Tôi 'trúng đậm' nhờ chăm chỉ mua vàng vào ngày vía thần Tài

Nhiều người bảo tôi dại, 'nuôi béo' tiệm vàng khi luôn mua vàng vào ngày vía thần Tài, nhưng sự thật là nhờ vậy mà sau nhiều năm, giờ tôi có cả khó báu, lãi nhiều.

Lâu nay có rất nhiều tranh cãi về chuyện mua vàng ngày lễ thần Tài, rằng đám đông bị giới kinh doanh vàng "dắt mũi" khi đổ xô đi xếp hàng vào ngày 10 tháng Giêng chỉ để mua vài chỉ với giá cao vút. "Mua vàng ngày thần Tài chỉ giúp chủ tiệm vàng phát tài thêm thôi", "đám đông dại dột, chỉ hiệu vàng là khôn"..., đây là những câu tôi nghe nhiều trong những năm qua. Mấy người bạn thân cũng cười tôi là lương lậu chẳng được mấy đồng mà còn mang đi "cúng" cho nhà giàu.

Thế nhưng giờ tôi mà khoe thành quả của thói quen mua vàng ngày vía thần Tài thì đố ai dám nói tôi dại nữa.

Xin kể lại đầu đuôi. Năm 2000, khi tôi mới tốt nghiệp đại học và bắt đầu vào nghề kế toán, vàng nhẫn có giá 680 nghìn đồng/chỉ. Sếp tôi bảo những người làm công việc liên quan đến tài chính nên xin vía thần Tài, ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm ra cửa hàng mà mua chút vàng lấy may để cả năm ăn nên làm ra.

Tôi không mê tín hay quá tin vào tâm linh mà chỉ đơn giản nghe lời người đi trước. Mỗi năm sau dịp Tết Nguyên đán, tôi đều dành tiền mua 2 chỉ vàng.

Tôi thường chọn vàng nhẫn vì giá rẻ hơn vàng miếng. Đến cuối năm 2005, giá vàng nhẫn tăng cao lên đến 950 nghìn đồng/chỉ, tôi định đem bán 8 chỉ mình từng mua trong ngày vía thần Tài để lấy vợ nhưng bố mẹ ngăn lại, bảo gia đình sẽ cho vay tiền làm đám cưới. Mẹ bảo mua vàng tích lũy cả là một chặng đường dài, đừng vội thấy lời trong thời gian ngắn mà bán hết, như thế sẽ thấy được hiệu quả. Thế là tôi lại tiếp tục nắm giữ vàng.

Càng về sau, tôi càng "có lực" về tài chính, ngày vía thần Tài càng mua vàng nhiều hơn, từ 5 đến 10 chỉ, không đơn thuần là lấy may nữa mà còn coi như một khoản tiết kiệm. Sau mỗi dịp Tết, thấy còn dư giả bao nhiêu thì tôi mua vàng hết để cất dành, phòng khi xảy ra việc thì còn có quỹ khẩn cấp.

 (Ảnh: Minh Đức)

(Ảnh: Minh Đức)

Năm 2009 lại là một lần thử thách đến với những người người thích mua vàng như tôi. Kinh tế suy thoái, cuộc sống khó khăn mà giá vàng nhẫn lúc này đã tăng lên đến 2,8 triệu đồng/chỉ. Vợ tôi bảo có hâm mới nhè lúc giá cao thế này để mua, phải tranh thủ lúc giá cao chót vót để bán đi thu tiền lời và lo cho con nhỏ, chờ lúc giá hạ lại mua vào.

Tôi không đồng ý, vì tình hình tài chính chưa đến nỗi phải bán vàng. Mặc dù vợ chồng có chút mâu thuẫn với vợ nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn bảo vệ được quan điểm của mình. Tôi cố gắng xoay xở để lo cho vợ con mức sống không đến nỗi nào, bảo toàn được số vàng của mình và mua thêm một ít vào ngày vía thần Tài. Sau đó, vợ cũng phải thừa nhận tôi đúng khi thấy giá vàng tiếp tục tăng.

Năm 2011, giá vàng nhẫn liên tục đạt đỉnh mới, lên đến 4,8 triệu đồng/chỉ; có thể nói vàng lúc này đã trở thành một "cơn sốt". Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác ảm đạm, rất nhiều người đổ xô đầu tư vào vàng.

