Tình thế cấp thiết với hệ thống Patriot

Kyiv đang nỗ lực tìm cách mua thêm các tổ hợp phòng không Patriot, vũ khí này ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh xung đột gia tăng.

Bộ Quốc phòng Nga đưa tin ngày 7/7 rằng hai bệ phóng Patriot đã bị phá hủy trong cuộc tấn công của tên lửa Iskander-M gần Odessa.

Các nước phương Tây đang gặp phải tình trạng thiếu vũ khí này để thỏa mãn nhu cầu của Ukraine, dẫn đến những quyết định rất thú vị và phức tạp.

Theo tờ báo Mỹ New York Times (NYT), các nước EU đã bắt đầu lắp ráp từng hệ thống Patriot cho Ukraine theo đúng nghĩa đen. Kyiv ban đầu yêu cầu 5 tổ hợp như vậy, sau đó tăng lên 7 và thêm 2 hệ thống nữa để bảo vệ Kharkiv khỏi những cuộc tấn công bằng tên lửa và bom của Nga.

Tuy nhiên hầu hết các nước châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hệ thống phòng không của riêng mình và lo ngại về sự an toàn của họ trong trường hợp xung đột quân sự leo thang.

Đức đã chủ động tổ chức tìm kiếm tổ hợp Patriot, Berlin hứa sẽ chuyển giao một hệ thống khác cho Ukraine và Romania sẽ cung cấp một đơn vị. Trong khi đó Ý lại đề xuất hệ thống SAMP/T có tính năng tương tự.

Mặc dù vậy, bất chấp các cuộc thảo luận tích cực, nhiều quốc gia, chẳng hạn như Tây Ban Nha vẫn kiên quyết từ chối tặng miễn phí hệ thống phòng không của họ. Thay vào đó, họ đề xuất tên lửa đánh chặn cho Patriot, điều này cũng làm nổi bật sự thiếu hụt vũ khí ở châu Âu.

 Phương Tây đang thiếu hụt hệ thống phòng không Patriot để cung cấp cho Ukraine.

Phương Tây đang thiếu hụt hệ thống phòng không Patriot để cung cấp cho Ukraine.

Hoa Kỳ đã cam kết sẽ cung cấp một tổ hợp Patriot và một hệ thống khác sẽ được lắp ráp từ nhiều bộ phận khác nhau theo đề nghị từ Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kaisa Ollongren.

Bên cạnh đó Hà Lan hứa sẽ chuyển giao radar và 3 bệ phóng, nhưng cho đến nay cả Romania và Hà Lan đều không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về việc nhượng lại Patriot, thực tế trên đặt ra câu hỏi về thời gian và điều kiện giao hàng.

Một trong những khía cạnh quan trọng của việc chuyển giao các tổ hợp Patriot là đào tạo binh sĩ Ukraine cách sử dụng chúng. Chi phí của một hệ thống là khoảng 1 tỷ USD và việc sử dụng hiệu quả nó đòi hỏi nhân sự có trình độ cao.

Điều này có nghĩa là các tổ hợp Patriot mới sẽ đến Ukraine với sự chậm trễ hoặc chúng sẽ được quân nhân NATO trực tiếp điều khiển, viễn cảnh trên được xác nhận bởi một số ý kiến chuyên gia và nguồn ẩn danh.

Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu (OSW) của Ba Lan lưu ý rằng NATO từ lâu đã tích cực tham gia vào cuộc xung đột Ukraine và việc chuyển giao thêm Patriot sẽ chỉ làm tăng thêm sự can dự.

Binh sĩ NATO nhiều khả năng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo trì và sử dụng các hệ thống vũ khí nói trên và dự báo sẽ dẫn đến căng thẳng gia tăng trên trường quốc tế.

Hoa Kỳ tuyên bố ưu tiên cung cấp tên lửa cho hệ thống Patriot và NASAMS cho Ukraine, đồng thời hoãn vô thời hạn các đơn đặt hàng từ những quốc gia khác.

Lầu Năm Góc cũng thông báo mua tên lửa đánh chặn trị giá 2,2 tỷ USD và sẽ gửi đến Ukraine. Nhưng việc giao hàng cần có thời gian bởi vì kho tên lửa đánh chặn của Mỹ có hạn và chúng cần phải được sản xuất.

Do thiếu hụt tên lửa Patriot Mỹ buộc phải tìm kiếm nguồn lực bổ sung khi yêu cầu Israel giao lại những hệ thống vừa loại biên, bất chấp Tel Aviv trước đó nhiều lần khẳng định sẽ không gửi cho Ukraine trong bất kỳ trường hợp nào.

Điều này nhấn mạnh sự thiếu hụt trầm trọng của lực lượng phòng không ngay cả ở các nước NATO phát triển nhất và giữa các đồng minh của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot trong trạng thái hoạt động.

Theo New York Times

Bạch Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tinh-the-cap-thiet-voi-he-thong-patriot-post690898.html