Toàn cảnh về cáo buộc của Israel nhằm vào nhân viên Liên Hợp Quốc ở Gaza

Nhiều nước đã có phản ứng mạnh sau cáo buộc của Israel nhằm vào nhân viên Liên Hợp Quốc ở Gaza.

Israel đã cáo buộc nhân viên Liên Hợp Quốc ở Gaza (Palestine) có liên quan vụ tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7-10-2023. Các nhân viên này được cho là thuộc Cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA).

UNRWA là gì?

UNRWA được LHQ thành lập sau cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948 để cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người Palestine phải sơ tán.

Bên ngoài trụ sở UNRWA ở Gaza. Ảnh: REUTERS

Cơ quan này mô tả người tị nạn Palestine là bất kỳ “người nào có nơi cư trú là ở Palestine trong khoảng thời gian từ ngày 1-6-1946 đến ngày 15-5-1948 và là những người mất cả nhà cửa lẫn phương tiện sinh kế do cuộc chiến tranh năm 1948”.

Đại hội đồng LHQ đã nhiều lần thay đổi nhiệm vụ của UNRWA. Theo website của UNRWA, cơ quan này đã cung cấp viện trợ cho 4 thế hệ người tị nạn Palestine. Các viện trợ bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng trại, dịch vụ xã hội và hỗ trợ khẩn cấp, kể cả trong thời điểm xung đột.

Theo UNRWA, ít nhất 152 nhân viên của họ đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi xung đột Israel-Hamas bắt đầu hồi tháng 10-2023.

Cáo buộc của Israel là gì?

Trả lời CNN hôm 26-1, phía Israel cho biết họ đã chia sẻ thông tin với UNRWA và Mỹ về 12 nhân viên được cho là có liên quan vụ tấn công ngày 7-10-2023.

Người đứng đầu UNRWA – ông Philippe Lazzarini cho biết ông đã nhận được “thông tin về việc một số nhân viên bị cáo buộc”. Ông Lazzarini cũng cho biết để bảo vệ khả năng của UNRWA trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo ở Gaza, ông đã quyết định “chấm dứt ngay lập tức hợp đồng với những nhân viên này và mở một cuộc điều tra để xác định sự thật”.

Người đứng đầu UNRWA khẳng định bất kỳ nhân viên nào có liên quan vụ tấn công ngày 7-10-2023 “sẽ phải chịu trách nhiệm, bao gồm việc bị truy tố hình sự”.

Người đứng đầu UNRWA – ông Philippe Lazzarini. Ảnh: AP

Ngoài cáo buộc nói trên, ngày 27-1, Lực lượng Phòng vệ Israel cũng cáo buộc rằng các cơ sở của UNRWA đã được sử dụng cho “mục đích khủng bố”.

“Thông tin được Cơ quan Tình báo Israel chỉ ra, cáo buộc một số nhân viên UNRWA liên quan vụ tấn công ngày 7-10-2023, cùng với bằng chứng cho thấy một số cơ sở của UNRWA được sử dụng cho mục đích khủng bố”, thông báo của Lực lượng Phòng vệ Israel nêu.

Hôm 27-1, Hamas chỉ trích quyết định chấm dứt hợp đồng của UNRWA với một số nhân viên, cáo buộc Israel đang cố gắng phá hoại UNRWA và các tổ chức khác cung cấp cứu trợ nhân đạo ở Gaza.

Sắc màu quan hệ giữa Israel với UNRWA

Cáo buộc của Israel được đưa ra cùng ngày với việc Tòa án Công lý Quốc tế yêu cầu Israel thực hiện các biện pháp ngay lập tức để ngăn các hành động diệt chủng ở Gaza.

Israel từ lâu đã chỉ trích UNRWA. Israel từng cáo buộc UNRWA về hành vi kích động chống Israel. UNRWA phủ nhận cáo buộc này.

Năm 2017, Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu đã đề nghị giải tán UNRWA, nói rằng cơ quan này nên được sáp nhập với cơ quan tị nạn chính của LHQ.

UNRWA nhiều lần phủ nhận các cáo buộc rằng viện trợ của họ đang được chuyển cho Hamas. UNRWA cũng đã lên án vụ tấn công của Hamas vào ngày 7-10-2023 là “ghê tởm”.

Thế giới phản ứng ra sao?

Một số nước phương Tây đã tuyên bố ngừng tài trợ cho UNRWA sau những cáo buộc.

Ngày 26-1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã “tạm dừng tài trợ bổ sung” cho UNRWA. Canada, Anh và Đức cũng có động thái tương tự.

Hôm 27-1, phía Ireland cho biết họ “không có kế hoạch đình chỉ tài trợ cho công việc quan trọng của UNRWA ở Gaza”. Ngoại trưởng Ireland – ông Micheál Martin cho biết ông “hoàn toàn tin tưởng” vào quyết định “điều tra kỹ lưỡng” của ông Lazzarini.

Tổ chức Giải phóng Palestine kêu gọi các nước cắt tài trợ hãy “rút lại ngay quyết định của mình”. Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine – ông Husseim Al-Sheick cho biết việc đình chỉ tài trợ “kéo theo những rủi ro lớn về chính trị và cứu trợ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel – ông Yoav Gallant bày tỏ sự ủng hộ quyết định cắt tài trợ của Mỹ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel – ông Israel Katz kêu gọi nhiều nước nên cắt nguồn tài trợ cho UNRWA.

Nhân viên UNRWA tại một trường học do UNRWA điều hành ở Gaza. Ảnh: AFP

Phản ứng của UNRWA sau khi bị nhiều nước cắt tài trợ

Hôm 27-1, ông Lazzarini mô tả việc đình chỉ tài trợ là “gây sốc” và kêu gọi các nước xem xét lại. Ông cảnh báo những quyết định như vậy đe dọa hoạt động cứu trợ nhân đạo của cơ quan này cho hàng triệu người.

“Đây sẽ là hành động vô cùng vô trách nhiệm khi xử phạt một cơ quan và toàn bộ cộng đồng mà cơ quan đó phục vụ, vì những cáo buộc chống lại một số cá nhân, đặc biệt là vào thời điểm xung đột, di dời và khủng hoảng chính trị trong khu vực” – ông Lazzarini nói.

Theo CNN, hàng năm, UNRWA chia sẻ danh sách tất cả nhân viên của mình với các nước, bao gồm Israel. Từ trước đến nay, cơ quan này chưa nhận được cáo buộc nào tương tự cáo buộc vừa qua của Israel.

Việc tài trợ từ lâu là một trong những mối quan tâm hàng đầu của UNRWA. Do đó, việc nhiều nước cắt tài trợ có thể ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của cơ quan này, đặc biệt là vào thời điểm người dân Gaza rất cần được giúp đỡ.

Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của UNRWA. Trước đây, Mỹ đã cắt hoàn toàn tài trợ cho UNRWA dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã khôi phục lại các khoản tài trợ cho cơ quan này.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/toan-canh-ve-cao-buoc-cua-israel-nham-vao-nhan-vien-lien-hop-quoc-o-gaza-post774055.html