Lúc này trong nhà tôi đã có ơn 10 cây. Vợ chồng tôi mới khởi nghiệp kinh doanh, vợ lại muốn bán bớt vàng để có thêm vốn cho dư dả, thoải mái. Tôi vẫn thuyết phục được vợ là chỉ mua tiếp chứ không bán ra. Thực chất số tiền chúng tôi mua vàng là tiền "bỏ ống" lâu dài, chiếm tỷ lệ không lớn trong tài chính gia đình; còn các khoản khác đều có "quy hoạch" riêng.

Đến năm 2013, giá vàng giảm dần xuống mốc 3,4 triệu đồng/chỉ, không còn các "đợt sốt" như những năm trước. Vợ cằn nhằn, mắng mỏ rằng tôi dại dột, chậm chạp, không bán vàng sớm lúc giá cao. Tôi giả vờ nhận lỗi với vợ rồi thuyết phục cô ấy nhân lúc rẻ thì mua vào nhiều hơn mọi khi một chút, sau này kiểu gì cũng tăng. Lúc này, tôi không coi vàng là khoản tiết kiệm phòng khi có sự cố thì lôi ra dùng nữa, mà xem đây là kênh đầu tư chậm, tài sản tích lũy cho quãng thời gian từ 20 năm trở lên.

Thời gian 6 năm tiếp theo, giá vàng bình ổn ở mức 4 triệu đồng/chỉ. Nhờ kinh tế gia đình đã tốt hơn mà mỗi dịp vía thần Tài, tôi mua khoảng 10 - 20 chỉ vàng. Đã thành thói quen, cứ vào ngày này là tôi dậy sớm đi xếp hàng, đôi khi còn rủ vợ đi cùng để xin vía. Vẫn luôn có nhiều người bảo làm vậy là không khôn ngoan, mua vàng ngày thần Tài thì cầm ra khỏi cửa hàng đã lỗ, có khi để cả năm cũng không sinh lời; còn có bao kênh đầu tư hấp dẫn hơn như chứng khoán, Bitcoin, bất động sản... sao không nắm bắt cơ hội.

Tôi bỏ ngoài tai vì mỗi người một "khẩu vị", tôi không đủ tiền và thông tin để buôn đất, cũng mù mờ về chứng khoán nên vẫn trung thành với vàng, dù chậm nhưng chắc chắn. Ngoài ngày vía thần Tài, thỉnh thoảng những khi có "lộc" hay ngày kỷ niệm nào đó, tôi cũng mua thêm vài chỉ, dăm chỉ tích lại.

Đến năm 2020, giá vàng lại một lần nữa "dậy sóng" khi đạt mức hơn 6 triệu đồng/chỉ, lúc đó tôi đã tích trữ được hơn 25 cây. Dịch bệnh COVID-19 khiến việc buôn bán lao đao, vợ lại muốn bán vàng để vực dậy. Rất may là sau đó vì một số lý do, hai vợ chồng quyết định thu hẹp mô hình, kinh doanh cầm chừng chờ hết dịch bệnh. Ngày thần Tài, tôi vẫn mua một chút vàng lấy may.

Cuối năm 2024, đầu 2025, giá vàng nhẫn liên tiếp lập đỉnh kỷ lục, có lúc lên đến 9,1 triệu đồng/chỉ. Nhìn lại thành quả chăm chỉ mua vàng ngày thần Tài hơn 2 thập kỷ, tôi thấy mình đã trúng quả đậm.

Giờ đây khi con trai sắp trưởng thành và tự lập, tôi yên tâm thấy hai vợ chồng đã có một khoản dưỡng già. Gần 30 cây vàng đối với người ta có thể không đáng kể, nhưng với gia đình có thu nhập vừa phải như vợ chồng tôi thì cũng có thể an lòng rằng cho dù con cái không giúp đỡ, chúng tôi cũng không phải lo chuyện cơm áo. Hai vợ chồng còn lao động mười mấy năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, tới lúc đó "kho vàng" cũng sẽ nặng hơn, coi như đảm bảo an toàn tài chính lúc tuổi già.

Ngày vía thần Tài năm nay dù giá vàng tăng cao, tôi cũng sẽ đi mua dăm chỉ.

Hoàng Hà

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/toi-trung-dam-nho-cham-chi-mua-vang-vao-ngay-via-than-tai-ar923769.html