Tọa đàm về vai trò của Viện kiểm sát Nga và Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Ngày 9/11/2023, tại Hà Nội, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phối hợp với Vụ 13, VKSND tối cao tổ chức Tọa đàm với Đoàn đại biểu Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga về chủ đề 'Vai trò của Viện kiểm sát Nga và Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ chống ô nhiễm nguồn nước'.
Tham dự Tọa đàm, về phía Việt Nam có ông Hoàng Anh Tuyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội - Chủ trì; bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Trưởng phòng, Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13), VKSND tối cao và một số Trưởng, Phó Trưởng khoa và các thầy giáo, cô giáo thuộc Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Về phía Đoàn đại biểu Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga có 4 đại biểu tham dự do ông LITVINOV Dmitrii Vadimovich, Cục trưởng Cục kiểm sát việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực môi trường, Tổng Cục kiểm sát việc thực thi pháp luật liên bang, Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga làm Trưởng đoàn; bà SUBANOVA Natalia Viktorovna, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Liên bang Nga; ông TIMOSHENKO Andrei Anatolyevich, Trưởng Khoa hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động kiểm sát, đảm bảo việc đại diện và bảo vệ lợi ích của Liên bang Nga trong các cơ quan liên quốc gia, các tòa án nước ngoài và quốc tế, các tòa án trọng tài nước ngoài và quốc tế; ông EFIMOV Sergey Aleksandrovich, Kiểm sát viên Phòng Hợp tác quốc tế Cục Tổ chức pháp lý thuộc Tổng Cục Hợp tác pháp luật quốc tế, Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga.
Tại buổi Tọa đàm, ông LITVINOV Dmitrii Vadimovich đã trình bày báo cáo giới thiệu một số quy định pháp luật của Liên bang Nga và vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ông LITVINOV cho biết, từ nhiều năm trước, các Kiểm sát viên Liên bang Nga đã bắt đầu thực hiện công tác kiểm sát trong lĩnh vực môi trường. Công tác kiểm sát trong lĩnh vực môi trường được bắt nguồn từ tiền đề là công tác kiểm sát chung được đưa vào lĩnh vực pháp luật trong thời kỳ Xô Viết.
Pháp luật Liên bang Nga cung cấp nhiều công cụ pháp lý để Kiểm sát viên thực hiện các quyền hạn được giao. Hiện tại, Viện kiểm sát có quyền tiến hành thanh tra dựa trên khiếu nại của người dân và các bài phản ánh đăng trên các phương tiện truyền thông cho thấy có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường.
Để ứng phó với các hành vi vi phạm pháp luật, Kiểm sát viên có thể đưa ra yêu cầu đề nghị chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, kháng nghị hành vi thuộc về pháp luật nhưng đang làm trái pháp luật, gửi bản yêu cầu tới Tòa án và ra quyết định chuyển tài liệu cho Cơ quan điều tra sơ bộ hoặc đưa ra khởi tố vụ án vi phạm hành chính. Ngoài ra, Kiểm sát viên nếu có đủ thông tin về khả năng thực hiện một hành vi phạm tội, có quyền đưa ra cảnh báo để lập tức ngăn chặn, bác bỏ hành vi đó.
Tại buổi Tọa đàm, TS Bùi Thị Hạnh, Trưởng khoa Pháp luật hình sự và thực hành quyền công tố kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự đã giới thiệu một số quy định pháp luật của Việt Nam và vai trò, chức năng, nhiệm vụ và phạm vi thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam trong các vụ án liên quan tới lĩnh vực môi trường.
Theo TS Hạnh cho biết, Bộ luật Hình sự của Việt Nam quy định các tội phạm trong lĩnh vực môi trường qua việc định lượng hóa các hành vi vi phạm theo hướng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người hoặc pháp nhân thương mại, ngay khi có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Bộ luật Hình sự có 12 điều luật quy định về các tội phạm liên quan tới lĩnh vực môi trường. Trong đó, hành vi khách quan của các tội phạm về môi trường được chia làm 4 nhóm hành vi: Các hành vi gây ô nhiễm môi trường; các hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người và động vật; các hành vi xâm phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với một số đối tượng môi trường.
Đối với các vụ án về tội phạm môi trường, VKSND thực hiện nhiệm vụ: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố các vụ án về môi trường; thực hành quyền công tố, kiểm sát việc điều tra các vụ án về môi trường; thực hành quyền công tố, kiểm sát trong giai đoạn truy tố các vụ án về môi trường; thực hành quyền công tố, kiểm sát việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án về môi trường.
Tiếp đó, hai đoàn đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của hai bên về một số điểm tương đồng và khác biệt về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong việc thực hiện quy định pháp luật thuộc lĩnh vực môi trường của hai nước.
TS Hoàng Anh Tuyên cho biết, ở Việt Nam có hai hệ thống xử lý các hành vi vi phạm liên quan tới môi trường: Hệ thống xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hành chính và Hệ thống xử lý hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Trong đó, Viện kiểm sát có vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong các vụ án hình sự.
Trên thực tế, số vụ việc vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ chiếm 2% trên tổng số các vụ việc liên quan tới lĩnh vực môi trường. Trong các vụ việc liên quan tới lĩnh vực môi trường, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh hành vi vi phạm gây hậu quả đối với môi trường đến mức phải xử lý hình sự.
Cũng tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về nhiều lĩnh vực khác liên quan tới vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát hai nước như: Công tác nghiên cứu pháp luật trong lĩnh vực môi trường; biện pháp để xác định tội phạm trong lĩnh vực môi trường; công tác đào tạo Kiểm sát viên trong lĩnh vực môi trường....
Trong khuôn khổ hợp tác giữa VKSND tối cao Việt Nam và Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga, đây là lần thứ 3 (lần đầu tiên năm vào 2018; lần thứ hai diễn ra vào năm 2022), Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được vinh dự đón tiếp Đoàn đại biểu Liên bang Nga đến thăm và làm việc tại Nhà trường.