộp do oxy thấp cục bộ.

Cùng ngày, UBND thị xã Sông Cầu có báo cáo về tình hình thiệt hại do tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt ở địa phương này. Tổng cộng, đã có gần 130 tấn tôm hùm và cá biển chết, trong đó riêng tôm hùm là 67 tấn, gây thiệt hại trên 38 tỉ đồng. Địa phương bị thiệt hại nặng nhất là xã Xuân Thịnh với 104 tấn tôm hùm, cá nuôi bị chết, thiệt hại hơn 35 tỉ đồng; còn lại là các xã, phường Xuân Cảnh, Xuân Đài và Xuân Thành.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tom-hum-ca-bien-o-phu-yen-chet-khong-phai-do-dich-benh-169240524164217051.htm