Tòa nhà chọc trời ở Thâm Quyến lại rung lắc bí ẩn
Tòa nhà SEG Plaza cao 300 mét ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc, lại được lệnh sơ tán lần thứ hai trong ba ngày liên tiếp sau khi người dân ở nhiều tầng khác nhau ghi nhận tình trạng rung lắc.
Hôm 18/5, công trình cao 72 tầng này đã khiến hàng trăm người hoảng loạn tháo chạy vì bất ngờ rung lắc, chòng chành mặc dù không có động đất.
Cổng thông tin The Cover có trụ sở tại Thành Đô cho biết, mới đây, vào khoảng 12h30 trưa 20/5, những người sống ở các tầng 35, 55 và 60 lại báo cáo về tình trạng rung lắc bí ẩn.
Sau sự cố ban đầu, chính quyền thành phố thông báo cuộc kiểm tra an toàn sơ bộ xác định cấu trúc của tòa nhà vẫn chắc chắn. Tất cả các tần số rung động, độ nghiêng và độ lún của công trình xây dựng này đều nằm trong phạm vi tiêu chuẩn và không có gì bất thường.
Thông báo cho biết tình trạng rung chuyển không liên quan đến động đất vì các trạm giám sát không phát hiện bất kỳ hoạt động địa chấn nào gần đó. Nguyên nhân chính xác gây ra vụ chao đảo vẫn đang được điều tra.
Nhiều cửa hàng kinh doanh cùng với các văn phòng ở 10 tầng trên cùng của tòa SEG Plaza đã được phép quay trở lại hoạt động ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, khách hàng vẫn cảnh giác, hạn chế đến đây.
Xem video người dân chạy khỏi tòa nhà sau sự cố chao đảo, rung lắc hôm 18/5 (nguồn: Newsweek):
Lãnh sự quán Mỹ tại Quảng Châu, cách Thâm Quyến khoảng 130km, đã yêu cầu công dân Mỹ tránh đến tòa nhà hoặc vãng lai khu vực xung quanh vì lý do an toàn.
Theo trang Jimu News có trụ sở tại Vũ Hán, một bản tài liệu nội bộ bị rò rỉ đã liệt kê ba nguyên nhân có thể gây ra tình trạng rung lắc của tòa nhà này bao gồm: gió, hoạt động của hai tuyến tàu điện ngầm bên dưới tòa nhà và nhiệt độ. Báo cáo cho biết sự chênh lệch nhiệt độ lên đến 8 độ C trong tuần này có thể đã ảnh hưởng đến kết cấu thép.
Sở quản lý dịch vụ khẩn cấp Thâm Quyến đã xác nhận về tính xác thực của tài liệu trên, đồng thời nói với Jimu News rằng các cuộc đánh giá thêm vẫn đang được tiến hành.
Trên Weibo, trang web truyền thông xã hội giống Twitter của Trung Quốc, những phát hiện ban đầu đã vấp phải sự hoài nghi, với nhiều ý kiến cho rằng các tòa nhà chọc trời khác cũng phải chịu những điều kiện tương tự.