Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ bảo đảm cho việc xét xử được vô tư, khách quan
Việc Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu chứng cứ mà đương sự không thể thu thập được sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án được toàn diện, khách quan và triệt để… , bảo đảm công lý, công bằng trong mỗi phán quyết'. Đó là chia sẻ của Thẩm phán cao cấp, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Chung khi nói về những điểm nổi bật của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
PV: Thưa Chánh án, ông có thể cho biết một số điểm khác nhau cơ bản giữa Luật Tổ chức TAND hiện hành vàLuật Tổ chức TAND (sửa đổi)?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 24/06/2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Với 9 chương, 152 điều, Luật có rất nhiều điểm mới, được dư luận quan tâm.
Luật đã kế thừa những quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn phù hợp; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, tập trung vào những nội dung lớn như:
Thứ nhất, Luật quy định rõ nội hàm quyền tư pháp (Điều 2), theo đó “TAND thực hiện quyền tư pháp để thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bằng hoạt động của mình, góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác”.
Đây là quy định mới nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; đồng thời thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “cụ thể hóa và xây dựng cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp”; “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”.
Thứ hai, Luật quy định bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án: (Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật; Giải thích áp dụng pháp luật trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.
Bên cạnh đó, Luật không còn quy định việc Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án như: bổ sung tổ chức lại bộ máy giúp việc (Cấp vụ và tương đương) của TAND cấp cao; thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt.
Thứ tư, đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án như: đổi mới ngạch, bậc của các chức danh tư pháp, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, chuyển ngạch, nâng bậc của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án căn cứ vào hiệu quả công việc, phẩm chất đạo đức và thời gian giữ bậc,….điều này sẽ xác định rõ hệ tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, kinh tế, xã hội và kinh nghiệm thực tiễn đối với từng chức danh, nhân lực tư pháp.
Thứ năm, đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về: Tiêu chuẩn về độ tuổi đối với Hội thẩm nhân dân; quy trình lựa chọn, giới thiệu để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm tại TAND sơ thẩm chuyên biệt; Quản lý Hội thẩm; Phân công ngẫu nhiên Hội thẩm giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan; Chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm;….
PV: Thưa Chánh án, trong số những nội dung khác nhau cơ bản nêu trên, ông ấn tượngvới nội dung nào nhất?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Nhìn nhận ở góc độ của một Chánh án Tòa án địa phương, bản thân tôi ấn tượng với quy định tại Điều 15 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) khi đã điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án so với Luật hiện hành.
Theo đó, trong vụ án hình sự, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được CQĐT, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, VKS thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử.
Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự, vụ việc phá sản và các vụ án, vụ việc khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ.
Việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án nhằm bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc vô tư, khách quan, để Tòa án luôn giữ vai trò là trọng tài và phán xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra, thực sự tôn trọng nguyên tắc tranh tụng và “việc dân sự cốt ở đôi bên”. Để tạo thuận lợi cho đương sự, người tham gia tố tụng khác trong quá trình giải quyết, xét xử vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án sẽ hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc.
Nếu Tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ do tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan và xem nhẹ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập.
PV: Thưa Chánh án, từ thực tế công tác, xin ông cho biết, việc Tòa án không thu thập chứng cứ thì sẽcó những thuận lợi, khó khăn gì? Với những người yếu thế, Tòa án hỗ trợ thếnào về việc thu thập chứng cứ?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Khoản 7 Điều 15 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định: “Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”.
Về thuận lợi: Quy định trên một lần nữa xác định đúng vị trí, vai trò của Tòa án trong bộ máy nhà nước; xác định được đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của các Tòa án với tư cách là chủ thể thực hiện quyền tư pháp; phân định rõ vị trí, chức năng của Tòa án so với các cơ quan tiến hành tố tụng khác; góp phần bảo đảm tính khách quan, minh bạch của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Theo đó, Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao tiến hành một số nhiệm vụ điều tra, Viện kiểm sát (VKS) có nghĩa vụ thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm; đương sự có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, đúng pháp luật; Tòa án giữ vai trò là trọng tài và phán xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra đảm bảo công bằng, khách quan.
Bên cạnh đó, bỏ quy định về nghĩa vụ thu thập chứng cứ của Tòa án cũng góp phần giảm thủ tục tố tụng, giảm tải công việc cho hệ thống Tòa án như hiện nay.
Về khó khăn: việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án theo hướng không quy định về nghĩa vụ thu thập chứng cứ của Tòa án như trên sẽ dẫn việc phải nghiên cứu, sửa đổi một số quy định có liên quan trong Bộ luật tố tung hình sự (BLTTHS), Bộ Luật tố tụng dân sự (BLTTDS), Luật tố tụng hành chính (LTTHC).
Bên cạnh đó, việc giao các bên đương sự tự mình thu thập chứng cứ có thể dẫn đến chứng cứ có sai lệch…Do đó, khi giải quyết Tòa án phải kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ theo (khoản 6, Điều 7); đồng thời có biện pháp hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ. Vì vậy, cần bổ sung quy định, hướng dẫn cụ thể và quy định về chế tài đối với các cơ quan, tổ chức đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ nhưng từ chối cung cấp khi đương sự có yêu cầu.
PV: Thưa ông, trong trường hợp người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ thì Tòa án sẽ có hướng xác minh như thế nào để đảm bảo tính kháchquan?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Các nguồn chứng cứ sẽ chỉ trở thành chứng cứ nếu như nó được thu thập theo quy trình luật định. Cụ thể, việc xác minh thu thập chứng cứ và giao nộp tài liệu chứng cứ được quy định cụ thể tại điều 96, điều 97 BLTTDS 2015. Để phù hợp với mô hình tố tụng “xét hỏi kết hợp tranh tụng”, khi các bên xuất trình tài liệu, chứng cứ, Tòa án có trách nhiệm phân định tài liệu cần xác minh, tài liệu không cần xác minh. Căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế, Tòa án sẽ xác minh để đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, toàn diện.
Ví dụ: trong vụ án ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con, đương sự đưa ra nhiều nguyên nhân khác để mong được nuôi con như cho rằng người kia ngoại tình, không quan tâm gia đình, có cuộc sống bê tha, có hành vi bạo lực gia đình… Điều này buộc Tòa án phải xác minh nguyên nhân phát sinh tranh chấp mà các bên đưa ra có đúng sự thật hay không mới đảm bảo tính khách quan, chính xác… Tòa cũng có thể tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể có liên quan về gia đình, trẻ em để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp, cũng như nguyện vọng đương sự.
Các hướng xác minh, Tòa án có thể tiến hành như: lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự; Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú; Xem xét, thẩm định tại chỗ…
Theo tôi, cần có quy định hướng dẫn và quán triệt trách nhiệm cung cấp, giao nộp chứng cứ là trách nhiệm của đương sự. Thời điểm giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ phải được quy định đồng thời và được hỗ trợ bởi quy định pháp luật hoàn thiện về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự.
PV: Thưa Chánh án, trong một số vụ án hành chính có thực trạng cơ quan, tổ chức không cung cấp, hoặc chậm cung cấp chứng cứ. Tòa ánsẽ xử lý như thế nào trong trường hợp này, thưa ông?
Chánh án Nguyễn Văn Chung: Việc cơ quan, tổ chức không cung cấp hoặc chậm cung cấp chứng cứ trong các vụ án hành chính sẽ dẫn đến kéo dài việc giải quyết vụ án.
Tại Điều 10 LTTHC năm 2015 về nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý cho đương sự, Tòa án, VKS theo quy định của Luật này khi có yêu cầu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát biết.
Theo khoản 2 Điều 93 LTTHC năm 2015 thì "trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho mình hoặc tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính".
Chủ thể đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Tòa án.
Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng có thể bị xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa quy định chế tài xử lý với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong trường hợp không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của đương sự.
Để mở rộng phạm vi điều chỉnh của nguyên tắc chung trong các điều luật cụ thể về vấn đề chịu trách nhiệm trong hoạt động cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức, LTTHC cần sửa đổi cho phù hợp sự thay đổi của nguyên tắc chung, theo hướng: cá nhân, cơ quan, tổ chức không thực hiện trách nhiệm cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan tới vụ án hoặc có hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị Tòa án quyết định phạt cảnh cáo, phạt tiền, tạm giữ hành chính hoặc khởi tố về hình sự theo quy định của pháp luật”.
PV: Xin cảm ơn Chánh án!